Hãy thử tưởng tượng một cửa hàng McDonald’s có 20 nhân viên để phục vụ khách hàng và họ đều là những người thạo việc. Điều đó thật tuyệt, bởi trên thực tế họ nhận lương hậu hĩnh từ công ty, và các bản hợp đồng có thời hạn vài năm là để ngăn họ đột ngột từ bỏ công việc để chuyển sang làm cho KFC hay Burger King.
Nhưng cửa hàng đó đang làm ăn không tốt và ông chủ của nó không được mọi người quy mến. Ai cũng nghi ngờ về lựa chọn chiến lược của ông ta. Áp lực đã khiến người chủ đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.
Ông ấy không nhận được thiện cảm của số đông và đã sa thải nhiều nhân viên. Dù đã vất vả gánh vác trọng trách cho công ty trong vài tháng, phần lớn các nhân viên đều cảm thấy không hài lòng.
Họ cảm thấy mệt mỏi với thành tích kém cỏi của tập thể và muốn biến Golden Arches (biểu tượng của McDonald’s) trở nên rực rỡ một lần nữa. Vì vậy, họ bắt đầu tìm cách lật đổ ông ta và cuối cùng thì người chủ bị sa thải.
Đừng lo lắng về tình hình tài chính của ông ta, bởi ông ta sẽ có thể nghỉ ngơi thoải mái trong vài năm. Còn ở cửa hàng nọ, khi tâm trạng đã được cải thiện thì các nhân viên lại hứng khởi với công việc của họ.
Trong trường hợp này, một người bình thường – hoặc một khách hàng trung thành đã mua một chiếc Big Mac mỗi cuối tuần từ khi còn là một cậu bé – chắc chắn sẽ vui mừng với các nhân viên.
Rõ ràng là ông chủ có năng lực lãnh đạo yếu kém, người lao động đã làm những gì được yêu cầu. Tại sao phải làm việc cho một ông chủ như vậy và 20 nhân viên cùng các khách hàng của tập đoàn phải gánh chịu hậu quả?
Có thể áp dụng lối nghĩ này với một siêu thị, hoặc trường học hay nhà hát địa phương và mọi thứ khá tương đồng. Nhưng khi thay thế nó bằng một câu lạc bộ bóng đá thì câu chuyện đổi khác hoàn toàn. Đây không còn là một ví dụ về hành động quyết đoán của những người lao động nữa mà trở thành minh chứng cho thứ gọi là “quyền lực của cầu thủ”.
Trong bóng đá, cụm từ này không bao giờ được sủ dụng với nghĩa tích cực – nó ám chỉ các cầu thủ có hành vi sai trái, đánh giá quá cao tầm quan trọng của bản thân, dù tất cả đều bỏ qua thực tế rằng bóng đá luôn và sẽ luôn hướng đến các cầu thủ.
Về cơ bản, có hai kiểu “quyền lực cầu thủ” có vẻ tiêu cực. Đầu tiên là ở khía cạnh cá nhân và liên quan đến mức độ quyền lực của một cầu thủ khi chuyển nhượng khỏi câu lạc bộ, mà trường hợp dễ liên tưởng nhất là phán quyết Bosman năm 1990.
Đây được coi là một thời khắc thay đổi bóng đá châu Âu, nhưng trên thực tế, nó chỉ đơn giản là một phán quyết rằng các cầu thủ chuyên nghiệp có thể chuyển đến đội bóng mới sau khi kết thúc hợp đồng với đội bóng cũ, và đội bóng cũ của anh ta không nhận được một khoản phí nào.
Chẳng ai cho rằng dậm chân tại chỗ là một điều tốt đẹp cả, vậy mà chẳng rõ tại sao “quyền lực của cầu thủ” lại là một vấn đề. Rất rõ ràng, một cầu thủ có thể ra đi tự do nếu họ đã hoàn thành hết hợp đồng, thế nhưng họ lại thường phải nhận thái độ khinh thường.
Nếu tra Google cụm từ “cầu thủ nổi loạn để ra đi”, mọi chuyện không phải về một cầu thủ chống lại các điều khoản trong hợp đồng cảu anh ta nữa, mà là về những cầu thủ đang chờ đợi hợp đồng của họ kết thúc để tìm kiếm một công việc béo bở ở nơi khác.
Đó là một cách hiểu cực kỳ phi logic khi đối xử với những người làm bóng đá bằng sự khinh thường dù họ đã hành xử hoàn toàn hợp lý. Liệu có ai bị coi là kẻ nổi loạn nếu mua một chiếc điện thoại mới, khi chiếc điện thoại cũ của người đó đã hết giá trị sử dụng hay không?
Một dạng khác của quyền lực cầu thủ là ở khía cạnh tập thể, nói về việc những nhóm cầu thủ có quá nhiều ảnh hưởng trong phòng thay đồ, như thể họ là những đứa trẻ nghịch ngợm không muốn nghe theo mệnh lệnh của thầy hiệu trưởng hà khắc.
Ví dụ phù hợp nhất là Man United, nơi có niềm tin mạnh mẽ rằng “quyền lực của cầu thủ” là vấn đề chính dẫn đến thành tích yếu kém của đội bóng trong những năm gần đây.
Điều này dường như mâu thuẫn với một luận điểm khác – rằng câu lạc bộ thiếu đi những người thủ lĩnh. Làm thế nào mà một phòng thay đồ thiếu bóng thủ lĩnh lại có thể có quá nhiều quyền lực?
Nếu các cầu thủ thực sự cai trị phòng thay đồ của Man United thì mọi chuyện dường như đã diễn ra khá suôn sẻ. Mùa trước, họ được dẫn dắt bởi Ole Gunnar Solskjaer, một HLV chỉ có kinh nghiệm làm việc ở Na Uy và đã khiến Cardiff City xuống hạng.
Một CLB như Man United thông thường sẽ bổ nhiệm một người có tầm cỡ lớn hơn nhiều và thật khó để tưởng tượng Solskjaer sẽ sớm nhận được một công việc ở đội bóng hàng đầu nào khác vì ông vẫn còn rất non nớt trong sự nghiệp huấn luyện. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Man United đã phải thích nghi và vượt qua điều đó.
Solskjaer đã làm tốt một số điều: khơi dậy ý chí của tập thể và trao quyền tự do cho các cầu thủ tấn công. Trong nhiều tháng trời, khi Solskjaer dường như mất phương hướng trên sân cỏ, ông vẫn không để mất sự ổn định của phòng thay đồ, dù thực tế các cầu thủ thừa biết ông không phải là Jurgen Klopp hay Pep Guardiola.
Man United đứng thứ hai ở mùa giải trước, chắc chắn là sự phản ánh về năng lực của cầu thủ hơn là trình độ của HLV. Ý tưởng rằng Man United có vấn đề với “quyền lực của cầu thủ” phần lớn được đưa ra bởi các cựu danh thủ của CLB, những người tuyệt vọng bảo vệ người bạn cũ Solskjaer.
Mọi có thể đã thay đổi kể từ khi có sự xuất hiện của siêu sao Cristiano Ronaldo, nhưng vấn đề của Man United trong những mùa giải gần đây thực sự không phải là quyền lực của các cầu thủ đang thi đấu, mà là sự ảnh hưởng từ những cái tên cũ, như Roy Keane, Garry Neuville, Paul Scholes,…
Cách tiếp cận không khoan nhượng đối với bất kỳ cầu thủ nào bất đồng ý kiến là một hiện tượng đặc biệt tại Anh. Rafa Benitez đã bị sốc một chút khi bắt đầu làm việc ở Liverpool vào năm 2004.
Ở buổi tập diễn ra một ngày trước trận đấu tiếp theo, ông yêu cầu các các học trò của mình chạy tốc độ cao, chạy đường dài và nhiều cầu thủ tỏ ra kém cỏi, hời hợt. Benitez cảm thấy quá thất vọng với những gì mình chứng kiến và ngay lập tức nói với các cầu thủ đó rằng hãy suy nghĩ về mọi thứ và chỉ thể hiện sự thách thức với HLV vào một thời điểm thích hợp.
Một đội bóng thành công phải có phong cách mặc định phù hợp với các cầu thủ, cũng như các kế hoạch huấn luyện cụ thể cho từng cá nhân – và điều đó nói chung là trách nhiệm của HLV trưởng. Nhưng về mặt quản lý con người, nếu HLV luôn sử dụng cách diễn đạt mang hơi hướng độc tài, không có gì lạ khi phòng thay đồ xuất hiện những cơn sóng ngầm.
Bên cạnh đó, những nhà cầm quân giỏi nhất thường khuyến khích các cầu thủ thảo luận và tranh luận về chiến thuật vì họ muốn những người trực tiếp xỏ giày ra sân phải tự suy nghĩ. Đây luôn là một phần cơ bản của trường phái bóng đá Hà Lan, cách tiếp cận mà ít nhiều đã thống trị các trận đấu ở châu Âu trong những thập kỷ gần đây.
Các HLV Hà Lan không chỉ đơn giản là chấp nhận những bất đồng mà họ còn tích cực khuyến khích nó. Luôn có một mối nguy hiểm khi mất kiểm soát phòng thay đồ, điều cuối cùng dẫn đến việc lật ghế của huấn, nhưng đó cũng được coi là một lẽ tự nhiên trong bóng đá.
Thật thú vị khi nghe Mikel Jon Obi, một thành viên của phòng thay đồ Chelsea năm xưa, người thường bị cáo buộc là một kẻ nổi loạn. Mikel đã thể hiện quan điểm trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái.
“Các cầu thủ có quyền lực bởi họ đã phục vụ câu lạc bộ trong một thời gian dài. Quyền của họ là cống hiến cho câu lạc bộ và đảm bảo khi mọi thứ không suôn sẻ, họ sẽ tìm cách đưa câu lạc bộ trở lại như cũ.
Nếu một HLV không làm tốt phần việc của mình, các cầu thủ có quyền nói lên ý kiến và làm bất cứ điều gì họ có thể làm để đảm bảo rằng sẽ có sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo, và sau đó, nếu điều đó mang lại thành công thì mọi chuyện đều ổn thỏa!
Vâng, đôi khi chúng tôi đã làm những việc đi quá giới hạn, đáng chú ý nhất là khi Andre Villas-Boas bị buộc phải rời đi. Điều đó dường như đã tạo ra tác động tích cực, khi Chelsea giành Champions League vào cuối mùa giải đó”, Mikel nói về những năm tháng ở Stamford Bridge.
Tất nhiên, các HLV không phải lúc nào cũng đồng tình với điều đó. Sau khi rời Man United, Jose Mourinho đã trút bầu tâm sự về vấn đề “quyền lực cầu thủ” trong bóng đá hiện đại. “Ngày nay, có một vấn đề giữa HLV và cầu thủ. Chúng ta không còn ở thời kỳ mà HLV đủ quyền lực để một mình đương đầu với những cầu thủ không thể hiện sự chuyên nghiệp ở mức cao nhất”.
Nhưng đây lại là một trong những yếu tố cơ bản khiến công việc của Mourinho ngày càng trở nên tồi tệ trong những năm qua. Trong khi đó, có vẻ như Guardiola hay Klopp lại chưa gặp phải vấn đề tương tự. Trên thực tế, có một điều kỳ lạ là có rất nhiều CĐV hoàn toàn thoải mái với khái niệm không kiểm soát quyền lực của cầu thủ.
Những nguồn tin gần đây nói rằng các cầu thủ của Man United không hài lòng với phong cách huấn luyện cũ kĩ của Ralf Rangnick, điều này dẫn đến một làn sóng cáo buộc rằng họ đã có thái độ không đúng mực dù được trả mức lương hậu hĩnh.
Nhưng liệu các cầu thủ có bị oan, khi Rangnick hầu như không làm công việc huấn luyện trong một thập kỷ qua, và hoàn toàn hợp lý khi những cầu thủ đã liên tục chơi bóng ở cập độ cao nhất có thể nhận ra điều đó.
Tương tự, nhiều người cảm thấy khó chịu khi nhiều bài báo viết rằng các cầu thủ của Man United thích đội bóng được dẫn dắt bởi Mauricio Pochettino hơn là các ứng cử viên khác. Cầu thủ không nên có tiếng nói trong việc bổ nhiệm HLV, đó là một quy tắc đã được ngầm khẳng định. Nhưng tại sao không?
Phải chăng các cầu thủ đẳng cấp thế giới xứng đáng có thêm những quyền nhất định? Ở bất kỳ CLB nào, ông chủ của nó có thể là một doanh nhân, người coi đội bóng là một doanh nghiệp, hoặc trong ban lãnh đạo câu lạc bộ có những người được bổ nhiệm bởi thành tích về mặt thương mại chứ không đơn thuần là chuyên môn bóng đá.
Vì vậy, không có gì là lố bịch khi trong một số tình huống, các cầu thủ có thể cử ra đại diện, thường là người đội trưởng để lên tiếng về việc lựa chọn huấn luyện viên tiếp theo.
Nhiều CLB có những cầu thủ thực sự có phẩm chất thủ lĩnh, những người mà khi họ đã đưa ra ý kiến thì bạn nên lắng nghe. Nếu Wolves hoặc West Ham hoặc Liverpool đột nhiên cần một huấn luyện viên mới, có lẽ Conor Coady, Mark Noble hoặc Jordan Henderson có thể tham gia vào quá trình đó.
Cuối cùng, dường như công chúng luôn có thành kiến kỳ lạ đối với các cầu thủ bóng đá, có lẽ dựa trên quan điểm rằng những cầu thủ thì không quá thông minh và không nên có quá nhiều ảnh hưởng đối với môi trường làm việc.
Tuy vậy, nếu quyền lực của cầu thủ là một vấn đề của bóng đá thì chúng ta nên hỏi chính xác ai là người đem lại cho câu lạc bộ sức mạnh. Các cầu thủ làm điều đó, và họ cần được trao thêm quyền lực.