Thời gian và tần suất
Trong câu nói của HLV Philippe Troussier, xoay quanh kế hoạch nâng tầm bóng đá Việt Nam nói chung và hướng đến mục tiêu World Cup 2026 cho ĐTQG Việt Nam nói riêng, 3 cụm từ cần được lưu tâm và chú ý. Thứ nhất, đó là mùa giải chuyên nghiệp, bao gồm Cúp Quốc gia, hạng Nhất Quốc gia và V.League. Đây là những mặt trận quy tụ cầu thủ hay nhất của bóng đá Việt Nam và đóng vai trò xây dựng lực lượng cho U23 và ĐTQG Việt Nam. Thứ hai là thời gian 10 tháng. Và cuối cùng là tính liên tục trong công tác vận hành của mùa giải chuyên nghiệp.
Trong những mùa giải vừa qua, ngoại trừ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động trực tiếp vào guồng quay giải đấu, V.League hay các giải chuyên nghiệp vẫn thường được tổ chức hàng năm. Với V.League là tổng số 26 vòng đấu. Dẫu vậy, dựa trên kế hoạch hàng năm liên quan đến ĐTQG, V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung đã có những quãng nghỉ nhất định. Từ đó, các cầu thủ chủ lực của CLB có dịp hội quân với U23 hay ĐTQG Việt Nam trong một thời gian đủ dài, nhằm chuẩn bị tươm tất cho những chiến dịch lớn tầm khu vực và châu lục.
Nhìn từ 5 năm hoạt động của U23 và ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo, từ SEA Games, AFF Cup đến U23 châu Á, ASIAD, Asian Cup và vòng loại World Cup, có thể thấy việc dành nhiều thời gian cho các cấp độ ĐTQG cũng đóng góp một phần quan trọng vào thành công của đội tuyển, khi người tiền nhiệm Hàn Quốc còn dẫn dắt. Dẫu vậy, ở nhiệm kỳ tân HLV Philippe Troussier, vị HLV người Pháp đang có xu hướng muốn các cầu thủ được tập trung nhiều hơn tại cấp CLB. Và việc một V.League được thi đấu 10 tháng liên tục là điều mà ông Troussier kỳ vọng có thể hiện thực hóa trong tương lai.
Phương án nào cho khát vọng của ông Troussier?
Thực tế, việc mùa giải bóng đá chuyên nghiệp (Cúp Quốc gia, V.League, Hạng Nhất Quốc gia) kéo dài trong khoảng 10 tháng vốn dĩ đã xảy ra trong nhiều năm qua. Tất nhiên không tính đến trường hợp giải bị tác động do dịch Covid-19. Dẫu vậy, tần suất liên tục là điều mà mùa giải bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam chưa có. Như đã nói, kế hoạch chuẩn bị, rèn luyện và thi đấu của các ĐT Việt Nam trong một năm chiếm một khoảng thời gian đáng kể. Kéo theo đó, V.League nói riêng hay các giải chuyên nghiệp Việt Nam nói chung cũng vì thế mà có một số quãng nghỉ đứt đoạn trong năm tổ chức.
Vậy nên, câu chuyện đầu tiên đến từ chính kế hoạch của HLV Philippe Troussier. Nếu ông có thể đảm bảo chất lượng rèn quân với thời lượng ngắn vừa đủ trong mỗi đợt tập trung của ĐT Việt Nam, như mô hình kéo dài 5-6 ngày như ở đợt tập trung đã qua, lịch trình thi đấu của V.League, Cúp Quốc gia hay hạng Nhất Quốc gia cũng sẽ được đảm bảo về tính liền mạch. Điều này cũng đã được áp dụng tại giải Thai League (giải VĐQG Thái Lan) hay Liga 1 (giải VĐQG Indonesia), khi họ luôn chủ trưởng đảm bảo sự liên tục trong vận hành mùa giải thi đấu. Mật độ tổ chức từng vòng cũng được giãn cách hợp lý, với trung bình từ 5-6 ngày sẽ diễn ra 1 vòng đấu.
Mặt khác, VPF có thể nghĩ đến việc nâng số lượng trận đấu trong một mùa giải chuyên nghiệp (V.Legaue, hạng Nhất Quốc gia). Trên mạng xã hội, một số quan điểm đóng góp rằng thay vì chỉ tổ chức lượt đi và về với 26 vòng đấu, V.League hoàn toàn có thể học theo cách tổ chức của K-League, tức là bổ sung thêm lượt thứ 3, qua đó nâng số vòng đấu lên thành 39 vòng! Với số vòng đấu tăng lên như vậy, khoảng thời gian tổ chức giải đấu cũng được kéo dài hơn.
Cuối năm nay, V.League sẽ chuyển giao cách mạng với mùa giải 2023/24 vắt sang 2 năm. Đó cũng có thể là khởi đầu cho một định hướng mới, với chất lượng và tần suất của V.League được phát triển hơn nữa.
Trung vệ Văn Khánh trở lại
Về đầu quân cho Nam Định từ cuối năm ngoái nhưng hậu vệ Hoàng Văn Khánh (ảnh) không may dính chấn thương dây chằng đầu gối. Thế nên anh không thể thi đấu phút nào trong 4 trận đầu mùa giải 2023. Ngày 11/3 vừa qua, Văn Khánh đã đánh dấu sự trở lại sau 3 tháng dưỡng thương khi cùng Nam Định đá giao hữu với CAHN. Trận này, 2 đội hoà 1-1. Văn Khánh trở lại sẽ giúp HLV Vũ Hồng Việt có thêm sự lựa chọn ở hàng thủ chơi 3 trung vệ giăng ngang.