Đây là phản ứng của PSG trước việc Messi bay tới Saudi Arabia để tham dự các sự kiện quảng cáo của nhà tài trợ cá nhân là Visit Saudi, thay vì tham dự buổi tập của CLB. Đối với PSG, điều đó được coi là bước đi quá xa sau khi CLB chịu thất bại 1-3 trên sân nhà trước Lorient cuối tuần trước, khiến đội bóng thành phố Paris chỉ còn hơn đội đầu bảng Marseille 5 điểm, trong bối cảnh Ligue 1 vẫn còn 5 trận đấu.
Messi chắc chắn sẽ bỏ lỡ trận đấu tiếp theo của PSG với Troyes – đội xếp thứ 18 vào tuần tới và không rõ liệu anh có được phép thi đấu trận tiếp theo với Ajaccio hay không. PSG có thể phải thi đấu mà không có sự phục vụ của Messi ở các trận đấu quan trọng sắp tới trong hành trình theo đuổi danh hiệu vô địch Ligue I lần thứ 11.
Chủ tịch của PSG và quỹ Qatar Sports Investments (QSI) – Nasser Al-Khelaifi đã quyết tâm vạch ra một ranh giới và bắt đầu tạo ra một nền văn hóa tại PSG. Mục tiêu của Al-Khelaifi là xây dựng nên một tập thể đội bóng gắn kết và hạn chế những sự ngẫu hứng cá nhân của các ngôi sao.
Trong những năm gần đây, CLB đã bị chê trách vì đã không kiềm chế được cái Tôi của các siêu sao như Messi, Neymar, Kylian Mbappe. Thế nên, án phạt này gần như đồng nghĩa với việc Messi sẽ chia tay với PSG sau khi hết hợp đồng vào mùa hè này, với những đồn đoán về khả năng ngôi sao 36 tuổi sẽ chuyển đến Saudi Arabia, Inter Miami hoặc thậm chí là quay trở lại Barcelona.
Mọi thứ đang khác xa với khi Messi cùng Argentina vô địch World Cup ở Qatar vào tháng 12/2022, khi Messi đạt được mục tiêu lớn nhất sự nghiệp và được Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani choàng lên người Messi chiếc áo bisht truyền thống của Ả Rập.
Tuy nhiên, có một thuyết âm mưu được đặt ra khi nước láng giềng của Qatar là Saudi Arabia đọ sức với Argentina của Messi trong trận mở màn của bảng C World Cup ở Doha. Đó là trận đấu nhằm giành quyền đi tiếp ở bảng C, nhưng cũng có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến ngoài sân cỏ diễn ra trong những năm tới.
World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ, Canada và Mexico, còn việc vận động giành quyền đăng cai World Cup 2030 sẽ diễn ra vào tháng 6 năm 2023 và tên của người/liên danh chiến thắng cuối cùng sẽ được xướng tên tại đại hội FIFA lần thứ 74 vào năm 2024.
Đơn dự thầu duy nhất được xác nhận vào thời điểm diễn ra World Cup 2022 là liên danh gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ukraine, nhưng vào tháng 3/2023, có thông tin rằng Marocco đã thay thế Ukraine trong liên danh sau khi trận bán kết World Cup kết thúc.
Vào tháng 2/2023, một liên danh khác đã xuất hiện, với những ứng viên đến từ Nam Mỹ bao gồm Argentina, Uruguay, Paraguay và Chile. Thêm vào đó, nhiều khả năng Saudi Arabia, Ai Cập và Hy Lạp cũng sẽ tham gia cuộc đua. Việc nhiều quốc gia góp mặt trong hồ sơ dự thầu được giải thích là do vòng vòng chung kết World Cup sẽ trở thành giải đấu có 48 đội từ năm 2026.
“Khu vực Nam Mỹ đang vận động mạnh mẽ để giành quyền đăng cai World Cup 2030”, điều phối viên Fernando Marin chia sẻ với tờ The Athletic. “Khu vực này là nơi tạo ra những tài năng sáng giá trên toàn thế giới. Ngoài ra, đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm World Cup đầu tiên diễn ra ở Uruguay vào năm 1930”.
Liên danh Nam Mỹ lần đầu tiên được công khai vào năm 2017, khi những đồng đội ở Barcelona khi đó là Luis Suarez (Uruguay) và Lionel Messi (Argentina) hợp tác để quảng bá cho đất nước của họ. Trước trận đấu giữa 2 ĐTQG, Suarez mặc trang phục thi đấu của ĐT Uruguay với số áo 20 và Messi mặc trang phục của ĐT Argentina với số áo 30.
Marin nói với hãng tin AFP: “Messi và Suarez sẽ tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi đã nói với Messi về mục tiêu của mình và anh ấy cảm thấy nó khả thi. Messi đã thể hiện mong muốn giúp đỡ chúng tôi. Chắc chắn anh ấy sẽ là người cầm cờ cho World Cup”.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, một diễn biến mới đã nảy sinh khi Messi đã ký một thỏa thuận béo bở với nhà nước Saudi Arabia. Điều đầu tiên cần nói đây là thỏa thuận nhằm thúc đẩy du lịch ở quốc gia Trung Đông này, chứ không liên quan tới bất kỳ cuộc đấu thầu nào cho World Cup 2030.
Tuy nhiên, mục tiêu quốc gia của Saudi Arabia gắn liền với “Tầm nhìn 2030”. Điều này được tài liệu của chính phủ mô tả là “một kế hoạch chi tiết cải cách kinh tế và xã hội mang tính biến đổi độc đáo nhằm mở rộng cánh cửa nối Saudi Arabia với thế giới”.
Do đó, một cuộc đấu thầu giành quyền đăng cai World Cup 2030 dường như có mối liên hệ chặt chẽ với tầm nhìn tổng thể và việc thúc đẩy du lịch sẽ hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu đó. Những dấu hiệu khác cũng manh nha xuất hiện, khi quỹ tài sản có chủ quyền PIF mua CLB Newcastle, cũng như ủng hộ giải LIV Golf, cộng với hợp đồng 10 năm trị giá 650 triệu đô la để tổ chức các cuộc đua F1 và tổ chức giải quyền Anh hạng nặng năm 2019 với màn so găng đình đám giữa Anthony Joshua và Andy Ruiz.
Dennis Horak, đại sứ Canada tại Saudi Arabia từ năm 2015 đến 2018, giải thích với The Athletic: “Việc mở cửa toàn bộ lĩnh vực giải trí và thể thao là một phần quan trọng của Tầm nhìn 2030. Sau LIV Golf và bây giờ là Messi, Saudi Arabia đang cố gắng đưa nó lên một cấp độ khác mang tính toàn cầu. Danh tiếng của Saudi Arabia cần được nâng cao và họ đang xây dựng lại thương hiệu quốc gia”.
Thời hạn và điều khoản trong thỏa thuận của Messi chưa được công khai. Trước đó, Daily Telegraph đưa tin Cristiano Ronaldo đã từ chối lời đề nghị trị giá hơn 5 triệu bảng mỗi năm để quảng bá du lịch Saudi Arabia.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin quen thuộc với hoạt động của các đại sứ ở vùng Vịnh cho biết thỏa thuận của Messi có giá trị cao gấp 5 lần so với khoản phí hành năm được cung cấp cho Ronaldo – người đã ký hợp đồng với CLB Al-Nassr sau khi rời khỏi Man United một cách đầy kịch tính.
Thông tin liên quan đến Messi trở nên đáng tin cậy hơn khi xem xét những gì các nhà đầu tư Ả Rập Xê Út đã rót vào LIV Golf Tour, nơi Tiger Woods được cho là đã từ chối lời đề nghị có trị giá tới 700 triệu – 800 triệu USD để tham gia giải đấu ly khai chống lại PGA Tour.
Đại diện của Messi từ chối làm rõ các số liệu liên quan do điều khoản bảo mật của thỏa thuận, trong khi chính phủ Saudi Arabia không hồi đáp email của The Athletic. Saudi Arabia lần đầu tiên công bố vai trò đại sứ du lịch của Messi trong chuyến đi tới Jeddah, một thành phố nghỉ mát bên Biển Đỏ, vào tháng 5.
“Đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của Messi tới vương quốc và sẽ không phải là lần cuối cùng”, Ahmed al-Khateeb, Bộ trưởng Bộ Du lịch Saudi Arabia viết trên Twitter, cho thấy sự chào đón của Saudi Arabia dành cho Messi tại sân bay quốc tế King Abdulaziz. Sau đó, Messi cũng đã công bố một bức ảnh của anh trên du thuyền ngắm hoàng hôn ở Saudi Arabia.
“Khám phá Biển Đỏ #VisitSaudi,” là dòng chú thích trên Instagram có hơn 370 triệu người theo dõi của Messi. Bài đăng được gắn nhãn “quan hệ đối tác có trả phí” với Visit Saudi, một công ty con của Cơ quan Du lịch Saudi Arabia. Tiếp đó, Messi đã cùng Công chúa Haifa Al-Saud, trợ lý bộ trưởng du lịch, tham gia chuyến tham quan Jeddah. “Tôi rất vui vì anh ấy bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của di sản”, Công chúa Haifa viết trên Twitter.
Trang web Visit Saudi hiện có gắn trang đích của Messi. “Lionel Messi muốn bạn giải phóng bản thân và khám phá những điều không tưởng. Dù bạn đi du lịch để khám phá những điều mới mẻ, tìm lại ký ức hay chỉ để đánh thức một điều gì đó khác biệt bên trong tâm hồn mình, Saudi Arabia đáp ứng mọi nhu cầu của bạn. Bạn đang chờ đợi điều gì? Hãy lên kế hoạch cho cuộc phiêu lưu của bạn ngay bây giờ!”
Đội ngũ truyền thông của Messi từ chối bình luận việc liệu vai trò của anh trong việc thúc đẩy du lịch của Saudi Arabia có mâu thuẫn với những nỗ lực của Argentina để giành quyền tổ chức World Cup 2030 hay không, cũng như họ từ chối bình luận về việc anh sẽ đến thăm Saudi Arabia bao nhiêu lần theo thỏa thuận quảng bá du lịch.
Hiện có một số ý kiến cho rằng Saudi Arabia có thể đợi đến năm 2034 để giành quyền tổ chức World Cup, nhưng vai trò tô điểm hình ảnh vương quốc của Messi vẫn là chìa khóa cho những khát vọng đó.
Mối quan hệ của Saudi Arabia với FIFA cũng đã xấu đi khi cơ quan quản lý bóng đá thế giới bác đề xuất tài trợ cho Visit Saudi cho World Cup nữ vào mùa hè này, sau sự phản đối từ các quốc gia chủ nhà Australia và New Zealand, cũng như các cầu thủ bóng đá nữ.
Vào tháng 12/2022, các đại diện của Messi không bình luận về việc anh ấy sẵn sàng nhận những rủi ro lớn khi có quan hệ đối tác với một quốc gia có liên quan đến nhiều vấn đề đạo đức như Saudi Arabia hay không.
Vào năm 2021, UNICEF đã báo cáo rằng hơn 10.000 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi liên minh quân sự do Saudi Arabia cầm đầu tham gia vào cuộc xung đột ở nước láng giềng Yemen. Messi vẫn là “Đại sứ thiện chí” của UNICEF, vị trí mà anh đã đảm nhiệm từ năm 2010.
Đối với Messi, đây cũng chỉ là một trong vô số mối quan hệ đối tác giữa một cầu thủ kiếm được hơn 30 triệu euro khi chơi cho PSG, một CLB bóng đá thuộc sở hữu của một quỹ liên kết với nhà nước Qatar, quốc gia cũng thường bị phương Tây dán nhãn đỏ về nhân quyền.
Trong thời gian gần đây, Messi đã ký một thỏa thuận trị giá 20 triệu đô la để trở thành đại sứ toàn cầu của Socios, nền tảng tạo fan token (tiền số dành cho NHM) cho các CLB bóng đá, đồng thời anh cũng là gương mặt đại diện của trò chơi giả tưởng NTF Sorare.
Anh cũng đã ký các hợp đồng tài trợ với Adidas, Pepsi, Budweiser, Ooredoo, Pro Evolution Soccer, Louis Vuitton, công ty Orcam của Israel, Dubai Expo 2020, chương trình nghệ thuật Cirque du Soleil lấy cảm hứng từ cuộc đời anh và công ty sữa Trung Quốc Mengniu. Vào tháng 5/2022, Forbes ước tính Messi đã kiếm được hơn 120 triệu USD trong năm trước đó.
Năm 2012 là lần đầu tiên Messi đến thăm Saudi Arabia. Kể từ đó, mối quan hệ giữa đôi bên ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, và phần lớn điều này là nhờ một nhân vật gây tò mò tên là Turki Al-Sheikh. Đây là chủ tịch của Cơ quan Giải trí Tổng hợp Saudi, nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội trong nước.
Vào tháng 5/2020, Messi đã gửi một tin nhắn chúc may mắn trực tuyến tới Al-Sheikh, một chính trị gia nổi tiếng của Saudi Arabia và cũng là chủ sở hữu của CLB bóng đá La Liga Tây Ban Nha Almeria. Messi nằm trong số những người nổi tiếng như Diego Maradona, Cafu, Roberto Carlos, Ronaldinho, Leonardo Bonucci, Patrick Kluivert… đã gửi tin nhắn công khai ủng hộ một trận đấu có sự tham gia của Al-Sheikh nhằm gây quỹ. Các diễn viên nổi tiếng như Charlie Sheen cũng như rapper Snoop Dogg cũng đã gửi tin nhắn..
Khi điều hành Ủy ban Thể thao của Saudi Arabia, Al-Sheikh là nhà đối thoại chính với những nhà đầu tư ở đất nước này. Ông ta chịu trách nhiệm tổ chức trận đấu giữa ĐT Brazil và Argentina vào năm 2019. Thời điểm đó, CLB bóng đá Almeri đã đăng một đoạn clip trên mạng xã hội về cảnh Messi và Al-Sheikh ôm nhau trong đường hầm trước trận đấu với chú thích “hai con sư tử”.
Messi cũng công khai chúc mừng sinh nhật lần thứ 40 của Al-Sheikh và trước đó anh đã đến thăm nhà của chính trị gia này ở Riyadh cùng các cầu thủ Argentina khác. Với vai trò là chủ tịch của Cơ quan quản lý giải trí chung, Al-Sheikh cũng bảo đảm Messi sẽ tham gia quảng bá cho Riyadh năm 2022 (một lễ hội giải trí) trên các bảng quảng cáo xuất hiện ở London, Dubai và Newcastle.
Điều đặc biệt đáng quan tâm là lâu nay mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar (quốc gia có liên hệ với PSG) vốn căng thẳng do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa của nước láng giềng Qatar. Al-Sheikh là tâm điểm của các cuộc tấn công nhằm vào Qatar, khi ông thậm chí còn từng đề xuất trên Twitter rằng World Cup 2022 nên được chuyển đến Anh hoặc Mỹ nếu Qatar bị kết tội vi phạm đạo đức.
Tuy nhiên, hợp đồng của Messi tại PSG cho phép anh ấy đồng ý với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào anh ấy thích và năm qua đã chứng kiến sự tan băng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar. Thậm chí MBS và Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã ngồi ở hai bên Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong trận khai mạc World Cup, trước khi bị phát hiện tay trong tay đi qua SVĐ.