Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Thất bại nổi tiếng đầu tiên của Guardiola vì nghĩ lắm là tại vòng bán kết Champions League 2009/10 trước chiếc xe bus của Jose Mourinho. Trong cả hai lượt trận, Pep để Ibra đá chính nhưng không mấy hiệu quả. Anh bị 2 đồng đội cũ ở Inter là Lucio và Walter Samuel vô hiệu hoàn toàn.
Ở trận lượt về, Ibra lại xuất phát và lại vô dụng. Pep chắc chắn đã hiểu sai mọi thứ về Ibra, người lẽ ra phải là một phương án B. Cuối cùng, Barca đã thất bại toàn tập trước Inter. Hai năm sau, Pep lại vấp phải sai lầm khi đụng độ Chelsea và bị thua 0-1 ở trận lượt đi. Lúc này, tính ưa suy nghĩ lại làm khổ Pep.
Tại Camp Nou, thật bất ngờ khi ông chọn hệ thống 3-3-1-3 với nhân tố lạ Isaac Cuenca. Do đó, Barca bị sơ hở nghiêm trọng trong các đợt phản công. Bàn thắng của Ramires là đòn trừng phạt.
Pep Guardiola trở nên mạo hiểm hơn về mặt chiến thuật tại Bayern, một phần vì đội bóng của ông đã giành chức vô địch Bundesliga 3 lần liên tiếp. Điều này cho phép ông tự do hơn để thử nghiệm các hệ thống mới và có một chút niềm vui.
Nhưng ông không dừng suy nghĩ tại Champions League, đặc biệt ở mùa 2013/14. Vào thời điểm đó, những cáo buộc “suy nghĩ quá nhiều” chủ yếu xuất hiện khi Pep lần đầu tiên sử dụng David Alaba và Philipp Lahm ở vị trí hậu vệ biên khi đối đầu với Man United. Đến bán kết, Bayern đã thua trận lượt đi ở Madrid với tỷ số 0-1. Đó không phải là một kết quả thảm hại.
Tuy nhiên, trận lượt về là sự sỉ nhục nghiêm trọng với Pep trên cương vị HLV. Họ bị đánh bại 0-4 tại Allianz Arena. Đó là trận thua đậm nhất từ trước đến nay của Bayern ở đấu trường châu Âu. Ông đã không muốn dùng đội hình gồm 4 cầu thủ tấn công: Arjen Robben, Thomas Muller, Mario Mandzukic và Franck Ribery vì quá nhiều rủi ro, nhưng sau khi suy nghĩ lại quyết định vẫn sử dụng ngay trước khi trận đấu diễn ra. Pep đã hối hận rất nhiều vì điều này.
Mùa 2015/16, Pep lại để suy nghĩ làm hại đại cục. Bayern thua Atletico Madrid bởi luật bàn thắng trên sân khách, với đội hình khá đặc trưng của Pep, người tập trung kéo giãn Atletico theo bề ngang. Tuy nhiên, Pep đã bị chỉ trích vì đã bỏ qua Mueller để chọn Thiago Alcantara nhằm kiểm soát bóng nhiều hơn. Trớ trêu thay, hàng tiền vệ mỏng của Bayern đã bị Saul Niguez xuyên thủng. Bayern thắng trận lượt về với Muller trong đội hình 4-2-3-1, nhưng chừng đó là chưa đủ.
Sang Man City, Pep vẫn thất bại ở Champions League cho dù đã lọt vào chung kết. Người ta lại rêu rao là do Pep vẫn nghĩ lắm nên giẫm phải mìn. Mùa 2017/18, Man City thua Liverpool ở tứ kết lượt đi với tỉ số 0-3. Pep bị mê hoặc bởi sơ đồ 4-3-3 nhưng lại sử dụng Aymeric Laporte ở vị trí hậu vệ trái trong cả hai lượt trận. Đây là sai lầm khi Pep nghĩ rằng Laporte có thể ngăn Salah. Sau này, chúng ta thấy Pep không bao giờ dùng Laporte ở vị trí này trong sơ đồ 4-3-3 nữa.
Mùa 2018/19, VAR đã khiến Man City ôm hận trong trận tứ kết với Tottenham nhưng có một số quyết định kỳ quặc ở đây. Trận lượt đi, Pep chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 và loại bỏ Kevin De Bruyne. Một lần nữa, hậu vệ trái lại là một vấn đề khi Delph thi đấu tệ hại trước Son Heung-min.
Ở trận lượt về, Guardiola chuyển sang sơ đồ 4-3-3 và quyết định sử dụng Gundogan ở vị trí tiền vệ trụ. Man City phần lớn kiểm soát bóng xuất sắc nhưng đôi khi thiếu kiểm soát và cuối cùng chiến thắng 4-3 là không đủ. Đó là một thất bại khác của Pep bởi luật bàn thắng trên sân khách, như năm 2017, 2016 và 2012.
Mùa 2019/20 là sai lầm chiến thuật lớn nhất của Pep tại Champions League. Nếu Guardiola “nghĩ quá” ở Champions League, thường là do ông quá thiên về tấn công. Nhưng lần này thì ngược lại.
Có lẽ bị hoảng sợ bởi bộ đôi phản công của Lyon trong vòng tứ kết chỉ có 1 lượt trận, Pep đã dùng sơ đồ 3-5-2. Nó mang lại cảm giác phòng thủ áp đảo với 3 trung vệ, một hàng tiền vệ di chuyển chậm với Kyle Walker và Joao Cancelo đá sai vị trí, còn Raheem Sterling và Gabriel Jesus ở phía trước.
Pep đã loại David Silva, Bernardo Silva, Phil Foden và Riyad Mahrez, để rồi Man City thi đấu không có sự gắn kết hay trôi chảy. Man City đã chơi quá phòng ngự trước một đội hạng bảy của giải Ligue 1, và thua với tỉ số 2-1.
Mùa 2020/21, việc lựa chọn đội hình của Pep trong trận thua chung cuộc 0-1 trước Chelsea thường được coi là ví dụ điển hình về việc suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ khi quyết định loại bỏ Rodri (hoặc Fernandinho) và thay vào đó sử dụng Gundogan trong vai trò mỏ neo. Đó là một quyết định bất ngờ và Man City đã chơi không tốt, dẫn đến thua trận.
Nhưng thật khó để chắc chắn rằng quyết định cụ thể này là yếu tố chính dẫn đến thất bại của Man City. Những gợi ý rằng Rodri chắc chắn sẽ có thể cắt được đường chuyền của Mason Mount cho Kai Havertz để ghi bàn thắng chỉ là suy đoán.
Vấn đề thực sự của Man City trong đêm đó là họ không có khả năng đối phó với những đường chuyền chéo đến hậu vệ cánh trái Ben Chilwell, điều này thật thú vị vì họ cũng gặp vấn đề tương tự trong trận bán kết FA Cup trước Chelsea của Thomas Tuchel. Pep có lẽ đã nhận thức được vấn đề đó nhưng không thể giải quyết nó.
Trong khi đó, thất bại của Man City tại bán kết Champions League 2021/22 có lẽ Pep đã trở thành nạn nhân của một cơn thịnh nộ phi thường của Real Madrid. Khi Man City dẫn trước 5-3 trong thời gian bù giờ ở trận lượt về tại Bernabeu, Rodrygo bất ngờ ghi 2 bàn trong 2 phút cuối cùng, với Karim Benzema hoàn thành cuộc lội ngược dòng trong hiệp phụ.
Nhìn chung, trong một số trận thua này, đội bóng của Pep đã tạo ra quá nhiều cơ hội để giành chiến thắng trong trận đấu – mặc dù điều đó không tự động biện minh cho các quyết định lựa chọn của ông. Còn đêm nay, hy vọng rằng Pep không dùng não nhiều hơn Haaland dùng chân nữa.