Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Sau trận thua tại Stamford Bridge, người ta đặt nhiều câu hỏi cho Tuchel. Nhưng từ bao giờ, Man City chiến thắng lại gây bất ngờ như vậy? Có lẽ nhiều người quên mất thầy trò Pep Guardiola đang là những nhà ĐKVĐ nước Anh và vẫn là ứng viên số 1 bảo vệ danh hiệu của mình.
Cũng có lẽ là bởi nhiều người tin Tuchel đã thuộc bài của Pep. Một người đã chiến thắng ân sư của mình trong 3 lần gần nhất đối đầu, đặc biệt là tại chung kết Champions League thì có lẽ đã được mặc định là: Trò hơn thầy. Nhưng như thực tế chứng minh, chuyện không đơn giản như thế.
Điều khiến Pep luôn giữ mình ở tốp đầu những HLV xuất sắc nhất thế giới trong một thập kỷ qua là ở việc ông luôn biết tự rút ra bài học và làm mới bản thân. Vẫn là tư duy cầm bóng cốt lõi đó nhưng có những tinh chỉnh cho phù hợp với thời đại và đối thủ.
Không thể nói Tuchel đã sai khi thay đổi hệ thống 3-4-3 quen thuộc thành 3-5-2, với sự xuất hiện bất ngờ của Timo Werner đá cặp với Romelu Lukaku trên hàng công. Cặp tiền đạo giàu tốc độ này rõ ràng là để phục vụ ý đồ phản công, với bệ phóng là bộ 3 phía dưới.
Jorginho và Kovacic là cặp tiền vệ trung tâm ổn định của Chelsea. Nhưng điểm nhấn đến khi Kante đá từ đầu với nhiệm vụ không gì khác là để “bắt chết” Kevin de Bruyne. Giống như trận gặp Tottenham cách đây ít ngày, Tuchel muốn dùng sự cơ động của 3 con người này đập tan lối chơi kiểm soát bóng và giành lại thế trận cho Chelsea.
Những suy tính của Tuchel cực kỳ hợp lý và nếu trong một ngày khác, có lẽ nó đã phát huy tác dụng triệt để. Nhưng đây lại là Man City của một Guardiola đã “nghĩ đủ” để ra quyết định chính xác, chứ không phải “nghĩ quá” và tự hủy mọi thứ.
Còn nhớ ở trận chung kết Champions League mùa trước, không hiểu Pep lấy đâu ra sự tự tin mà không dùng một tiền vệ phòng ngự thực thụ nào, chỉ để Ilkay Gundogan quán xuyến toàn bộ vòng tròn trung tâm.
Nhưng sau 4 tháng, Gundogan vắng mặt vì chấn thương, còn Pep dùng Rodri thay thế. Điểm xuyết cho tuyến giữa là sự hiện diện của Bernardo Silva giúp Rodri điều hòa nhịp độ trận đấu.
Về mặt kết cấu thế trận, mọi thứ không khác quá nhiều trận chung kết cúp châu Âu. Man City vẫn kiểm soát bóng 2/3 thời gian và đè Chelsea ngược về phần sân nhà của mình. Chỉ là City đã có sự cân bằng và chắc chắn khi chuyển đột ngột từ tấn công sang phòng ngự. Cách City chống phản công trong trận này quá xuất sắc, giành lại quyền kiểm soát chỉ vài giây sau khi mất bóng.
Bàn thắng duy nhất của Jesus đến theo hệ quả từ nhịp độ tấn công ổn định và tăng dần đều cho tới lúc đạt mục đích. Man City không tấn công quá cao siêu, Chelsea thực tế cũng bắt trọn bài của đối thủ, chỉ là khoảnh khắc hơn nhau mà thôi.
Trong một trận đấu đỉnh cao như thế này, việc tạo ra cơ hội để có những khoảnh khắc như vậy chính là cách chiến thắng. Pep đã quá tốt việc của mình trong khi không thể không cảm ơn sự thiếu chủ động đến bất ngờ của Chelsea – điều mà ngay cả Tuchel cũng bàng hoàng.
“Chúng tôi chơi như thể có gì đó để mất”, Tuchel ngao ngán. “Chẳng có gì để mất cả. Sau khi thủng lưới thì cả đội mới có chút năng lượng, phản kháng tốt hơn và dám chơi mạo hiểm hơn. Nhưng lẽ ra bạn phải có được điều đó từ đầu trận, bạn phải dám mạo hiểm từ đầu. Chúng tôi đã không làm được thế trong ngày hôm nay. Đối thủ đã chơi trên chân Chelsea”.
Nhưng như đã nói, Chelsea không quá sai trong ngày mà Man City đúng hết mọi việc. “Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở kết cấu”, Tuchel khẳng định. “Vấn đề nằm ở việc chọn vị trí và sự nhanh nhạy khi có khoảng trống trên sân đối phương. Chúng tôi thắng cùng nhau và thua cũng cùng nhau. Tôi cũng phải tự hỏi bản thân xem đã sai từ đâu?”.
Chính lúc này, câu nói “thắng thua là chuyện bình thường của binh gia” mới thực sự hợp lý. Chelsea hội tụ mọi yếu tố để thắng nhưng không thắng, dẫu vậy họ vẫn đang đi đúng hướng. Còn với Man City và Guardiola, họ chưa bao giờ ngủ quên trên chiến thắng hay rúc đầu vào một con đường mòn!