Cách mạng 3-4-3 và sự thay đổi bị động của ông Park
Nếu nói HLV Park Hang Seo không đột phá thì có lẽ chúng ta đã quên thời điểm này 4 năm về trước, nhà cầm quân Hàn Quốc đã tạo ra cuộc cách mạng đội hình cho U23 rồi sau đó là ĐTQG Việt Nam thế nào. 10 năm liền trước khi ông Park đến, bóng đá Việt Nam dập khuôn với những biến thể của sơ đồ 4 hậu vệ. Nhưng chỉ sau 1 trận hoà thất vọng trước Afghanistan với việc tự thoả hiệp bản thân bằng sơ đồ 4-2-3-1 của người tiền nhiệm Mai Đức Chung, ông Park cùng trợ lý Lee Young Jin quyết định phải thay đổi đội tuyển Việt Nam một cách mạnh mẽ.
Sơ đồ 3-4-3 vốn dĩ từng hiện diện ở bóng đá Việt Nam những năm 1997, 1998 quay trở lại nhưng hiện đại hơn. Ekip Hàn Quốc sàng lọc liên tục để tìm ra từng mảnh ghép ăn ý cho khối đội hình này qua từng buổi tập, từng trận đấu. Thành công ở U23 châu Á 2018 với sơ đồ 3-4-3 này mở ra một kỷ nguyên mới mang đúng thương hiệu Park Hang Seo.
4 năm qua, ông Park sàng lọc từ hơn 130 cầu thủ Việt Nam để chọn ra 30-35 cái tên thật sự ưng ý với mình. Trong 4 năm đó, những thành công từ khu vực đến châu lục đưa bóng đá Việt Nam đến tầm cao như hiện nay. Phải thừa nhận rằng, chúng ta có thể hạnh phúc khi được quyền… buồn bã trước 3 thất bại đã qua ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Bởi trước đó, Việt Nam còn chẳng vào được vòng loại này để mà người hâm mộ được xem, được nói và được buồn bã. Công sức của Park Hang Seo với nền móng là biến thể 3 trung vệ xứng đáng để ghi nhận.
Tuy nhiên theo thời gian, không phủ nhận ông Park có xu hướng an toàn hơn và ít thay đổi hơn. Thực tế, những phát hiện và rèn luyện mang tính chủ động như Đức Huy đá tiền vệ trung tâm, Tuấn Anh, Hùng Dũng hợp thành cặp tiền vệ ăn ý nơi tuyến giữa hoặc Văn Đức, Quang Hải… không còn xuất hiện nhiều nơi ông Park. Có chăng, sự thay đổi và những phát hiện mà ông Park tạo ra dựa vào hoàn cảnh bị động và buộc phải điều chỉnh. Ở AFF Cup 2018, ông Park sẽ không phát hiện ra Trọng Hoàng hay đến thế ở vị trí hậu vệ phải nếu như Văn Thanh không chấn thương. Tương tự như hiện tại, chưa chắc chúng ta tìm được niềm hy vọng nơi Hoàng Đức nếu như Hùng Dũng không nghỉ thi đấu. Hoặc Văn Lâm không chấn thương thì chưa chắc Tấn Trường có dịp thể hiện mình.
Đồng ý rằng, những cầu thủ kể trên cũng hay lên sau khi được ông Park dìu dắt. Nhưng nếu như không có những hoàn cảnh khách quan xảy ra trước đó, hiệu ứng cánh bướm xoay quanh thầy Park, Trọng Hoàng hay Hoàng Đức sẽ không thể xuất hiện.
Những lần điều chỉnh của ông Park và kỳ vọng từ bóng đá thắng của người Việt Nam
Giống như Apple hiện tại, khi cuộc đại cách mạng trong nền móng của đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo nổ ra và triển khai mạnh mẽ 4 năm trước đã đạt đến ngưỡng bão hoà thì những tinh chỉnh sau đó chỉ còn hiện diện ở tính thời điểm với không nhiều bản “update” khủng sau đó. HLV Park Hang Seo sau khi sàng lọc được 30-35 cầu thủ đủ giỏi cho ĐT Việt Nam, ít nhất với cá nhân ông thì những thay đổi cũng dần vơi bớt theo thời gian. Tính trong 4 năm qua, có hai lần ông Park thay đổi bộ khung Việt Nam mà chúng ta cảm thấy đáng chú ý.
Tháng 10/2019, sơ đồ 3-4-3 của Việt Nam thất thế trước Thái Lan của Akira Nishino dùng đội hình 4-2-3-1. Lúc đó, ông Park nói rằng đã đến lúc phải làm mới Việt Nam. Quá trình “update” diễn ra không mạnh mẽ, nhưng từng bản cập nhật nhỏ lẻ cũng xoay Việt Nam về đội hình 2 tiền đạo tại SEA Games hay sau đó là sự tăng cường vai trò cho Văn Đức hay Quang Hải, để họ sẵn sàng đảm nhận vai trò lúc làm tiền vệ, lúc làm tiền đạo biên.
Ở giai đoạn diễn ra 3 lượt trận vòng loại thứ 2 World Cup 2022, chúng ta cũng thấy được sự thay đổi đáng kể tiếp theo của ĐT Việt Nam dưới tay thầy Park. Sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm hiện diện rõ hơn với bộ ba Quang Hải, Tuấn Anh, Hoàng Đức. Và đến giờ, đội hình của Việt Nam vẫn đang áp dụng theo chiều hướng này.
Tuy nhiên, trong những thay đổi về cấu trúc đội hình, linh hồn trong lối chơi của ĐT Việt Nam dưới bàn tay ông Park không đổi thay. Bởi suy cho cùng, công thức hướng đến thành công như thời gian đã qua vẫn là phòng ngự phản công. Đương nhiên sẽ chẳng có lý do gì để chúng ta thay đổi điều đó, khi nó vẫn đem đến kết quả là thứ bóng đá thắng. Ông Park từng một lần tuyên bố theo cách thực dụng. Đó là người Việt Nam thích bóng đá thắng chứ không phải là bóng đá đẹp. Để rồi quan điểm ấy trở thành kim chỉ nam cho cách áp dụng vào chiến thuật bóng đá tại đội tuyển Việt Nam của ông. Vô hình trung, trong sự kỳ vọng của bóng đá thắng của người Việt Nam dựa theo suy nghĩ ấy, ông Park ngại thay đổi và ngại mạo hiểm đi.
Tính an toàn trong quan niệm ấy, sự kỳ vọng ngày càng tăng cấp theo thời gian cùng với đó là mức độ khắc nghiệt của giải đấu cứ liên tục tiến lên khiến ông Park trở thành một con người bị xem là bảo thủ, nhất là trong 6 trận đã qua ở vòng loại World Cup (bao gồm 3 trận đấu gặp Malaysia, Indonesia và UAE trong tháng 6), Việt Nam gần như chỉ tung ra một khuôn mẫu đội hình chính và các vận hành.
Đã đến lúc mạnh dạn để làm mới mình hơn
Nhưng công thức bóng đá thắng theo HLV Park Hang Seo đã không hiệu quả như mong đợi. Đội tuyển Việt Nam suýt bị cầm hoà trước Malaysia. Chúng ta thua liền 4 trận chính thức trước UAE, Saudi Arabia, Australia và mới nhất là Trung Quốc. Lần đầu tiên sau 4 năm, Việt Nam mới thua trong chuỗi trận liên tiếp đến như vậy dưới thời Park Hang Seo.
Vấn đề ĐT Việt Nam thua trước các đội tuyển mạnh hơn mình cũng có thể hiểu được. Nhưng cách mà chúng ta dập khuôn về đấu pháp và không cởi mở ở việc có thể sẵn sàng tạo ra sự chủ động tấn công là điều đáng nói tại đây. Trước Malaysia, Việt Nam cũng tự lựa chọn cách chơi quá an toàn khi nhường tuyến giữa cho đối thủ. Hay trước Trung Quốc mới nhất, Việt Nam cũng lúng túng khi rơi vào thế trận mà mình được quyền kiểm soát bóng.
Việt Nam dưới thời ông Park lợi hại trong những pha phản công. Họ đã quá quen với những tình huống bóng trực diện với những đường chuyền vượt tuyến để thực hiện các pha lên bóng bất ngờ. Nhưng trước những hàng thủ có trình độ cao và tranh chấp rất tốt, phương án ấy lại không còn hiệu quả.
Thực tế, khi Việt Nam bị dồn vào chân tường, tức là bắt buộc phải tấn công thì chúng ta đã chơi hay hơn mong đợi. Sự chủ động trong việc đoạt bóng ngay từ phần sân đối thủ, tổ chức những pha phối hợp ít chạm và di chuyển linh hoạt đã đem đến cho Việt Nam nhiều bàn thắng. Chúng ta đã ghi 2 bàn trước UAE, 1 bàn trước Saudi Arabia, 2 bàn trước Trung Quốc và thậm chí là có giai đoạn ép Australia cũng từ chính sự chủ động trong cách buộc phải tấn công để tìm kiếm danh dự như vậy.
Suy cho cùng, như đoạn đầu chia sẻ, chỉ khi nào rơi vào tình cảnh khó khăn, ông Park hay ĐT Việt Nam mới tạo ra sự bùng nổ bất ngờ. Đồng ý rằng sở trường của ông Park là phòng ngự phản công. Thật khó để yêu cầu một HLV thay đổi triết lý của mình. Cũng như chẳng có chuyện Mourinho thích tấn công tổng lực hay Pep Guardiola chơi tử thủ cả. Song bóng đá là câu chuyện 90 phút. Trong khoảng thời gian ấy, sẽ có giai đoạn mà Việt Nam được làm chủ cuộc chơi.
Khi ấy, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc cầm cây kiếm tấn công đối thủ, thay vì cứ khư khư ôm khiên trong cả trận đấu.