Câu chuyện giữa Haaland và Odegaard là một câu chuyện tiêu biểu về sự phát triển của các cầu thủ trẻ mà những ai làm bóng đá đều có thể học ở trong đó những bài học cho riêng mình.
Đầu tiên hãy nhớ, chưa bao giờ Erling Haaland được gọi là “thần đồng”. Erling Haaland chỉ xuất hiện vào một ngày đẹp trời, và khiến cả thế giới phát sốt.
Kể từ đó, con đường của Haaland đi là một con đường thẳng tắp có biểu đồ phát triển cụ thể, theo từng chặng. Người cố đại diện của anh, ông Mino Raiola đã vạch cho Haaland đi từng bước chân nhỏ, từ RB Salzburg của Áo vô danh, đến Dortmund và Bundesliga ít cạnh tranh, và sau đó mới bước lên một vị trí cao hơn là Manchester City.
Mỗi bước đi của Haaland đều mang theo những tính toán, và hỗ trợ cho sự phát triển của anh. Nhưng Martin Odegaard thì ngược hẳn.
Vào tháng 1/2015, nếu Haaland chẳng ai biết đến thì thế giới đã kháo nhau về chuyện CLB Hoàng gia Real Madrid bỏ ra cái giá lên tới 8,5 triệu euro tuỳ theo phong độ để chiêu mộ một tài năng trẻ với cái tên rất khó đọc lẫn khó viết: Martin Odegaard từ CLB Stromsgodset.
“Thần đồng người Na Uy” từ đó trở thành cái mác đóng đinh cho Odegaard suốt 5 năm tiếp theo của sự nghiệp. Tại đội bóng mới, thần đồng người Na Uy không thể hiện được gì nhiều, không có nhiều cơ hội ra sân.
Vì thế để đảm bảo cho sự phát triển của anh, Real Madrid đưa anh đến Real Sociedad theo diện cho mượn, nơi Odegaard toả sáng với 7 bàn và có 9 pha kiến tạo sau 36 trận.
Zidane đón anh về với những lời hứa hẹn, nhưng thứ nhất là hàng tiền vệ Real Madrid với Modric – Kross – Casemiro quá hoàn hảo, và thứ hai cũng phải đến từ Odegaard khi anh cũng không khẳng định được bản thân trong những lần được trao cơ hội.
Sau cùng, Real Madrid chấp nhận chia tay “thần đồng” mà 5 năm trước họ từng vất vả để lấy về. Đến với Arsenal, ta đang thấy Odegaard trầm lắng hơn, nhưng dần dần nắm lấy quyền trượng tuyến giữa của Arsenal.
Nhìn vào câu chuyện được kể ở trên ta thấy rõ sự khác biệt giữa hai ngôi sao mà bóng đá Na Uy đang sản sinh ra. Một người chủ động, và một người bị động. Một người nổi tiếng quá sớm, và bị cái mác thần đồng ép chết, còn người kia phát triển theo lộ trình.
Kết quả, họ đang ở hai vị thế khác nhau. Người làm bóng đá không lạ lùng gì những trường hợp như thế, nhưng hoặc là bị cám dỗ “hái lúa non” mà làm hỏng, hoặc đã vì tiền mà không đi tuần tự để rồi mất đi những thần đồng.
Và bóng đá cũng nói với các cậu bé chưa nổi tiếng và đang nổi tiếng hôm nay: đừng vội, tuần tự nhi tiến tốt hơn nhiều so với việc được ngợi ca quá sớm.