Hôm 30/7, Benzina đã đeo khăn trùm đầu hijab trong trận Morocco thắng Hàn Quốc 1-0. Trước đó, FIFA từng cấm đeo khăn hijab trong khi thi đấu, vì lý do an toàn và sức khỏe. Lệnh cấm này đã được bãi bỏ từ năm 2014 và tại World Cup U17 năm đó, các nữ cầu thủ Hồi giáo đã lần đầu tiên đeo khăn trùm đầu vào sân.
Mặc dù nhiều người cảm thấy chiếc khăn Hồi giáo này có thể không thoải mái khi chơi bóng, nhưng Benzina thừa nhận trước giải đấu rằng, cô tự hào khi sử dụng chúng: “Tôi đã đeo khăn trùm đầu trong nhiều năm và tôi rất hạnh phúc với nó”.
Thực tế, trong thế giới Hồi giáo, khăn trùm đầu đại diện cho toàn bộ bản sắc Hồi giáo và là biểu tượng của tính xác thực tôn giáo. Do đó, nó được hiểu như một mệnh lệnh thiêng liêng bảo vệ phụ nữ và xác định vị trí của họ trong xã hội. Vì thế, FIFA đã công nhận quyền thi đấu với trang phục nói trên và thông báo công khai với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước khi sự kiện diễn ra.
Nouhaila Benzina của Morocco đã trở thành cầu thủ đầu tiên thi đấu với khăn trùm đầu hijab tại World Cup. Benzina từng suýt ghi bàn vào lưới Hàn Quốc, khi thực hiện cú vô lê vọt xà. Nữ cầu thủ 25 tuổi người Morocco cũng thực hiện một số pha cản phá quan trọng. Theo thống kê, Morocco kém Hàn Quốc 55 bậc FIFA, nhưng giành chiến thắng lịch sử trong lần đầu dự World Cup. Tiền đạo Ibtissam Jraidi ghi bàn quyết định ngay phút thứ 6, bằng cú đánh đầu vào góc xa.
Morocco đang xếp thứ 3 tại bảng H World Cup nữ 2023, với 3 điểm sau hai trận, bằng điểm với Đức nhưng kém hiệu số. Colombia dẫn đầu bảng với 6 điểm, trong khi Hàn Quốc chưa có điểm nào. Để giành vé vào vòng 1/8, Morocco cần thắng Colombia ở lượt cuối. Trong hai lượt đầu, Colombia lần lượt thắng Hàn Quốc 2-0 và Đức 2-1.
Với cá nhân Benzina, cô là hình mẫu, thần tượng đối với phụ nữ Hồi giáo nói chung và các cô gái Hồi giáo yêu bóng đá nói riêng. Bởi họ sẽ có thể thoải mái, tự do lựa chọn môn thể thao mà mình ưa thích nhưng vẫn có thể sử dụng khăn hijab quen thuộc.