Đầu tiên là việc kẻ lại sân tập. Các sân bóng tại khu liên hợp London Colney có thêm 4 đường kẻ dọc với mục đích chia sân thành 5 phần: 2 phần cánh, 2 phần hành lang trong và trung lộ. Ý tưởng ở đây là khi Arsenal tấn công, phải có người luôn đứng ở các phần này toàn thời gian.
Và đó là lý do chúng ta thấy Arsenal tấn công với hệ thống 3-2-5. Hậu vệ trái Zinchenko sẽ bó vào trung lộ để hợp với cầu thủ “số 6” tạo thành cặp tiền vệ trung tâm. Hậu vệ phải (thường là Ben White) lui xuống biến đổi hàng thủ thành tổ hợp 3 người. Hai tiền vệ “số 8” đẩy cao và cùng với 3 tiền đạo đứng ở các phần sân mà Arteta yêu cầu. Đây là kết cấu mà theo Arteta cho phép tìm ra cầu thủ trống trải, tạo ra vô vàn lựa chọn chuyền bóng và bố trí cầu thủ ở vị trí dễ chống phản công.
Tiếp đến là các bài “đá ma”. Ai cũng hiểu mục đích của bài tập này là tăng độ linh hoạt khi xử lý, chuyền bóng, từ đó giữ được mạch liên kết. Mùa này, Arsenal đang có tỷ lệ cầm bóng trung bình tốt thứ 2 Premier League (60%), chỉ sau Man City (64,3%). Không chỉ chỉ số này mà tổng số đường chuyền trung bình, tổng số chuỗi luân chuyển ít nhất 9 đường chuyền, tỷ lệ chuyền chính xác, tỷ lệ chuyền chính xác vào 1/3 sân đối phương trong mùa này của Pháo thủ đều cao hơn chính họ của 3 mùa trước.
Đó là hiệu quả từ các bài “đá ma”. Arteta áp dụng bài tập này khá linh hoạt: Thông thường là 6 “ma” 2, nhưng đôi khi là 6 vs 1, 5/8/9 vs 2, hoặc khi tập nhóm nhỏ là 3 vs 1. Các cầu thủ chỉ được xử lý 1 chạm và mục tiêu là chuyền nhiều nhất có thể. Arteta thi thoảng cũng dùng thêm những cầu thủ “bổ sung”, cho mặc áo bib màu vàng đứng giữa vòng “đá ma”. Đó được gọi là những vệ tinh liên kết, giúp các đường chuyền đi qua nhóm đuổi bóng một cách dễ dàng.
Phần lớn các bài tập của Arteta chú trọng đến mục tiêu cuối cùng là chuyền bóng. Bài tập chuyền bóng không có đối thủ theo hình kim cương cũng là một trong những phương pháp tiêu biểu. Nghe có vẻ vô lý ở cấp độ chuyên nghiệp, tại sao lại không cần đến đối thủ? Theo Arteta, việc tích hợp và tinh chỉnh các mô hình này vừa dễ dàng hơn khi không bị cản trở, vừa ít nguy cơ chấn thương hơn. Đây là bài tập để các cầu thủ Arsenal học cách tự bảo vệ mình. “Ngoài chuyện hiển nhiên là giữ bóng, họ còn phải biết lúc nào nên đứng lại, lúc nào nên di chuyển hay nhảy lên để tránh bị đau”, Arteta chia sẻ. “Chúng tôi không thể kiểm soát đối phương sẽ làm gì hay trọng tài quyết định thế nào. Vì thế cầu thủ luôn phải chủ động”.
“Tư duy vượt khuôn khổ”
Ngoài luyện tập đôi chân cho học trò, thứ Arteta muốn sửa nhất chính là tư duy cầu thủ. “Hãy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ”, Arteta nói. “Hãy nghĩ tới từng chi tiết nhỏ nhất mang lại lợi thế cho đội bóng. Bóng đá sáng tạo là thứ không thể bắt bài”.