Câu chuyện HLV Akira Nishino bị Thái Lan sa thải đang trở thành đề tài bàn luận rôm rả kể từ ngày hôm qua. Và người ta cũng chợt nhận ra, Park Hang Seo, người đồng nghiệp của nhà cầm quân Nhật Bản đang quá đỗi hạnh phúc từ công việc đến cuộc sống hiện tại ở Việt Nam.
Thầy Park nhận ít lương, nhưng tiền nhiều hơn
Akira Nishino nhận mức lương 970.000 USD mỗi năm do LĐBĐ Thái Lan (FAT) trả, tức gần 90.000 USD/tháng. Đây là mức lương cao nhất trong lịch sử bóng đá của nước này. Kỷ lục trước đó thuộc về HLV tiền nhiệm người Serbia, Milovan Rajevac với thu nhập 700.000 USD mỗi năm.
HLV Park Hang Seo nhận mỗi năm 600.000 USD, tức mức lương 50.000 USD/tháng. Người ta từng đưa ra phép so sánh giữa ông Nishino và ông Park để luận thành tích. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, số tiền lương nhà cầm quân người Nhật Bản mới chỉ nằm trên bàn giấy.
Tức, sau khi tính các khoản thuế má phải đóng, con số thực tế được nhận của ông Nishino cũng chẳng hơn người đồng nghiệp không bao nhiêu. Thậm chí, ông Park bỏ xa ông Nishino khi đã và đang nhận rất nhiều những bản hợp đồng quảng cáo kếch xù. Ngoài ra, nhà cầm quân người Hàn còn được tặng căn hộ cao cấp, xế hộp, được nhận tiền thưởng sau thành công cùng các đội tuyển.
Giới truyền thông và chính FAT từng vin vào cái cớ “việc nhàn lương khủng” để bắt Nishino giảm lương trong bối đại dịch Covid -19 khiến bóng đá nước này rơi vào tình trạng trì tệ. Chính câu chuyện này bắt đầu dấy lên những mâu thuẫn giữa ông thầy người Nhật với bộ sậu của FAT mà đứng đầu là Chủ tịch Somyot Poompunmuang.
Thất bại của Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022 cùng với những lùm xùm xung quanh câu chuyện “biệt vô âm tín” khi trở về Nhật, giúp cho FAT đủ cái cớ, đủ bằng chứng để kết tội và Akira Nishino đã bị sa thải trong cay đắng.
Có người hỏi thế này: Không biết Nishino bị sa thải, liệu ông Park có vui không nhỉ? Ý câu hỏi này là HLV trưởng ĐT Việt Nam có mở cờ không, khi một đối thủ mà ông chưa từng thắng trong 2 lần đối mặt đã phải rời Đông Nam Á. Chắc, chẳng có ông HLV nào dại khờ phát ngôn “tôi vui lắm” khi đồng nghiệp của mình mất việc cả.
Chuyện kể ở xứ sở thiên đường
Ở Nhật, Nishino được tuyệt đối kính trọng về tài năng lẫn nhân cách. Cứ nhìn chuyện Nishino được mời về rước đuốc Olympic Tokyo đã ít nhiều cho thấy được điều đó. Nhà cầm quân này đến Thái Lan khi đã khẳng được đẳng cấp của mình khi dẫn dắt ĐT Nhật Bản giành quyền vào vòng 1/8 Word Cup 2018 và chỉ chịu dừng bước khi để thua 2-3 trước ĐT Bỉ.
Còn HLV Park Hang Seo đặt chân đến dải đất hình chữ S với hành trang là trợ lý của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002. Đi đôi với bản hợp đồng này là những hoài nghi, VFF đã chọn “nhầm người”.
Rõ ràng, nếu đặt bên cạnh tên tuổi, ông Nishino xứng đáng với từng xu. Tiếc thay, nhà cầm quân người Nhật đã không gặp thời. Sự thật, các CĐV Thái đang “ném đá” khi FAT mắc căn bệnh thành tích, do các học trò của Nishino thiếu đi sự khát khao, do các CLB thiếu sự thiện chí trong việc hợp tác…
HLV Park Hang Seo giỏi và thành công như thế nào là điều không cần phải bàn cãi. Thành công ấy đương nhiên không phải tự trên trời rơi xuống mà đó là thành quả của sự lao động không ngừng nghỉ, vắt cạn chất xám từng nơ ron thần kinh và cả những vận may không ngờ, hay như người ta vẫn gọi vui tên ông là… Park Hang “Son”.
Trong những kỳ tích của HLV Park Hang Seo còn có những đóng góp, sự hỗ trợ cật lực từ LĐBĐ Việt Nam, từ các CLB, từ các Mạnh Thường quân, các cộng sự, các học trò… Chúng ta không khó nhận ra, trong 3 năm qua, các ĐTQG của Việt Nam luôn được đầu tư, chăm sóc… tận răng. Nói cách khác, những yêu cầu mà HLV Park Hang Seo đặt ra, chưa bao giờ bị từ chối hay chỉ là một phản hồi thiếu tích cực.
Đội tuyển cần tập huấn trong nước hay ngoài nước, ngay lập tức “OK”, không có vấn đề gì. Đội tuyển cần cải thiện dinh dưỡng, chỗ ăn chỗ ở, ông Park sẽ có đúng, đủ như những gì đã yêu cầu. Đội tuyển cần tập trung sớm ư! ngay và luôn, các giải đấu phải dừng lại hoặc đá nhanh lên. Nói chung, cả nền bóng đá luôn sẵn sàng vì đội tuyển, cho đội tuyển.
Và hiếm một HLV nào lại nhận được sự ưu ái lớn như Park Hang Seo. Ông cần những cộng sự người Hàn Quốc, ngay lập tức nhận được sự gật đầu mà không cần đắn đo. Nếu trợ lý Lee Young Jin, Kim Han Yoon, chuyên gia vậy lý trị liệu Chou Ju Young đã quá đỗi quen thuộc, thì mới đây ông Park lại có thêm những đồng hương mới.
Park Choon Kyun đang làm HLV trưởng CLB Hà Nội xuất hiện trong danh sách phó tướng. Park Sung Gyun trở thành huấn luyện viên thể lực. Trong khung gỗ Tấn Trường, Văn Lâm, Văn Toản… cần một HLV mới, đã có ông Kim Hyun Tae. Đội tuyển cần tuyển một chuyên viên phân tích biết tiếng Hàn. Chẳng phải đi xa, đây rồi HLV Kim Tae Min, người đang làm trợ lý cho HLV Kiatisuk ở HAGL….
Trước đó nữa, ông Park còn có những cánh tay nối dài người Hàn khác như cựu HLV trưởng HAGL Lee Tae Hoon, là trợ lý ngôn ngữ Yang Yoon Hoo, HLV thể lực Bae Ji Won…
Người Thái đã từng trách cứ Nishino chê bai các trợ lý đồng hương của ông. Câu chuyện không phải như vậy. Nhà cầm quân này từ chối những trợ lý người Nhật chỉ vì chẳng muốn FAT phải bỏ thêm một khoản tiền lớn khác. Vượt lên trên tất cả, Nishino muốn những đồng nghiệp bản địa của mình có thể học hỏi được từ công việc làm trợ lý cho ông.
Quả thật, Nishino trở thành một người “không bình thường”. Chính cái “không bình thường” ấy đã biến một nhà cầm quân đầy kiêu hãnh, đầy sự tự tin thành một kẻ cô đơn. Sau mỗi buổi tập, mỗi trận đấu trở về, Nishino không có bất kỳ một ai bầu bạn, tâm sự, cà phê, chém gió…
Thế mới thấy HLV Park Hang Seo hạnh phúc như thế nào trong công việc và cuộc sống tại Việt Nam. Suy cho cùng, nhà cầm quân người Hàn xứng đáng với những “đặc ân” đã và đang có. Hẳn ông Park cũng hiểu rằng, dẫn dắt một đội bóng ở dải đất hình chữ S là việc muôn ngàn sóng gió, nhưng khi đã làm được rồi thì ông chẳng khác gì một vị “hoàng đế” của bóng đá Việt Nam.
Vậy thì hãy tận hưởng và mỉm cười thôi Mr. Park!