Năm 2011, Công Vinh từng khiến báo giới tốn nhiều giấy mực về tương lai của anh. Thậm chí ngay cả bầu Hiển cũng quay cuồng vì sự thay đổi 180 độ đến từ ngôi sao sáng giá nhất Việt Nam khi ấy. Lúc bấy giờ, hợp đồng của Công Vinh với Hà Nội T&T đáo hạn. Một cuộc nói chuyện giữa Công Vinh và bầu Hiển diễn ra ngay sau đó. Công Vinh đưa ra thông điệp tới bầu Hiển rằng anh muốn là cầu thủ nhận mức lương và lót tay cao nhất Việt Nam. Bầu Hiển đồng ý. Mức lương và lót tay của Công Vinh khi đó được đồn thổi là 80 triệu đồng/tháng cùng mức lót tay 14 tỷ đồng trong 3 năm. Thậm chí, cả Hà Nội T&T và Công Vinh cùng bắn tin sẽ ký hợp đồng mới vào ngày 23/9 trước giới truyền thông. Nhưng khi mà giấy mời của đội bóng bầu Hiển đã được gửi đến khách VIP thì chính Công Vinh lại lật kèo.
Ngày 22/9, Công Vinh bất ngờ chuyển hướng, nhận lời đầu quân cho Hà Nội ACB của bầu Kiên. Sau khi “quay xe” tuyên bố chuyển đội, tấm hình anh chụp cùng vị đại gia ngân hàng sau đó lan đi với tốc độ chóng mặt. Đôi bên ký hợp đồng trong đầy tiếng hỉ nộ ái ố của dư luận và cả những người làm bóng đá. Giận Công Vinh nhất hẳn là bầu Hiển và lãnh đạo CLB Hà Nội T&T.
“Công Vinh hành xử quá trẻ con trong chuyện này”, ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T đã thốt lên đầy giận dữ như thế khi được hỏi về trường hợp của CV9. Bầu Hiển nói nhẹ nhàng hơn, nhưng chắc hẳn ông không thể hài lòng lúc chứng kiến cầu thủ con cưng của mình đầu quân cho đội bóng đối địch: “Chắc Công Vinh ra đi vì tiền”. Cũng phải nói thêm, đó là chia sẻ đầy cay đắng của một ông bầu bóng đá vốn không hề thiếu tiền.
Trước Công Vinh, Hà Nội FC suýt chút nữa cũng mất một tiền đạo khác cũng vì lý do lật kèo. Cụ thể, Hoàng Vũ Samson đã được liên hệ đầu quân cho Atletico Madrid, nhưng cuối cùng vẫn phải ở lại V.League vì đã trót ký hợp đồng giao ước với Hà Nội T&T. May mắn là đội bóng thủ đô đã nắm được đằng chuôi trong vụ việc này, thay vì tin vào lời trót lưỡi đầu môi của Công Vinh.
Và cũng giống như TP.HCM hiện tại, Hà Nội FC đã yêu cầu Hoàng Vũ Samson lập tức phải đền bù 2 triệu USD, nếu trong trường hợp muốn đến châu Âu chơi bóng bằng mọi giá. Rõ ràng, một cầu thủ mới ở tuổi đôi mươi như Samson thời điểm ấy dĩ nhiên không có tiền đền cho Hà Nội T&T. Atletico Madrid cũng chẳng dại gì phải bỏ ngân sách lớn như thế để đưa về một tiền đạo từ Việt Nam, thế nên cuối cùng Samson vẫn ở lại đội bóng Thủ đô và sau đó trở thành chân sút hay nhất trong lịch sử đội bóng.
Theo thông tin có được, Quế Ngọc Hải được cho là cũng nhận 200.000 USD, tương đương với gần 4,5 tỷ đồng tiền cọc để đầu quân cho TP.HCM kể từ mùa giải 2022. Tuy nhiên, vào giờ chót, Ngọc Hải cũng quyết định “quay xe” và nghe nói khả năng anh sẽ về đầu quân lại cho đội bóng của của quê nhà là SLNA, nên hợp đồng giữa đôi bên đã đổ bể.
Lãnh đạo CLB TP.HCM cố gắng ngậm bồ hòn làm ngọt: “Sở dĩ chúng tôi không làm khó Quế Ngọc Hải, một phần vì anh ấy là tuyển thủ quốc gia, thêm vào đó anh ấy về thi đấu cho SLNA là đội bóng quê hương nên cũng hợp lý thôi”.
Câu chuyện về Hải Huy và TP.HCM trở thành tâm điểm báo giới trong 2 ngày vừa qua. Ban đầu, Hải Huy nhận giấy thanh lý của CLB Than Quảng Ninh vào ngày 25/8/2021. Đó cũng là thời điểm mà đội bóng đất Mỏ thông báo tạm dừng hoạt động trước mắt là 1 năm vì thiếu hụt trầm trọng ngân sách dẫn đến đẩy tình trạng nợ lương, nợ lót tay và nợ tiền thưởng cầu thủ, trong đó có Hải Huy kéo dài nhiều tháng trời
Ngay sau khi rời đội bóng gắn chặt với mình cả tuổi thanh xuân, Hải Huy đã nhận được sự liên hệ đến từ TP.HCM. Ở thời điểm đó, đội bóng của chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng không rõ có thể giữ chân tiền vệ sáng tạo Lee Nguyễn thêm 1 mùa giải nữa hay không. Vì vậy, sự xuất hiện của Hải Huy có thể xem là một thay thế xứng đáng trong trường hợp Lee Nguyễn về Mỹ.
Hải Huy thì cần đội còn TP.HCM thì cần người. Vậy là đôi bên quyết định ký nháy hợp đồng. Cầu thủ sinh năm 1991 được cho là nhận tiền đặt cọc trị giá 700 triệu đồng và dự định sẽ tới TP.HCM để ký hợp đồng chơi bóng tháng 11 này. Tuy nhiên, mọi thứ đã bất ngờ thay đổi khi Hải Huy quyết định nhận lời đề nghị của CLB Hải Phòng. Với mức lương và đãi ngộ được cho là không kém CLB TP.HCM, lại lợi thế hơn khi được chơi bóng gần nhà, Hải Huy đã gật đầu với bầu Hoàn và muốn trả lại tiền cọc cho CLB TP.HCM.
TP HCM không đồng tình với phương án này. Họ yêu cầu Hải Huy trả lại số tiền cọc 700 triệu đồng, đồng thời đền bù một tỷ đồng. Thậm chí, con số đã tăng lên gấp 5 lần vào ngày hôm qua, tức là lên đến 5 tỷ đồng. Một vị lãnh đạo của CLB TP.HCM cho biết: “Ban đầu chúng tôi muốn giải quyết êm đẹp vụ việc và chỉ muốn Hải Huy đền bù 1 tỷ đồng tượng trưng. Nhưng cậu ta không đồng ý, vì vậy cứ canh theo thoả thuận trong hợp đồng để thực hiện thôi”.
Năm 2010, Huỳnh Quang Thanh là trụ cột của CLB Becamex Bình Dương và giành vô số danh hiệu lớn nhỏ. Sau đó, CLB Sài Gòn Xuân Thành muốn anh rời Bình Dương về thành phố thi đấu, với thương vụ có giá 14 tỷ, trong đó có 12 tỷ ‘tiền tươi thóc thật’. Quang Thanh nhanh chóng đồng ý rồi xin giấy thanh lý từ Becamex Bình Dương. Phía đội bóng đất Thủ không muốn để anh đi nhưng cuối cùng đã chấp nhận sau những ‘chia sẻ thật lòng’.
Tuy nhiên, sau đó Quang Thanh tập cùng Sài Gòn Xuân Thành 2 tuần nhưng không được ký hợp đồng. Vụ chuyển nhượng bị trì trệ nên anh đành phải trở lại Bình Dương. Sau đó đến năm 2013, Quang Thanh sau khi bị B.Bình Dương thanh lý có nhận được tín hiệu từ Thanh Hoá.
Hai bên cơ bản đạt được thỏa thuận với mức lương 50 triệu 1 tháng, lót tay 1,4 tỷ/năm, trả trước 500 triệu. Thương vụ thậm chí đã đi đến bước cuối cùng là ký hợp đồng. Nhưng sau đó, giao kèo được đưa ra lại có những con số thấp hơn hẳn nên Thanh buộc phải vào Long An ký hợp đồng khác.