Bắt đầu “nhú mầm”
Đa số các cầu thủ trong danh sách 28 gương mặt của U16 Việt Nam đã được đưa vào sân thi đấu trong 5 trận tại giải vô địch U16 Đông Nam Á 2022 vừa kết thúc cách đây ít ngày ở Yogyakarta, Indonesia. Nhìn từ màn trình diễn của các cầu thủ trẻ, ban huấn luyện cũng đã có cái nhìn tổng quát về ưu, nhược điểm của từng gương mặt trong đội hình. Tất nhiên, thẳng thắn mà nói, không cầu thủ nào duy trì được sự ổn định với phong độ cao từ trận này qua trận khác. Điều đó cũng là dễ hiểu khi các cầu thủ mới chỉ 14-15 tuổi, cộng thêm việc lần đầu tiên trong sự nghiệp tham dự một giải bóng đá cấp khu vực.
Dẫu sao, như ban huấn luyện U16 Việt Nam thường xuyên họp xuyên suốt giải đấu, một số cầu thủ trẻ bước đầu cho thấy tiềm năng, đủ để nhận thêm sự tin tưởng và được tạo thêm điều kiện trong tương lai gần. Đội trưởng Nguyễn Công Phương là một ví dụ. Cầu thủ thuộc biên chế CLB Viettel đã thi đấu cả 5 trận của U16 Việt Nam tại giải đấu này và ghi 2 bàn thắng, 1 đường kiến tạo. Khả năng dứt điểm từ xa, tổ chức điều tiết lối chơi ở khu vực giữa sân được Công Phương thực hiện tương đối tốt. “Đồng môn” của Công Phương là Công Hậu cũng cho thấy sự đột biến mỗi khi vào sân từ băng ghế dự bị. Tiền đạo sinh năm 2007 ghi 3 bàn thắng cho U16 Việt Nam. Tương tự, Phan Thanh Đức Thiện (SHB Đà Nẵng) cũng đã lập công 4 lần cho đội nhà.
Bên cạnh đó ở hàng tiền vệ, Lê Đình Long Vũ, Nguyễn Trọng Tuấn (SLNA) và Vi Đình Thượng (CLB Huế) cũng để lại những dấu ấn trong khả năng tấn công. Trong khi ở mặt trận phòng ngự, thủ môn Phạm Đình Hải (Hà Nội FC) cùng trung vệ Nguyễn Hữu Trọng (Sài Gòn FC) cũng là những gương mặt nổi bật, với một số trận đấu chơi an toàn, chắc chắn.
Cần rèn thêm về tâm lý, ý thức
Các cầu thủ kể trên đã bước đầu cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai gần. Ngoài yếu tố chuyên môn, họ cũng cần phải trưởng thành hơn về tâm lý thi đấu và ý thức sinh hoạt, nếu như muốn tiếp tục hiện diện ở các cấp độ ĐTQG cao hơn trong những năm tới. Thực tế chứng minh bóng đá trẻ luôn có thay đổi bất ngờ trong từng giai đoạn cụ thể của lứa tuổi. Quá trình thanh lọc và biến động cũng diễn ra liên tục ngày này qua năm khác. Đơn cử như lứa 1997-1999 vốn rất thành công ở cấp độ U20 và U23 trong giai đoạn 2016 đến 2019. Nhưng không một ngôi sao nào trong lứa cầu thủ này xuất hiện trước đó ở đội hình U16 Việt Nam.
Tiếp đến, lứa cầu thủ sinh năm 1999 – 2001 vừa giành Huy chương vàng SEA Games 2021, chỉ có Nguyễn Trọng Long và Nguyễn Thanh Bình là những cái tên từng góp mặt trong đội hình U16 Việt Nam cách đây 7 năm. Rồi kể cả lứa cầu thủ U16 Việt Nam giành chức vô địch U16 Đông Nam Á 2016 dưới bàn tay của HLV Vũ Hồng Việt, gương mặt hiếm hoi nổi bật ở cấp độ U23 Việt Nam hiện tại là trung vệ Vũ Tiến Long.
Lấy những dẫn chứng ấy để thấy rằng các cầu thủ U16 Việt Nam được đánh giá là tiềm năng hiện tại cần phải thể hiện mình nhiều hơn, nắm bắt cơ hội nhanh hơn và cần giữ ý thức, kỷ luật tốt trong sinh hoạt tập luyện, nếu như họ muốn tiếp tục hiện diện ở những cấp độ cao hơn của ĐTQG. Song song với đó, cánh cửa cơ hội dành cho những gương mặt khác của U16 Việt Nam vẫn rất rộng mở, nếu như họ quyết tâm tiến bộ, trưởng thành và khẳng định mình trong thời gian tới.
Danh sách sơ bộ của U17 Việt Nam có 50 cầu thủ
HLV Nguyễn Quốc Tuấn (ảnh) sẽ sớm gửi lên Phòng các đội tuyển Việt Nam của VFF bản danh sách sơ bộ với 50 cầu thủ cho đội tuyển U17 Việt Nam. Vào đầu tháng 9 tới, ông sẽ tiến hành rút gọn danh sách xuống còn 30 người để hội quân ở Hà Nội. Từ ngày 14-26/9, đội tập huấn ở Nhật Bản. Vào đầu tháng 10, U17 Việt Nam với tư cách chủ nhà bảng F sẽ thi đấu vòng loại giải U17 châu Á 2023. Đối thủ của U17 Việt Nam tại bảng này là Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa và Nepal. 10 đội đứng nhất ở 10 bảng cùng 5 đội nhì có thành tích tốt nhất sẽ cùng chủ nhà (chưa xác định) tham dự VCK U17 châu Á 2023.