Khu vực London có tư cách để tổ chức giải thưởng này vì không nhiều thành phố có số lượng các CLB đang thi đấu ở Premier League nhiều như ở đây, và các siêu sao, các HLV nổi tiếng cũng hằng hà sa số.
Một nửa các đội trong Big Six là ở London, đó là Chelsea, Tottenham, Arsenal; thấp hơn một chút ta có West Ham, Fulham hay Crystal Palace. Ngoài ra, không thể không kể đến những Queens Park Rangers, “Ong bắp cày” Watford, “hiện tượng” Brentford, hay cái tên khuấy đảo một thời Charlton Athletic. Đấy là mới kể sơ bộ những cái tên tiêu biểu, còn mở rộng thì London là sân nhà của 14 đội bóng chuyên nghiệp và hơn 60 giải nghiệp dư. Cũng đừng quên, “thánh đường” Wembley là ở London. Vì đâu có điều đặc biệt này?
Hãy nhìn lại lịch sử, vì chỉ có lịch sử mới giải thích cho bạn căn nguyên của vấn đề. Bóng đá đã xuất hiện ở London cách đây 1.000 năm. Thế kỷ 11 đã ghi nhận những vết tích lịch sử đầu tiên của môn bóng đá ở nơi đây. Chúng manh nha phát triển và tiến lên con đường bóng đá hiện đại vào thế kỷ 19 cùng sự vận động của lịch sử. Và rồi điều gì đến cũng phải đến, vào một ngày tháng 10/1863, tại quán rượu Freemasons ở đường Great Queen, đại diện 12 đội bóng sáng lập tại London đã gặp nhau để cùng thống nhất về luật lệ, sự phát triển, và cuộc chơi của bóng đá tại London.
Với lịch sử hoành tráng như thế, không khó hiểu khi London được xem là kinh đô bóng đá châu Âu. Fulham trở thành CLB được thành lập sớm nhất tại London (1879), và Arsenal là đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên (1891) sau khi Liên đoàn bóng đá London (LFA) được thành lập năm 1882.
Tuy nhiên, cũng nhìn từ lịch sử mà ta hiểu vì sao London bị khu vực Tây Bắc (Manchester và Liverpool) vượt lên thắng thế trong cuộc cạnh tranh về thành tích bóng đá. London như đã biết là thủ đô của nước Anh từ năm 1265, sau này là thủ đô của đế chế Anh trong cuộc cách mạng công nghiệp mà Anh đi đầu trở thành nước thống trị thế giới. Vào thế kỷ 18, London trở thành một thủ đô nghệ thuật, sau đó là trung tâm hành chính-tài chính của cả đế chế.
Theo chiều ngược lại, thủ phủ công nghiệp được dồn về phía Tây Bắc nơi có Manchester và Liverpool. Tầng lớp xã hội và cuộc sống mưu sinh quyết định cho mối quan tâm dành cho bóng đá. Khi London giàu lên thì một bộ phận tinh hoa rời bỏ trái bóng, tìm đến những điệu nhạc thính phòng và các môn thể thao quý tộc như tennis hay golf. Bóng đá vẫn tồn tại ở London vì sự phân chia xã hội giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu vẫn nguyên vẹn. Nhưng nó không còn tạo ra một khối chiến thắng như các vùng Manchester và Liverpool, nơi thợ thuyền xem trái bóng là tất cả.
Từ những yếu tố lịch sử tưởng như không liên quan ấy, đã giải thích vì sao London luôn mãi đi sau Manchester trong bình diện bóng đá.