Những dấu ấn trên Suwon World Cup
HLV Juergen Klinsmann đã tung vào sân đội hình mạnh nhất, mạnh hơn cả trận đấu mà họ đã thắng Tunisia, đối thủ chỉ kém Hàn Quốc 3 bậc trên BXH FIFA, với tỷ số 4-0. Ngoài Kim Min Jae, Lee Kang Il, Hwang Ui Jo, Hwang Hee Chan… họ còn có sự trở lại của ngôi sao đội trưởng Son Heung Min. Kể ra để thấy, Hàn Quốc rất nghiêm túc chuẩn bị cho trận đấu với Việt Nam, đội bóng thua họ đến… 69 bậc trên BXH FIFA. Rõ ràng, Tunisia còn thua đến 4 bàn thì con số 6 lần bị chọc thủng lưới của Việt Nam cũng là điều rất bình thường.
Bản thân HLV Troussier thừa nhận, ông không muốn nhìn vào bảng tỉ số. Điều đang quan tâm hơn cả là đội bóng của ông đón nhận “món quà” đẳng cấp này như thế nào? Có lẽ điều HLV Troussier hài lòng nhất là những nỗ lực trong gần 30 phút cuối kể từ thời điểm Việt Anh phải nhận chiếc thẻ đỏ, đẩy Việt Nam vào thế 10 chống 11. Gần 30 phút cuối cùng, với 7 cầu thủ dưới 23 tuổi, Việt Nam đã chiến đấu và thu về cho bản thân những bài học khi đối đầu với các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Hàn Quốc đã chơi thứ bóng đá pressing tốc độ, họ bóp nghẹt hàng tiền vệ của ĐT Việt Nam, khiến hàng phòng ngự liên tục phải chao đảo. Tuy nhiên, trong thế trận lép vế (chỉ kiểm soát bóng 37%), các học trò của HLV Troussier vẫn tìm được những cơ hội ngon ăn. Phút 23, Trương Tiến Anh đã có pha ngoặt bóng điêu luyện loạt bỏ Hwang Hee Chan, nhưng cú đá cuối cùng lại đi vọt xà. Kế đến là tình huống ở phút 30, Hoàng Đức chuyền bóng như “dọn cỗ”, tiếc thay Đình Bắc lại đặt lòng lên trời. Và cuối cùng là cú đá phạt rung chuyển cột dọc của Văn Khang ở phút 72.
“Tôi không coi trọng chuyện thắng thua trong các trận đấu chuẩn bị cho mục tiêu chính. Tôi chỉ nghĩ rằng, về mặt tỷ số, chúng tôi xứng đáng có một hoặc hai bàn thắng. Chúng tôi cần chuyển hóa cơ hội tốt hơn”, HLV Troussier nói ở buổi họp báo sau trận.
Những con số và những bài học
Trên đây là 2 trong số những dấu ấn mà ĐT Việt Nam có được khi so giày với Hàn Quốc. Đương nhiên, những chỉ số còn lại, các học trò của HLV Troussier đều bị đối thủ bỏ xa. Chẳng hạn, ĐT Việt Nam dứt điểm không trúng đích 22 lần so với 7 của Hàn Quốc, dứt điểm trúng mục tiêu (1-12), tổ chức lên bóng (57-112) hay phạt góc (2-11)… Như đã nói ở trên, chúng ta không thể đưa ra những nguyên nhân A,B,C… để lý giải. Thất bại của Việt Nam đơn giản là đối thủ “quá nhanh và quá nguy hiểm”. Thầy trò HLV Troussier nên xem trận đấu này như một “món quà” để gặp gỡ các thần tượng, để biết mình đứng ở đâu chứ không phải nhìn lên bảng tỉ số.
Tất nhiên, có những khoảng cách mà các cầu thủ Việt Nam có thể thu hẹp được. Chẳng hạn, chúng ta thua kém về tốc độ, về kỹ thuật nhưng có thể chuẩn bị một nền tảng thể lực tốt hơn để đeo bám đến cùng trong thế trận phòng ngự. Việt Nam có thể làm tốt hơn trong khâu dứt điểm khi đã có những cơ hội mười mươi. Việt Anh và các đồng đội ở hàng phòng ngự có thể làm tốt hơn trong những tình huống chống bóng bổng, hay hạn chế những pha qua người 1vs1…
Rõ ràng, chỉ có đụng độ với những đội bóng có đẳng cấp tăng dần lên như Trung Quốc, Uzbekistan hay Hàn Quốc thì Việt Nam mới lộ ra những điểm yếu cần khắc phục. Đội bóng của HLV Troussier đã có cho mình kinh nghiệm cần thiết trước khi bước vào những trận chiến tại vòng loại World Cup 2026, nơi mà họ không có quyền sửa sai. Vậy nên, thua Hàn Quốc thực sự là bài học vô giá.