Bước đời thăng trầm của Văn Mẹo
Mấy năm trước ghé Đà Nẵng thăm Văn Mẹo, tôi biết nhờ đôi chân, nhờ sự cần mẫn và sự cầu thị mà anh xin được một công việc mơ ước. Văn Mẹo bây giờ là nhân viên ngân hàng và cũng là cầu thủ phủi. Thằng Mẹo bây giờ không bằng người khác nhưng cuộc sống gia đình có nhiều nụ cười trên những tấm hình anh hay khoe trên facebook. Tôi thấy mừng cho Mẹo, một người đàn ông đã từng rơi lệ, từng đi qua không ít sóng gió cuộc đời. Và câu chuyện bắt đầu…
Năm 2000, tại giải bóng đá trẻ em đường phố, rất nhiều khán giả đã phải trầm trồ khen ngợi tài năng của cậu bé răng sún, có nước da ngăm đen như những ngư phủ vùng biển. Với kèo trái dẻo như kẹo kéo, cậu có thể điều khiển trái bóng dính vào chân mình, cũng như những pha xử lí bóng kiểu nghệ thuật trên đường phố. Cậu bé ấy chính là Nguyễn Văn Mẹo, đến từ làng chài Vũng Thùng, thuộc bán đảo Sơn Trà, nay là quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).
Tuổi thơ Mẹo lớn lên ở làng chài, cả gia đình sống trong một túp lều lụp xụp, nằm gần mé biển và nồi cơm phụ thuộc vào những lần ra dong thuyền ra khơi đánh bắt cá. Cuộc sống của gia đình Mẹo sống lên xuống theo những con sóng biển, dẫu thế, cậu con trai duy nhất của gia đình vẫn được đầu tư học hành vì gia đình vẫn tâm niệm rằng: “Ai nghèo ba họ, ai khó ba đời”.
Có một điều đặc biệt, trong số đám bạn cùng lang chài, Mẹo là người chơi bóng cực hay. Trong những lần đá bóng ven biển, cái tiếng ấy đã bay đến những tuyển trạch viên của bóng đá Đà Nẵng. Giải đầu tiên mà Mẹo tham gia là Cúp Bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay còn gọi là giải trẻ em đường phố năm 2000.
Năm ấy, Văn Mẹo cùng với người bạn Hưng “vịt” (tiền vệ Phan Thanh Hưng) đã để lại những ấn tượng mạnh với kĩ năng chơi bóng vượt tuổi tác của mình. Đặc biệt, Văn Mẹo chính là người được bầu chọn cầu thủ xuất sắc giải với số phiếu tuyệt đối.
Trở về sau giải đấu, Mẹo được bốc lên ăn tập lớp năng khiếu. Thành quả, dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng, Văn Mẹo cùng với lứa Thanh Hưng, Hùng Sơn, Thanh Bình, Cao Cường, Hoàng Quãng, Xuân Nam… đã giành chức vô địch U21 QG liên tiếp vào các năm 2008 và 2009. Chuyện cổ tích của cậu bé có khuôn mặt khắc khổ ngày nào đã trở thành hiện thực, khi anh được gọi lên đội 1 SHB.ĐN.
Sau chức vô địch quốc gia năm 1992, bóng đá xứ Quảng Đà gần lu mờ trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Với thế hệ cầu thủ từng giành 2 chức vô địch giải U21QG, các CĐV sông Hàn đặt rất nhiều kỳ vọng, một ngày không xa sẽ trở lại cái… ngày xửa ngày xưa. Cũng chẳng phải đợi lâu, năm 2011 những Thanh Hưng, Hùng Sơn, Thanh Bình, Cao Cường, Hoàng Quãng… đã biến giấc mơ gần 1 thập kỉ mong chờ của người Đà Nẵng thành sự thật khi giành chức vô địch thứ 2 cho bóng đá nơi đây.
Văn Mẹo chính là người xuất hiện trong đội hình những nhà vô địch năm ấy, với 2/3 số trận đá chính. Chưa hết, cuộc đời cứ ngỡ như cổ tích với cậu bé làng chài. Chuyện là trong đợt quy hoạch của TP.Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà được xây dựng thành một khu du lịch sinh thái. Nhà Mẹo nằm trong diện được hỗ trợ tái định cư. Với hơn 190 triệu đồng được thưởng nhờ chức vô địch, cộng với số tiền tích góp được, Văn Mẹo và gia đình quyết định xây một ngôi nhà khang trang để tránh bão.
“Mọi thứ đúng là giấc mơ của gia đình tôi, nếu không có bóng đá có lẽ có nằm mơ em cũng không nghĩ mình được sống trong ngôi nhà xây thế này. Nhưng nó cũng thành quả xứng đáng với những gì em đã nỗ lực trên sân bóng”, Văn Mẹo tâm sự với tôi trong một lần chúng tôi đến thăm cơ ngơi của gia đình anh.
Bi kịch của nhà vô địch và cái kết có hậu
Sau chức vô địch Vleague, SHB.ĐN hướng tới những đỉnh cao mới, “thế hệ vàng thứ 2” của bóng đá Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng. Tiếc thay, cuộc đời không phải những giấc mơ nối dài với Mẹo.
Năm 2012, Mẹo bất ngờ bị đẩy xuống đội hạng Nhất sau một vài trục trặc về sức khỏe. Những người hiểu chuyện không khó nhận ra, đấy là chiêu mà lãnh đạo nơi đây cố tình chèn ép bản hợp đồng mới của Mẹo. Văn Mẹo đã quyết định ký vào bản hợp đồng lót tay 1,2 tỷ/3 năm với SHB.ĐN. Có điều, anh chỉ được đăng ký chơi ở giải hạng Nhất. Mùa 2013, sau những biến cố, đội Trẻ SHB.ĐN giải thể, Văn Mẹo được nhiều CLB săn đón rất nhiệt tình.
Còn nhớ lúc ấy, HLV Lai Hồng Vân của Kiên Giang mê mẩn cái kèo trái của Mẹo. Một ngày mưa ở Sài Gòn, Mẹo cùng cha đến sân Thành Long thử việc. Đá được vài ba mươi phút, ông Vân bảo: “Cháu ký 2 năm, đội cho 1,5 tỷ nhé. Tuần tới vô ở với đội luôn”. Mẹo bị choáng! Cha anh cũng bị choáng nhưng vui như Tết. Thật khó tin, về đến Đà Nẵng, Mẹo quyết định “quay xe”. Lần ấy, HLV họ Lai giận lắm!.
Mẹo tiếc cứ đứt ruột, vì sau đó rơi vào cảnh thất nghiệp. Anh tới lui trong nhà, thi thoảng lại có những trận đá phủi cho đỡ nghiền. Thời gian trôi qua trong sự chán nản, cuối cùng Mẹo cũng quyết định tìm một việc gì làm để quên đi chuyện bóng banh. Qua một người quen dưới thiệu, Mẹo xin vào làm công nhân xếp dỡ hành lí ở nhà ga sân bay Đà Nẵng.
Sinh năm 1987, đang ở độ tuổi của tài năng, nói chuyện Văn Mẹo đi làm bốc vác, chẳng mấy ai tin. Mấy năm, quẩn quanh chẳng ai chọn và Mẹo cũng chán bóng đá đỉnh cao. Mẹo lao vào kiếm cơm và chơi phủi cho qua ngày đoạn tháng. Và rồi cái đức tính cần cù, hiền lành và cầu thị đã đưa Mẹo rẽ sang một con đường mới. Anh trở thành một nhân viên ngân hàng trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Văn Mẹo hiện đang là thủ quân của CLB Sacombank tham dự Cúp Bóng đá 7 người Hyundai Cup 2022 tại khu vực miền Trung. Và để giành 2 tấm vé đi Hà Nội, Mẹo và đồng đội sẽ phải đối đầu với 7 cái tên khác như A65, Anh Quyên, Anh Thư, Hiếu Hoa – Quahaco, Trầm hương Thế Gia, Tư Lửa Cửa Tùng và QNAWACO.
Đội Sacombank của Văn Mẹo đụng ngay Tư Cửa Cửa Tùng (Quảng Trị) của Luân sư, Hưng Nghệ, Thịnh Messi, Huy nhỏ… tại Cúp Bóng đá 7 người Hyundai Cup 2022 khu vực miền Trung. Một trận thua đã điều được dự báo trước, nhưng Mẹo và các đồng đội đã chơi một trận đấu đẹp, đến đối thủ phải nể phục dăm phần. Mẹo nói, nếu khoẻ hơn một chút, dễ gì thua kiểu đó.
“Già, chỉ đứng trên sân điều bóng, động viên tinh thần anh em là chính. Trận với Tư Lửa Cửa Tùng có thêm chút hơi nữa thì anh em gồng được trận hoà rồi. Thua nhưng cũng tự hào! Sếp cũng ưng lắm vì anh em chiến hết mình. Sau tất cả, cũng trở lại với công việc, được thoả mãn đam mê bóng đá nữa còn gì tuyệt vời hơn”, Văn Mẹo nói với giọng vui vẻ.
Chuyện nhà Mẹo khá dài tập, phải mươi trang A4 mới kể được hết sự “ngoằn ngoèo” trong từng chương. Nhưng nói như Mẹo, hôm nay đang vui, nỗi buồn trong quá khứ kể ít thôi, như chơi bóng vậy, đã chơi là phải tận hưởng đến giọt mồ hôi cuối cùng. Cứ vậy nha Mẹo!.