Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang lâm vào cảnh khó khăn phải cắt giảm lương nhân viên nhưng vẫn phải nhận đề nghị giảm tiền thuê trụ sở của Hà Nội FC, đội bóng giầu có của bầu Hiển.
Lịch thi đấu V.League 2020/2021
Bảng xếp hạng V.League 2020/2021
Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, các nhân viên của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sẽ bị cắt giảm 50% thu nhập do nguồn thu bị giảm sút. Lý do là ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn vị thuê trụ sở không hoạt động nên không có nguồn thu. Trong số các đối tác xin giảm tiền thuê mặt bằng có Hà Nội FC của bầu Hiển. Lý do được đưa ra là CLB không tập luyện và thi đấu được do dịch bệnh.
Việc hàng loạt đối tác xin giảm tiền thuê trụ sở, hoặc bị kết thúc hợp đồng khiến dòng tiền của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị ảnh hưởng. Nhân viên phải làm đủ thứ nghề để sinh sống. Có người không thể chờ đợi nên đã nghỉ việc tìm cơ hội mới.
Câu chuyện của Mỹ Đình sẽ là bài toán khó giải với ngành thể thao trong thời gian tới. Đó là xây dựng mô hình chuẩn nhất trong điều kiện tự chủ về tài chính. Phải khai thác những lợi thế một cách đúng luật là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi họ phải thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trở lại với Hà Nội FC, đội bóng đã hơn 10 năm nay đóng quân tại Mỹ Đình. Hào quang mà họ có được khiến ít người nghĩ đến một thực tế là lâu nay, Hà Nội không có một đại bản doanh của riêng mình.
Mọi thứ đều phải đi thuê, đi mượn. Trung tâm trẻ đặt tại Nghệ An với sự kết hợp với lò VST. Một phần lớn các cầu thủ trẻ khác do Sở VH-TT Hà Nội đảm trách. Từ lứa U15 do Hà Nội trực tiếp quản lý cũng không có hệ thống cơ sở vật chất. Việc ăn ở, tập luyện vẫn phụ thuộc vào sự ủng hộ từ các đối tác, nhất là Sở VH-TT Hà Nội.
Một đội bóng giầu có về tiền bạc, thành tích nhưng đến nay vẫn chưa có được một hệ thống cơ sở vật chất đúng nghĩa của mình, đó là một thực tế rất đáng phải suy ngẫm. Nếu muốn vươn tầm ra châu lục, trở thành lá cờ đầu cho bóng đá Việt Nam thì Hà Nội FC không thể mãi ở chế độ tạm thời như hiện tại.
Một CLB chuyên nghiệp phải xây dựng dựa trên những tiêu chí chuyên nghiệp mà AFC đã ban hành. Trong đó, có hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo, nền tảng tài chính và đặc biệt là khả năng kiếm tiền. Còn nhớ, cách đây không lâu, Hà Nội không được dự AFC Cup vì ban lãnh đạo không hiểu luật khi không tham dự giải U15 QG khiến AFC tước quyền tham dự AFC Cup.
Vấn đề của Hà Nội lúc này là gì? Tiền bạc ư? Có lẽ không phải vì bầu Hiển là người đam mê, hào phóng và giầu có. Ông đang là người đặt dấu ấn cá nhân lên nền bóng đá Việt Nam theo rất nhiều kênh khác nhau.
Cơ chế ư? Cũng không hẳn. Là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng, bầu Hiển có thể giải quyết những bài toán khó nhất về thủ tục hành chính.
Có thể, cái thiếu lớn nhất của bầu Hiển chính là quyết tâm và những cánh tay nối dài thực sự có tầm để biến những kế hoạch lớn lao của ông thành hiện thực. Biến Hà Nội FC thành mô hình chuẩn về chuyên nghiệp, có cơ ngơi bề thế chứ không thể để những ngôi sao bạc tỷ phải đi thuê nhà trong hơn 1 thập kỷ trong khi bầu Hiển chưa bao giờ thiếu tiền khi thời gian qua ông đã bỏ ra hàng trăm tỷ đóng góp cho xã hội.