Có lẽ, vì ý thức gian khó đã hằn sau trong nếp nghĩ cùng niềm kiêu hãnh, tin yêu thường trực mà mấy năm qua, bóng đá Nam Định vẫn trụ vững trước cơn cuồng phong V.League.
Nam Định có nhiều điểm khó trên bản đồ bóng đá Việt. Họ không có những doanh nghiệp mạnh trú chân trên địa phương nên vì thế mà bao năm qua, bóng đá Nam Định luôn vật lộn giữa hai dòng nước: bao cấp hay doanh nghiệp hóa. Muốn tìm một doanh nghiệp lớn chống lưng nhưng bất khả. Bầu sữa bao cấp lại chẳng thể đủ đầy và lâu dài nên hàng thập kỷ, bóng đá nơi đây cứ phập phù, lúc lên lúc xuống.
Mấy năm từng bừng vừa qua cũng một phần nhờ biết dựa vào sức dân mà đá, dựa vào khán đài Thiên Trường mà tìm niềm cảm hứng, sức mạnh và cả tiền bạc giữa toan lo cơm gáo gạo tiền. Thế nhưng, khi phải gồng từ năm này qua năm khác, từ mùa giải này qua mùa giải khác, Nam Định cũng thấm mệt, những nền tảng mà họ bấu víu vào đó cũng trở nên mong manh và thiếu ổn định. Nam Định tụt dốc. Họ đánh mất lợi thế mà trở nên thiếu tính cạnh tranh ở một sân chơi khắc nghiệt, khôn lường.
Những tín hiệu vui từ vĩ mô cũng như thay đổi nơi phòng thay đồ vừa qua cũng mới chỉ giúp đội bóng vực dậy niềm tin vốn đã xuống rất thấp. Ông Vũ Hồng Việt thực sự muốn thay đổi và có thể làm mới đội bóng nhưng cần có thêm thời gian. Chỉ có điều, thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc chơi không chờ đợi ông Việt, ban lãnh đạo mới và đặc biệt là Nam Định. Trận thua toàn diện trên sân Hàng Đẫy tối qua thực sự là tín hiệu đáng báo động cho một Nam Định vô cùng gian khó. Phải nhấn mạnh đến sự gian khó mà đội bóng này đang phải đối diện khi mà những đối thủ chính đã phát tín hiệu đi lên về điểm số, phong độ và nhiều yếu tố khác.
Cuộc chơi vẫn còn. Cơ hội và thách thức với Nam Định vẫn còn. Nhưng, mọi thứ sẽ quá đi nếu Nam Định không vượt qua được những giới hạn về chuyên môn, giải phóng được tâm lý đang đè nặng. Một đội bóng như Nam Định lúc này thì yếu tố tinh thần, sự cởi bỏ về tâm lý là vô cùng quan trọng. Nó thậm chí quyết định đến sự thành bại của đội bóng trong cuộc đua “chạy lũ” mùa này.