Sơ đồ của MU khi làm khách trên sân Man City? Có vẻ là công thức phổ biến 4-2-3-1 mà giới truyền thông giới thiệu một cách máy móc. Kỳ thực, tiền vệ “số 10” trong sơ đồ này là Paul Pogba đá cặp với Bruno Fernandes ở vị trí trung phong, với các tiền đạo cánh Jadon Sancho và Anthony Elanga đứng hai bên.
Cặp tiền vệ Fred – Scott McTominay đá trụ giữa sân. Vậy, đấy thực chất là sơ đồ 4-2-4. Cách đây… 64 năm, đội tuyển Brazil lần đầu lên ngôi vô địch World Cup (1958), họ đã chơi 4-2-4. Chỗ mấu chốt của sơ đồ chiến thuật này là sự xuất sắc của cặp tiền vệ Didi – Zito giữa sân. Vắn tắt thế thôi, nếu như các bạn trẻ bây giờ chưa bao giờ nghe tên Zito, thì cũng chẳng lạ. Vấn đề ở đây không chỉ là “sự kiện” Rangnick bỗng xếp quân theo sơ đồ 4-2-4 đã lạc hậu hơn nửa thế kỷ, mà là xem ra ông ta còn… sai căn bản, khi bố trí nhân sự cụ thể trong cách chơi theo sơ đồ 4-2-4. Fred và McTominay sẽ là hai ngôi sao lớn nhất quyết định thành công cho MU trong sơ đồ này?
Xin được lưu ý, chính HLV Pep Guardiola của Man City đồng ý rằng trên thực chất thì MU xuất phát với sơ đồ 4-2-4 và Guardiola thừa nhận rằng ông đã bị bất ngờ, có hơi lúng túng trong giai đoạn đầu vì phải nghĩ cách đối phó với chiến thuật của MU!
Thật ra, hình ảnh trên sân cho thấy đúng hơn thì chính các cầu thủ MU không biết họ nên đứng ở đâu, làm gì, chơi như thế nào. Man City mở tỷ số ngay phút thứ 5, như chỗ không người. Cầu thủ MU mất bóng một cách dễ dàng. Phối hợp với Jack Grealish, Bernardo Silva qua mặt Victor Lindelof rồi trả bóng cho Kevin de Bruyne ghi bàn. Harry Maguire phản ứng chậm chạp trong khi Sancho và Fernandes đứng xem ngay rìa khu cấm địa!
Hay là Pep Guardiola “khen đểu”, khi nói đội ông bất ngờ trước cách chơi 4-2-4 của Rangnick? Bất ngờ ở chỗ họ không thể nào đoán nổi rằng đối phương bài binh bố trận ngớ ngẩn đến mức ấy, để Man City thắng quá dễ dàng?
Chơi 4-2-4 là cách chơi tự kéo giãn đội hình đến mức tối đa, mở toang khu vực giữa sân để đôi bên mặc sức thi thố, như một trò giải trí là chính. Không ai lại chơi như thế trước đội bóng nổi tiếng nhất thế giới về khả năng chuyền bóng, trong một trận đấu đỉnh cao, với yêu cầu quan trọng nhất về chuyên môn là phải đóng kín khu trung lộ, cầu thủ đứng gần nhau với cự ly càng chặt càng tốt.
Từ 4-2-2-2 trong ngày đầu ra mắt đến 4-2-4 trong trận derby Manchester, có vẻ như điều duy nhất mà Rangnick luôn cố làm chỉ là lòe bịp các cây bút “yếu bóng vía” về cách xếp quân có vẻ độc lạ, nhưng thật ra là lập dị, quái đản. Một là Rangnick không biết xấu hổ. Hai là, nặng hơn, ông ta đang… lừa gạt MU, chỉ cốt bỏ túi 8 triệu bảng tiền lương. Cũng hơi khó hiểu, khi đến tầm này rồi mà vẫn còn không ít cây bút cứ cố phân tích xem cầu thủ M.U pressing thế nào, có đúng yêu cầu thủ Rangnick hay không!
Đi vào chi tiết thì quá thừa thãi. Đây giống như là trận bóng giữa người lớn với con nít. MU từng thua đậm hơn, trước nhiều đối thủ khác nhau, nhưng chưa bao giờ họ thua nhục như trong trận này. Chỉ xin nói thêm: chẳng có gì là lạ, là bất ngờ, khi MU do một con người như vậy huấn luyện.
Ai… suy sụp?
Có hẳn một giai đoạn trong hiệp 2 (kéo dài 15 phút), Man City giữ bóng đến 92%. Cầu thủ MU làm gì trong tình cảnh ấy? Họ không chơi bóng, cũng không chống đỡ, giống như họ không biết mình nên làm gì. Các bình luận viên, vốn là cựu cầu thủ MU, Roy Keane và Gary Neville đều dùng từ “suy sụp”. Cựu thủ môn Peter Schmeichel cũng thấy suy sụp, nhưng đấy là ông nói về chính mình. Schmeichel cho rằng các cầu thủ MU… hình như không quan tâm!
276. MU chỉ thực hiện chính xác 276 đường chuyền, so với 700 bên phía Man City. Số đường chuyền dẫn đến tình huống sút cầu môn là 2 cho M.U, 16 cho Man City. MU thậm chí còn không có pha dứt điểm nào trong hiệp 2.