Nhưng “đừng chỉ trích mái nhà hàng xóm nhiều tuyết trong khi cửa nhà mình lại không sạch”, bản thân Arsenal cũng còn rất nhiều điều phải làm, vì Premier League kết thúc vào tháng 5, không phải kết thúc sau 5 vòng đấu.
Man United, chứ không phải những PSG, Chelsea hay Man City, mới là đội dẫn đầu châu Âu về việc mua sắm cầu thủ trong 10 năm qua. Với tổng số tiền chi ra hơn 1,1 tỷ bảng cho việc chuyển nhượng suốt thập kỷ qua, MU đã bỏ lại đại kình địch Man City sau lưng về khoản chi tiêu (đội “chỉ” chi có … 985 triệu bảng).
Nhưng khác biệt thấy rõ đó là Man City giành không biết bao nhiêu là danh hiệu, vươn tầm rộng khắp thế giới thì Man United lại lẹt đẹt đi sau, ở tình trạng thắng trận nào vui trận nấy. Điều tương tự cũng diễn ra với Arsenal, chi tiêu còn trên cả ông hàng xóm Chelsea (xếp thứ 10 trong danh sách của chi tiêu với 413 triệu bảng). Pháo thủ không tiếc tay khi vung ra 583 triệu bảng để chiêu mộ các ngôi sao đưa về sân Emirates trong thập kỷ qua. Kết quả thì cũng chả khác cặp MU-MC là bao. Nếu Chelsea giành 2 Champions League, 2 Premier League, thì Arsenal chỉ biết vui với vị trí Top 4 và mấy danh hiệu FA Cup.
Ngày Chelsea xuất hiện và xen vào cuộc đua song mã của Arsenal-MU, Chelsea đã nhanh chóng đẩy Arsenal về phía sau. Khi Man City xuất hiện và tham gia vào cuộc chiến mà ngày đó được gọi là “Tứ đại gia”, họ đẩy được Man United xuống. Premier League hôm nay là câu chuyện của Liverpool với Man City, thứ đến là Chelsea, còn MU với Arsenal còn chưa chắc đã được đánh giá cao bằng Tottenham.
Có nghĩa dù chê Chelsea trước đó hay Man City sau này là “dùng tiền mua danh hiệu” thì kết quả cho thấy tiền phát huy tác dụng. Còn Arsenal và MU sau khi bị 2 đối thủ trên đạp xuống, cũng vội vã bỏ tiền ra mua danh hiệu thì lại không mua được. Thật ra điểm chung của cả Arsenal và Man United chính là điểm chung của Arsene Wenger và Alex Ferguson.
Thất bại của MU và Arsenal trước Chelsea, Man City là sự chậm chân của mô hình. Chính vì lẽ đó mà đồng tiền của các đội bóng như Arsenal, MU bỏ ra tuy không ít nhưng tác dụng cực kỳ hạn chế. Tất cả đều vì thiếu một triết lý xuyên suốt, một lãnh đạo có tầm nhìn để không phí hoài các hợp đồng bom tấn chỉ tốt với HLV A mà không hữu dụng với HLV B.
Bây giờ, Arsenal đã thay đổi. Còn MU vẫn đang là câu hỏi để ngỏ. Nhưng dù thay đổi sớm hay trễ, thì hành trình đi tìm lại thời hoàng kim của cả hai vẫn đang rất dài.