Hai trong ba mùa gần đây, chiếc cúp “tai to” đã thuộc về Premier League từ trước khi trận chung kết diễn ra, và đáng chú ý là Premier League có đến 4 đại diện khác nhau đá trận chung kết. Ngay cả Tottenham cũng có vinh dự.
Khi Serie A thống trị sân cỏ châu Âu trong thập niên 1990, thì Sampdoria cũng lọt được vào chung kết. Đến khi La Liga gặp thời thì Valencia hoặc Atletico cũng có vinh dự. Tottenham của Premier League là dẫn chứng mới đây nhất cho thấy: thành công chung của một nền bóng đá có ảnh hưởng tích cực đến các đại diện cụ thể của nền bóng đá ấy như thế nào. Chỗ này, thậm chí có thể nhắc luôn cả… Man City. Vâng, Man City của Pep Guardiola thì đố ai dám chê. Nhưng đấy mãi mãi chỉ là “anh hào hạng hai”, cho đến khi nào họ vẫn chưa thể lên ngôi ở đấu trường Champions League.
Chẳng còn gì để tranh cãi: đây đang là “thời” của Premier League. Dấu hiệu nói lên thế thống trị của Premier League là các trận “chung kết nội bộ”, như đã nêu. Dấu hiệu ngay thời điểm này là Man City đè bẹp Sporting 5-0 trong khi Chelsea và Liverpool đều thắng 2-0 ở lượt đi vòng 1/8 (trước Lille, Inter). Dấu hiệu quan trọng cũng là: ngay cả M.U bết bát đến mức đã phải thay tướng giữa dòng cũng vẫn thủ hòa 1-1 trên sân ĐKVĐ La Liga, Atletico Madrid!
Bóng đá Đức còn mỗi Bayern Munich, ít hơn cả số đại diện của bóng đá Bồ Đào Nha ở giai đoạn này. Tây Ban Nha đang còn 3 đội, nhưng nếu chẳng có đội nào vào được tứ kết thì đấy sẽ không phải là chuyện lạ (các đại diện La Liga đều thua, hoặc chỉ hòa trên sân nhà ở lượt đi). Trên lý thuyết, mọi giải đấu ngoài Premier League – La Liga, Bundesliga, Serie A, Ligue 1, Primeira Liga của Bồ Đào Nha, Eredivisie của Hà Lan, T-Mobile Bundesliga của Áo – đều đang đối diện nguy cơ sạch bóng trước vòng tứ kết Champions League, dĩ nhiên là với mức độ khác nhau. Premier League hoàn toàn ngược lại: có điên mới bảo giải này sẽ hết đại diện trước vòng tứ kết, trong khi cả 4 đại diện Premier League cùng vào tứ kết lại là khả năng không nhỏ. Chỉ cần M.U vượt qua Atletico, là coi như xong!
Một M.U không thể dở hơn được nữa, vẫn cứ thủ hòa trên sân đối phương. Vậy khi đá tại sân nhà, và khi “không thể” lặp lại cách chơi đã bị cho là tệ nhất rồi, thì M.U sẽ thắng Atletico trong trận lượt về? Ít ra, đấy là khả năng không thấp. Cái uy của Premier League là chi tiết ít được bàn đến, nhưng xem ra đấy là chi tiết quan trọng đang hiện hữu và có ảnh hưởng đến thành tích chung của các đội Anh ở Champions League. Mạnh như Chelsea, Liverpool, Man City thì chẳng cần bàn. Nhưng M.U đang hưởng lợi từ ưu thế này.