Suốt thời gian qua, Ten Hag bị công kích rất nhiều về màn trình diễn yếu kém của MU. Nhiều người đánh giá cựu thuyền trưởng Ajax kém tài bởi cho đến nay, sau ngót 2 năm tại vị ở Old Trafford, ông vẫn chưa thể giúp Quỷ đỏ định hình một phong cách hay lối chơi rõ ràng. MU đá theo kiểu ngẫu hứng, trận hay trận dở và trông chờ khá nhiều vào sự tỏa sáng của những khoảnh khắc cá nhân.
Những nhận định này không sai, song chưa thực sự công bằng với Ten Hag. Thử hỏi trong số các HLV dẫn dắt những đội bóng hàng đầu thế giới hiện nay, ai khổ hơn Ten Hag? Có lẽ không, bởi ngoài phải lo toan đến chuyện chuyên môn là bóng đá, chiến lược gia người Hà Lan còn phải sắm vai “Người phán xử”, không phải chỉ một lần mà thường xuyên, đến mức trở thành một “nét văn hóa” của Man United.
Sau scandal của Mason Greenwood khiến bản thân phải đau đầu nhức óc với truyền thông, Ten Hag lại nhận được “món quà” khác từ học trò vào tháng 11/2022 với sức ảnh hưởng gần như không thể đong đếm: Cristiano Ronaldo trả lời cuộc phỏng vấn với Piers Morgan, công khai chỉ trích MU lẫn chính Ten Hag. Sự việc đã gây chấn động toàn cầu thời điểm ấy, và dư âm của nó cho đến nay thực tế vẫn được nhiều người nhắc đến.
Đến tháng 9 năm ngoái, vụ việc của Jadon Sancho lại trở thành tâm điểm. Cầu thủ chạy cánh người Anh bị Ten Hag gạch tên khỏi danh sách trận gặp Arsenal ở Premier League với lý do “không đủ nỗ lực trên sân tập”. Dù vậy, thay vì giữ im lặng, Sancho đã công khai tố ông thầy nói dối trước bàn dân thiên hạ, để rồi bị thẳng tay loại khỏi đội một MU.
Cùng thời điểm ấy, một ngôi sao khác của MU là Antony vướng vào scandal bạo hành bạn gái cũ. Những câu hỏi và sự chú ý lại đổ dồn về Ten Hag, khi ai nấy đều muốn biết ông sẽ giải quyết vụ việc ra sao. Khi sóng gió tạm qua đi và tưởng chừng Ten Hag đã được yên ổn, ông một lần nữa được học “tri ân”. Mới nhất, Marcus Rashford bị bắt gặp nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng ở Bắc Ireland, trước khi cáo ốm xin nghỉ tập, qua đó bỏ lỡ trận gặp Newport County tại vòng 4 FA Cup.
Chia sẻ trên kênh Youtube cá nhân, cựu danh thủ Rio Ferdinand thẳng thắn nêu quan điểm: “Còn ai khác ngoài Ten Hag phải đối phó với mấy chuyện ngu ngốc đó, những vụ việc nổi rần rần trên khắp các mặt báo, những cá tính mạnh luôn làm những gì họ thích. Ten Hag đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề trước sự chú ý của công chúng. Đây là điều chưa từng có. Và tôi thích cái cách mà Ten Hag không buông tha cho bất kỳ cá nhân nào”.
Thật vậy. Trong gần 2 năm dẫn dắt MU, Ten Hag đã phải xử lý quá nhiều rắc rối không liên quan đến bóng đá. Thay vì được truyền thông khen ngợi nhờ những màn thể hiện tích cực, Quỷ đỏ lại nổi như cồn từ scandal của các cầu thủ. Nên nhớ, đây là Man United – đội bóng được chú ý nhất hành tinh, nên bất kỳ hành động thiếu chuẩn mực nào, dù là nhỏ nhất, cũng đủ để họ trở thành tâm điểm. Còn Ten Hag, với những rắc rối luôn thường trực xảy ra, làm sao ông có thể chuyên tâm vào công việc huấn luyện của mình.
Trông sang các CLB tên tuổi khác như Man City, Chelsea, Arsenal, Tottenham hay Liverpool, những câu chuyện như vậy gần như chẳng bao giờ xảy, từ đó giúp HLV trưởng của họ có thể yên tâm làm việc. Sau Rashford, liệu có gì đảm bảo không còn cầu thủ nào khác của MU trong tương lai gần không bị bêu tên trên truyền thông? Rõ ràng rất khó, và Ten Hag có lẽ luôn phải sống trong sự nơm nớp hàng ngày, hàng tuần. Sự tin tưởng với các học trò giờ chẳng khác nào xa xỉ phẩm với nhà cầm quân 53 tuổi.
Với những gì đã và đang xảy ra, MU thực sự không giống như một đội bóng. Họ giống một gánh xiếc, nơi các cầu thủ mặc sức làm những gì mình cho là đúng, bất chấp kết quả có ra sao. Thực tế, nhiều CLB chỉ chuyên tâm vào bóng đá còn chưa ăn ai, chứ đừng nói đến một tập thể dăm bữa nửa tháng lại nảy sinh một vấn đề cá nhân. Tất cả đã trở thành một thứ văn hóa xấu xí của Man United, và việc họ không thể gặt hái được vinh quang trong suốt một quãng thời gian dài đến như một hệ quả tất yếu.
Ten Hag khổ lắm, liệu có ai thấu?