Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Đội tuyển Bồ Đào Nha của HLV Fernando Santos dùng Ronaldo và có được danh hiệu mang tính lịch sử tại EURO 2016. Tuy không bảo vệ được vương miện tại EURO 2020 (dĩ nhiên là không), nhưng đấy cũng chẳng phải là giải đấu thất bại cho Ronaldo và đồng đội. Anh viết tiếp những kỷ lục ghi bàn, và Bồ Đào Nha dù sao cũng vượt qua “bảng tử thần”.
Cái giá phải trả khi có Ronaldo trong đội hình? HLV Santos nói luôn: “Chúng tôi quá phụ thuộc vào Ronaldo? Vâng. Chỉ sợ không có một cầu thủ như thế để phụ thuộc”. Ronaldo bây giờ chỉ đá trung phong, cần có người phục vụ và khâu phục vụ phải đủ chất lượng để Ronaldo biến thành bàn thắng. Người xem còn thấy trước những điều như vậy, rõ như ban ngày, huống hồ là đối thủ. Có hai bất lợi hiển nhiên: lối chơi đơn điệu và đối phương không khó bắt bài.
Cũng có những lúc, chính Ronaldo chủ động “muốn nghỉ ngơi”. Và đấy là những lúc mà Bồ Đào Nha tỏ ra linh động, đa dạng, sáng tạo hơn trong các giải pháp tấn công. Vấn đề là: ngần ấy cái “được” cộng lại vẫn chưa sánh nổi cái “được” tưởng như đơn giản – có Ronaldo trong đội hình.
Nếu có Ronaldo, nhưng không sử dụng? M.U của Solskjaer trong vòng đấu vừa qua ở Premier League chỉ là một dạng dễ thấy (Solskjaer xếp Ronaldo vào ghế dự bị). Còn một dạng nữa: Juventus của Max Allegri. Đã có Ronaldo, nhưng họ không dùng (bỏ luôn, qua hình thức chuyển nhượng). Hậu quả là tuy thắng liền 3 trận gần đây ở Serie A, Juventus chỉ đang đứng gần giữa bảng. Số trận thua hoặc hòa của họ vẫn cao hơn.
Thà không có Ronaldo! Suy cho cùng, bóng đá là môn đồng đội, mà người ta thậm chí không cần bất cứ ngôi sao nào. Có Ronaldo mà không dùng hoặc dùng không đúng cách, thì rất tai hại. Ronaldo là thứ vũ khí hạng nặng, sẽ phát huy uy lực khủng khiếp trong tay người biết sử dụng. Còn nếu ngược lại? Hãy hình dung một người chơi tennis “phong trào”, lại cứ muốn dùng vợt “khủng” với những thông số kỹ thuật như các ngôi sao hàng đầu thế giới, để rồi chịu tác dụng ngược là dễ chấn thương khuỷu tay! Hoặc như trong truyện võ hiệp: không đủ nội lực mà muốn luyện những võ công cao cấp, rút cuộc… tẩu hỏa nhập ma.
HLV Allegri chấp nhận mất cả khả năng ghi bàn, lẫn khả năng che đi một số nhược điểm của toàn đội, để Ronaldo ra đi. Đấy là vì ông tự tin sẽ sớm khắc phục được hậu quả (chứ chẳng phải ông không thấy trước hậu quả). Man City “chê” Ronaldo đơn giản vì họ không thể phụ thuộc, xây dựng lối chơi lâu dài quanh một cầu thủ 36 tuổi! Đội tuyển Bồ Đào Nha thì không xem trọng sự nhuần nhuyễn trong lối chơi, do thi đấu không nhiều… Tóm lại, chỉ có M.U là đang đứng trước nguy cơ hỏng bét, không phải vì Ronaldo, mà vì có nhưng không biết cách dùng vũ khí này.