Khủng hoảng theo cách khác nhau
Arsenal bắt đầu lao dốc từ từ sau khi xây dựng SVĐ mới vào năm 2006. Emirates hoành tráng những tưởng sẽ nâng tầm Arsenal, nhưng ngược lại, nó đẩy họ vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Ngay cả khi dũng cảm sa thải Arsene Wenger vào năm 2018, Pháo thủ vẫn chật vật tìm lại chính mình. Mùa trước đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp, Arsenal không thể giành vé dự Champions League.
Trong khi đó, MU bế tắc kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào mùa hè năm 2013. Cho dù sở hữu sức mạnh tài chính đáng nể, nhưng Quỷ đỏ mua bán cầu thủ quá tệ. Một trong những lý do chính khiến họ mất phương hướng gần 10 năm qua là thiếu kế hoạch dài hạn và thiếu kiên nhẫn. Dưới thời phó chủ tịch điều hành Ed Woodward, không HLV nào tại vị quá 3 năm tại Old Trafford, cho dù đó là “Người đặc biệt” Jose Mourinho hay huyền thoại của đội bóng, Ole Solskjaer.
Nguyên nhân khiến Arsenal và MU sa sút không phanh hoàn toàn khác biệt. Arsenal ôm hận vì đặt niềm tin tuyệt đối vào Arsene Wenger, trong khi MU lạc lối vì phong cách làm bóng đá như “đẽo cày giữa đường”.
Tuy nhiên, có thể vì nguồn lực hạn chế, nên Arsenal tỉnh mộng sớm hơn. Chỉ sau 4 năm chia tay Wenger, Pháo thủ đã bắt đầu trở lại mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, họ trải qua đầy đủ các sai lầm giống như MU, từ việc mua đắt bán rẻ, trả lương quá cao cho một số ngôi sao khiến phòng thay đồ bị chia rẽ. Nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở thành quá khứ.
Để có điều này, Arsenal đã kiên nhẫn tái thiết đội bóng cùng giám đốc thể thao Edu và HLV Mikel Arteta. Trong vòng 3 kỳ chuyển nhượng, Pháo thủ đã xây dựng lên bộ khung họ mong muốn. Không có ngôi sao nào lớn hơn đội bóng. Mesut Ozil và Pierre-Emerick Aubameyang đều bị thanh lý hợp đồng bất chấp vị thế số 1 ở Emirates. Hiện tại, Arsenal là một tập thể trẻ trung, giàu khát vọng và hơn hết, sở hữu các tài năng phù hợp với triết lý của HLV.
Tìm lại hào quang cũ
Khi MU tiếp đón Arsenal trong trận đấu tâm điểm của vòng 6 Premier League vào tối nay, họ cần nhìn vào chính đối thủ để học tập. Các đời HLV của Quỷ đỏ có lẽ quá vội vàng khi hướng đến hình mẫu của Man City và Liverpool. Bây giờ, điều thiết thực nhất với MU là tạo ra hình ảnh giàu hy vọng như Arsenal. Sau quá nhiều năm đau khổ, họ cần bắt đầu từ những bước tiến nhỏ nhất.
Arsenal từng chìm sâu vào nỗi sợ hãi khi toàn thua 3 trận đầu tiên ở Premier League mùa trước. Khi đó, người hâm mộ Pháo thủ lo ngại họ sẽ phải thay HLV, thay triết lý một lần nữa. Cần biết mỗi lần thay đổi này, rất ít tân binh trước đó tiếp tục được sử dụng, cho dù họ đắt giá đến đâu. Arsenal có thể đi vào vết xe đổ của MU. Điều đó sẽ là thảm họa thực sự với CLB này, bởi lẽ họ không thể có nhiều tiền để mua sắm liên tục như Quỷ đỏ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Arsenal đã kiên định với kế hoạch mà Arteta, Edu và các lãnh đạo khác vạch ra. Đó là kế hoạch với tầm nhìn 5 năm, cùng các mục tiêu tăng dần. Thực tế chứng minh họ đã đúng. Cho dù hụt hơi đáng tiếc trong cuộc đua vào Top 4 với Tottenham, nhưng Arsenal đã kết thúc mùa giải trước đầy mạnh mẽ và ấn tượng.
Đến mùa này, Arsenal trưởng thành thêm một bậc. Sau 5 vòng đấu, họ thăng hoa với thành tích toàn thắng và dẫn đầu bảng một cách thuyết phục. Lúc này, Arsenal không chỉ bay cao nhờ triết lý bóng đá rõ ràng, mà còn nhờ bản lĩnh được tôi luyện qua khó khăn.
Đó là hành trình mà MU cần học hỏi. Họ đã mất nhiều thời gian để chọn Ten Hag. Sau đó, họ cũng mất rất nhiều tiền bạc để chiều theo ý HLV này. Họ cần phải cho ông và các cộng sự ít nhất 3 năm, thậm chí lâu hơn để trở lại đỉnh cao.
MU chi tiền nhiều nhất lịch sử
MU chứng minh sự kỳ vọng lớn lao vào Erik ten Hag khi vung tiền mua sắm theo ý muốn của HLV này. Họ đã chi tổng cộng 229 triệu bảng chiêu mộ 6 tân binh, trong đó bao gồm những cái tên đắt giá là Martinez, Casemiro và Antony. Ở thời điểm bổ nhiệm Ten Hag, MU chỉ hứa chi 120 triệu bảng nhưng khởi đầu tệ hại khiến họ thay đổi. Đây là số tiền kỷ lục mà MU bỏ ra trong một kỳ chuyển nhượng. Nó cũng cho thấy họ tin tưởng vào Ten Hag thay vì đổ lỗi cho ông sau 2 trận thua trước Brighton và Brentford.