CHỌC KHE CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG
Trước khi xem xét lý do tại sao, chúng ta cần xác định ý nghĩa của thuật ngữ này. Theo trang web dữ liệu Fbref, “chọc khe”có nghĩa là: “Hoàn thành một đường chuyền vào phần không gian mở phía sau các hậu vệ đối phương.”
Đó là một đường chuyền bóng phức tạp, do đó số lần thành công không bao giờ cao và thực tế là thấp hơn tổng số bàn thắng mỗi trận ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Những pha chọc khe để kiến tạo chỉ đóng góp vào 8,3% số bàn thắng trong các trận đấu tại Champions League 2020-21. Trong số 10 cách kiến tạo khác nhau từ các tình huống mở, chọc khe đứng thứ năm, dù đó chính là cách làm nên bàn thắng ấn định chiến thắng tại chung kết Champions League của Kai Havertz.
Theo đồ thị, các đường chọc khe có xu hướng giảm ở các giải đấu lớn của châu Âu. Tỷ lệ sa sút đáng kể nhất là giữa các mùa giải Champions League 2019/20 và 2020/21.
Mặc dù rất khó để hoàn thành các đường chọc khe, nhưng chúng tạo ra những cơ hội chất lượng, đặc biệt là khi so sánh với các kiểu kiến tạo khác. American Soccer Analysis đã định lượng tỷ lệ chuyển đổi từ các đường chọc khe là 32%, cao nhất so với bất kỳ kiểu chuyền nào khác (tiếp theo là những cú căng ngang chiếm 25%).
VÌ SAO NHỮNG CÚ CHỌC KHE NGÀY CÀNG HIẾM GẶP?
Một trong những lý do dẫn tới điều này là sự gia tăng số lượng các thủ môn quét (sweeper keeper). Việc những người gác đền băng ra khỏi khu vực cấm địa để cản phá bóng sẽ ngăn cản những cú chọc khe và khiến đối phương từ bỏ ý định thực hiện chúng.
VAR cũng có tác động tới điều này. Bất kỳ cầu thủ nào muốn tung ra một đường chọc khe giờ đây đều cần căn chỉnh thời gian hoàn hảo, và VAR rõ ràng không khiến các chân chuyền cảm thấy được khuyến khích thường xuyên thực hiện những pha chọc khe để liên tục bị việt vị.
Sự cải thiện trong khía cạnh phòng thủ cũng là một lý do khác. Các đội bóng đang phòng ngự tốt hơn bao giờ hết và thu hẹp không gian sân bóng theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
Giờ đây, việc xuyên phá qua hàng thủ khó hơn nhiều so với tấn công xung quanh khối phòng ngự của đối phương – điều này có thể giải thích một phần cho sự gia tăng chất lượng của các hàng phòng ngự trong những mùa giải gần đây.
Cụ thể, ở Premier League, dường như các CLB chủ yếu tấn công ở các khu vực rộng và nhiều đội ưa chuộng hệ thống hậu vệ cánh, thay vì chia cắt trung tâm hàng phòng ngự đối thủ bằng những đường bóng bổng.
Một bài viết của Opta vào tháng 3 cho thấy rằng trong số các đội ở Premier League, Arsenal (46,3%) tạo ra tỷ lệ cơ hội cao nhất ở trung tâm 1/3 cuối sân. Biểu đồ tạo cơ hội cho thấy họ có xu hướng khai thác khoảng trống ở khu vực half -space (hành lang trong) hoặc triển khai những đường chuyền ngắn đơn giản từ trung tâm. Những đường chuyền như thế không giống chọc khe – và nó cũng phản ánh sự phát triển của bóng đá hiện nay.
CÒN AI VẪN YÊU THÍCH CHỌC KHE KHÔNG?
Đó là PSG và Lionel Messi. PSG đứng đầu 5 giải đấu hàng đầu châu Âu ở mùa trước với 84 lần thực hiện chọc khe thành công và siêu sao người Argentina có 24 lần đóng góp vào thành tích đó.
Trong ví dụ này, Messi bắt đầu từ vị trí lệch phải quen thuộc, chia cắt hàng Saint-Etienne bằng một đường chuyền chéo sân chính xác cho Kylian Mbape ghi bàn gỡ hòa. Lưu ý: vị trí của hàng phòng ngự Saint-Etinenne cách khung thành 30 mét.
Một vị dụ khác là trận đấu PSG làm khách ở Clermont, Messi khéo léo nhận đường chuyền bổng của Neymar và thả quả bóng vào phía sau các hậu vệ đối phương cho Mbappe.
Những đường chọc khe cũng làm nên thương hiệu của Harry Kane và những pha phản công của Tottenham. Tiền đạo này đã có 19 lần tung ra những cú chọc khe, nhiều thứ hai ở Premier League.
Chúng ta đã chứng kiến điều đó ở trận đấu với Brentford, khi Spurs giành lại quyền kiểm soát và bóng đến với Son Heung-min. Anh đẩy bóng sang cho Kane. Cùng lúc đó Sergio Reguilon chạy thẳng về phía khung thành đối phương. Rất nhanh, Kane đưa bóng tới chân Reguilon và hậu vệ người Tây Ban Nha căng ngang cho Son ghi bàn.
Kane cũng đã hỗ trợ vào các tình huống thông qua các pha chọc khe gián tiếp, đáng chú ý là bàn ấn định chiến thắng ở phút bù giờ của Steven Bergwijn tại Leicester. Đặc biệt là lựa chọn chọc khe sáng suốt của Kane ở Etihad. Man City đang quây ráp các cầu thủ Spurs).
Để phá tan ý đồ pressing của đối thủ, Ben Davies tung một đường chuyền chéo cho Kane. Với khả năng sử dụng hai chân ấn tượng, Kane nhận bóng, ngay lập tức thả quả bóng cho Son đang chờ đợi và cầu thủ Hàn Quốc kiến tạo cho Kulusevki ghi bàn. 1-0 cho Spurs.
Hầu hết những pha chọc khe của Kane đều đến từ những tình huống mở, với kiểu di chuyển lùi sâu ưa thích của cầu thủ này. Trong khi đó, Ivan Toney của Brentford, xếp thứ năm ở Premier League về khả năng chọc khe (13 lần) đã thực hiện hầu hết những pha chuyền bóng như thế từ các tình huống cố định.
Hãy nhìn vào vòng đấu khai mạc mùa giải 2021-22 – Brentford đối đầu với Arsenal. Đội bóng của Arteta thực hiện một quả phát bóng lên và sau một vài pha không chiến, Frank Onyeka đánh đầu cho Toney.Vị trí của Toney và Bryan Mbeumo lúc đó rất gần với hàng thủ của Arsenal.
Điều này khiến họ buộc phải di chuyển sớm để tìm ra cơ hội. Và nó đã đến khi Toney chia cắt hàng phòng ngự của Pháo thủ bằng một pha móc bóng qua đầu. Mbeumo đã bắt kịp đường bóng nhưng sút chệch cột dọc.
Điều này một lần nữa lặp lại trong trận đấu gặp West Ham ở giai đoạn cuối mùa giải. Brentford được hưởng quả ném biên ở bên phải. Mbeumo lại di chuyển vào giữa hàng phòng ngự đối phương để tìm khoảng trống. Toney lùi về bên phải một cách thông minh, nhận quả ném biên và chọc khe xuống cho Mbeumo và lần này thì cầu thủ số 19 đã ghi bàn.
Trong cuộc đối đầu với Chelsea, Brentford thực hiện quả phát bóng lên. Toney tranh chấp thành công và chuyền cho Mbeumo. Mbeumo đã tận dụng được điều đó. Anh trả bóng cho Toney và tiền đạo của Brenford tung ra đường chọc khe không thể hoàn hảo hơn cho Vitaly Janelt ghi bàn thắng thứ ba cho Brentford.
Nhưng những pha chọc khe không chỉ là đặc sản của các tiền đạo. Trent Alexander-Arnold (20 lần) đứng đầu bảng xếp hạng Premier League 2021/22 về thông số này, dù anh được biết đến là một hậu vệ cánh phải.
Trong trận đấu với Wattford, như thường lệ TAA được bố trí thi đấu ở khoảng không gian bên phải sân đấu, nơi anh thường tạo ra những mối đe dọa cho đối thủ. Từ phần sân nhà, anh tung ra đường chọc khe vào khoảng trống giữa hậu vệ cánh và trung vệ của Wattford, giúp Mohamed Salah nhận bóng thuận lợi trong vòng cấm nhưng Salah đã không thể chiến thắng Ben Foster trong pha đối mặt.
Alexander-Arnold cũng đã kiến tạo Diogo Jota ghi bàn thắng thứ hai trong chiến thắng của Liverpool trước Arsenal ở Carabao Cup. Đường kiến tạo này rất khác so với pha chuyền bóng ở trận gặp Watford – đó là một cú chuyền bổng và khó thực hiện đối với một cầu thủ thuận chân phải, nhưng Arnorld đã làm được.
Pha đưa bóng vượt qua hàng phòng ngự cao lớn của Arsenal, buộc Aaron Ramsdale băng ra khỏi khung thành, nhưng Jota đã chạm bóng trước và lốp bóng thành công để nhân đôi cách biệt cho Lữ đoàn đỏ.
TƯƠNG LAI NÀO CHO CHỌC KHE?
Sự suy giảm của những pha chọc khe trên toàn châu Âu có lẽ là điều đáng ngạc nhiên, khi một thế hệ bóng đá được tạo ra nhờ những cú chuyền bóng. Một nghiên cứu do Đại học Nam Đan Mạch thực hiện, sử dụng dữ liệu ở các kỳ World Cup cho thấy rằng, từ năm 1966 đến năm 2010, số đường chuyền trung bình mỗi phút tăng 35%.
Họ dự đoán đến năm 2025, số đường chuyền trung bình mỗi phút sẽ tăng thêm 16%. Trước đó, thông số này đã tăng từ 10,7% (năm 1996) lên 14,7% (năm 2010).
Thêm vào đó, mùa giải trước ở Premier League cũng ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua về khía cạnh giành lại bóng ở khu vực 1/3 cuối sân. Việc áp sát tầm cao ngày một phổ biến và các đội đều có thiên hướng dâng cao nhiều hơn trước. Phân tích cho thấy việc dâng cao đội hình ở Premier League đã tăng từ 8% lên 18% trong giai đoạn từ 2012/21.
Bóng đá châu Âu, hơn bao giờ hết, nên tận dụng những đường chọc khe để khai thác khoảng trống mà các hàng thủ để lộ ra trong các hiệp đấu. Nhưng bóng đá hoạt động theo một chu kỳ nhất đinh. Khi các đội bóng và các cầu thủ đã thích nghi với bối cảnh hiện tại, sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ chứng kiến những đường chọc khe trở lại.