Rashford bước vào mùa giải mới từ sương mù. Mùa giải trước chính là mùa giải tệ nhất của anh kể từ khi ra mắt đội một của Man United. Mùa giải ấy bắt đầu trong bão giông, sau khi Rashford đá hỏng quả penalty trong trận chung kết EURO 2020 với Italia và vì thế bị không ít CĐV quá khích kỳ thị chủng tộc. Đã vậy, anh lại còn bắt đầu mùa giải chậm hơn, và thiếu chuẩn bị hơn, so với các đồng đội khi quyết định lên bàn mổ để giải quyết dứt điểm chấn thương vai. Khi Rashford trở lại, Man United đã bắt đầu đi vào vòng xoáy khủng hoảng.
Tới tháng 1/2022, Rashford mới ghi được bàn thắng đầu tiên ở Premier League 2021/22. Từ đó tới cuối mùa, anh cũng chỉ ghi thêm được 3 bàn. Nghĩa là số bàn thắng của tiền đạo người Anh chỉ nhiều hơn số HLV mà anh làm việc cùng ở Premier League mùa trước (3) có một đơn vị. Từ mùa Xuân đã bắt đầu rộ lên thông tin Rashford muốn ra đi, sau khi anh từ chối ký hợp đồng mới. Tới đầu mùa Hè thì ai cũng tin là anh sẽ đi thật, mà PSG là một trong những đích đến tiềm năng nhất.
Không hẳn là Rashford bước vào mùa giải mới và tưng bừng luôn. Anh và đội bóng cũng đã chạm tới những nốt trầm rất sâu, mà cụ thể là hai thất bại liên tiếp ở Premier League. Bản thân Rashford cũng chịu nhiều áp lực khi bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn trong thất bại trước Brighton ở vòng mở màn. Nhưng thay vì nghe theo lời các CĐV và loại bỏ Rashford, HLV Ten Hag làm ngược lại. Ông đặt anh vào trung tâm trong những pha tấn công của đội, sau khi cả phương án sử dụng số 9 ảo (Eriksen) lẫn số 9 xịn (Ronaldo) đều thất bại.
Đó là một bước ngoặt quan trọng, cho cả Rashford lẫn Man United. Từ trận gặp Liverpool, là trận đầu tiên Rashford xuất phát ở vị trí cao nhất trên hàng công thay vì lệch trái, tiền đạo người Anh đã ghi được thêm 3 bàn và có 2 pha kiến tạo. Việc được bố trí đá trung phong giúp Rashford có thể đe dọa khung thành của đối phương thường xuyên hơn. Mùa trước, anh chỉ có 22 cú sút sau 22 trận ở Premier League; còn mùa này đã có 15 cú sút chỉ sau 6 trận. Mùa trước, tổng số bàn thắng kỳ vọng của Rashford chỉ là 3. Mùa này, anh đã có 2,02. Không có cầu thủ nào chơi trên 100 phút có hiệu suất ghi bàn/kiến tạo cao như Rashford – cứ 87 phút anh lại đóng góp vào 1 bàn thắng của Quỷ đỏ.
Có ba lý do lớn đằng sau sự “hồi sinh” của Rashford. Đầu tiên và quan trọng nhất là niềm tin của HLV. Ông Ten Hag tin tưởng Rashford dù ngày ông tiếp quản đội bóng anh vẫn đang là một “mảnh hồn tan vỡ”. Bằng chứng là trong tất cả các trận đấu của M.U ở Premier League mùa này, Rashford đều thi đấu trên 80 phút. Trong số các cầu thủ Man United, Rashford chỉ thua Bruno Fernandes, Diogo Dalot và Christian Eriksen về số phút trên sân. Một lý do khác, như đã nói, là việc ông Ten Hag bố trí Rashford chơi gần trung lộ hơn. Quyết định này vừa có lợi cho Rashford, vừa có lợi cho Man United, khi mà so với các trung phong khác, Rashford sẵn sàng và hiệu quả hơn khi pressing.
Và cuối cùng là vấn đề thể lực. Không còn bị ám ảnh bởi chấn thương vai, lại có nhiều thời gian chuẩn bị, Rashford bước vào mùa giải mới trong tình trạng sung mãn nhất có thể. Với một tiền đạo có lối chơi dựa không ít vào thể chất như anh, đó thậm chí còn là một lý do mang tính sống còn.
Sống lại cơ hội dự World Cup
Không ít nguồn tin khẳng định Rashford và người đồng đội Jadon Sancho sẽ được tưởng thưởng cho phong độ tốt đã thể hiện từ đầu mùa bằng một suất lên đội tuyển Anh. Điều này cũng có nghĩa là bộ đôi đã bị bỏ rơi từ sau EURO 2020 sẽ có cơ hội quý báu và gần như là cuối cùng để chứng minh mình xứng đáng dự World Cup 2022.