“Thầy của những ông thầy”, “Ông tổ của Gengenpressing”, “Ánh sáng cuối đường hầm cho M.U”, rất nhiều mỹ từ đã được báo chí Anh dành cho Rangnick trong ngày ông cập bến Old Trafford để thay thế Ole Solskjaer bị sa thải. Thậm chí, nhiều người còn mơ tưởng Rangnick sẽ gieo mầm nền móng thành công cho M.U trong thời gian tại vị, trước khi rời đi, nhường lại ghế cho người thay ông dẫn dắt Quỷ đỏ vào Hè năm nay.
Nhưng tất cả đã nhầm. Nếu coi Romelu Lukaku là vụ “bom xịt” trong giới cầu thủ thì Rangnick cũng là quả “bom xịt” khác trong lăng kính là những HLV. Đã gần nửa năm tới Old Trafford, nhưng thời điểm này, nếu hỏi dấu ấn mà Rangnick tạo ra ở M.U là gì, thì câu trả lời là chẳng có gì cả.
Ở một số trận đấu đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Quỷ đỏ, Rangnick chủ động cho các học trò dâng cao đội hình chơi pressing. Đó là điều họ đã thể hiện ở hiệp 1 trận gặp Crystal Palace, trận ra mắt của Rangnick. Nhưng ngay sau đó, Rangnick nhận ra M.U không thể chơi pressing đồng bộ kiểu như Man City hay Liverpool. Điều này khiến các pha pressing quây bắt của họ mất đi hiệu quả.
Tới thời điểm hiện tại, cũng không thể cắt nghĩa rõ M.U của Rangnick đang theo phong cách nào? Pressing không phải, phòng ngự phản công kiểu Solsa cũng không đúng. Sự nhợt nhạt trong phong cách, không định hình rõ ràng được lối chơi của đội bóng, là thất bại lớn nhất của Rangnick ở Old Trafford.
Khả năng đọc trận đấu và đưa ra những điều chỉnh chiến thuật của Rangnick cũng có vấn đề. Ví dụ như ở trận thua Everton, không khó để nhận ra sự mờ nhạt của Jadon Sancho khi anh được bố trí đá hành lang phải trên hàng công. Chính điều này khiến M.U bị liệt một bên cánh. Không hiểu vì lý do gì mà mãi tới cuối hiệp 2, Rangnick mới có điều chỉnh là kéo Sancho sang bên cánh đối diện.
Từ khi Sancho được trả về cánh trái sở trường, cựu cầu thủ Dortmund chơi sinh động hơn hẳn và các đợt tấn công của M.U cũng vì thế mà sắc bén hơn. Nếu Rangnick điều chỉnh sớm hơn vị trí của Sancho thì biết đâu Quỷ đỏ sẽ tạo ra được bất ngờ.
Chưa hết, tại RB Leipzig trước đây, Rangnick được coi là người rất giỏi trong việc phát hiện ra những ngôi sao. Nhưng từ khi tới M.U, các học trò dưới sự chỉ đạo của Rangnick không ai chơi tốt hơn. Harry Maguire vẫn là nỗi thất vọng. Marcus Rashford càng đá càng khiến CĐV lo lắng nhiều hơn cho tương lai của tiền đạo này. Còn Wan-Bissaka chính xác là “quả tạ” bên hành lang phải.
Vậy thì Rangnick tài giỏi ở đâu? Sau này, khi rời ghế HLV M.U về với vai trò cố vấn, những tư vấn của Rangnick liệu có ai nghe? Bởi biết đâu người dẫn dắt Quỷ đỏ sau Rangnick sẽ nghĩ: “Ông giỏi thì vào mà chỉ đạo?!”.
M.U của Rangnick là tệ nhất
M.U chỉ thắng 8, hòa 6 và thua 3/17 trận đầu tiên ở Premier League dưới thời Rangnick. Đây là tỷ lệ chiến thắng thấp nhất của một HLV sau 17 trận đầu trong lịch sử M.U. Nói vậy để thấy, Quỷ đỏ thời Rangnick thực sự là một thảm hoạ.