Bắt đáy, đu đỉnh
Sự thay đổi về thứ hạng của Man United ở bảng F là phản ánh rõ ràng cho sự thất thường tới bất thường của họ. Kết thúc hiệp 1 trận đấu với Atalanta, Man United bị đẩy xuống cuối bảng sau khi để đối thủ dẫn trước 2 bàn. Nhưng đến khi kết thúc trận đấu, họ lại bật lên vị trí nhất bảng, sau khi ghi được tới 3 bàn trong hiệp 2. Với cục diện ở bảng F, nơi các đội có điểm số sàn sàn nhau, và đặc biệt là với những gì Man United thể hiện, tình trạng nhảy cóc giữa đáy và đỉnh này có lẽ còn xuất hiện nhiều lần trong phần còn lại của vòng bảng.
Thực ra, đây là hiện tượng hoàn toàn không có gì mới của Man United dưới thời HLV Solskjaer. Họ vẫn thường xuyên chơi những trận đấu rất hay sau những trận đấu rất tệ, và ngược lại. Họ có thể thắng thuyết phục những đối thủ lớn, nhưng lại thua ngớ ngẩn những “kẻ lót đường”. Không nói đâu xa, ngay ở vòng bảng Champions League mùa trước, Man United sau khi đè bẹp RB Leipzig, rồi thắng PSG ngay tại Paris đã để thua Istanbul Basaksehir, đội bóng mà các CĐV của họ còn chẳng đọc nổi tiếng, để rồi trượt dài và mất vé vào vòng knock-out.
Câu hỏi là tại sao Man United vẫn chơi thất thường như thế dù đây đã là năm thứ ba của Solskjaer trong vai trò HLV ở Old Trafford? Tất nhiên là có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là họ không thể kiểm soát được trận đấu, từ đó không thể kiểm soát nổi số phận của mình. Cụ thể hơn, Man United vẫn chưa tìm ra được một hệ thống thực sự ổn định, và bởi thế cả hai đầu sân của họ đều bị ảnh hưởng. Các tiền đạo mệt mỏi chờ đợi cơ hội, trong khi các hậu vệ lúc nào cũng phải căng mình trước những đợt tấn công vỗ mặt của đối phương. Sai sót là rất dễ xảy ra.
Cần một bộ mặt khác trước Liverpool
Có hai điểm sáng dễ thấy trong chiến thắng kịch tính của Man United trước Atalanta. Thứ nhất là điểm sáng về tinh thần. Nhìn cái cách các cầu thủ Man United, trong đó có cả Ronaldo, lao vào từng cuộc tranh chấp như thể đây là trận đấu cuối cùng của họ cho thấy tinh thần “không bao giờ nói không” được nuôi dưỡng từ thời Sir Alex của Quỷ đỏ vẫn còn đó. Quan trọng hơn, thái độ của các cầu thủ, nhất là các trụ cột, cho thấy Solskjaer vẫn được các học trò ủng hộ. Ông không “đánh mất phòng thay đồ” như những thông tin râm ran gần đây.
Điểm sáng thứ hai là chất lượng con người. Nhờ sở hữu những cầu thủ chất lượng trong đội hình, Man United vẫn có thể có được những kết quả tốt ngay cả khi hệ thống của họ vận hành không hiệu quả. Điều này chính là cơ sở cho hy vọng của các CĐV. Với những con người hiện tại, Man United sẽ có thể chơi hay đến thế nào nếu xây dựng được một hệ thống tốt? Tất nhiên, để trả lời được câu hỏi này là không dễ dàng. Mà cũng có thể câu trả lời chẳng bao giờ xuất hiện, khi Solskjaer vẫn còn là HLV của M.U.
Nhưng dù thế nào, Man United không thể mang bộ mặt đã thể hiện trước Atalanta để đối đầu Liverpool vào cuối tuần này. Đoàn quân của HLV Juergen Klopp đang thể hiện một phong độ hủy diệt, với hàng công có phong độ cực cao. Nếu hàng thủ Man United tiếp tục mắc những sai lầm ngớ ngẩn như trong các trận gần đây, họ đương nhiên sẽ bị trừng phạt. Nhưng cái khác của Liverpool với Villarreal hay Atalanta là họ sẽ không dễ dàng đánh mất sự kiểm soát sau khi dẫn bàn. Ngược lại, nếu Man United lại phải vùng lên theo kiểu một mất một còn, nguy cơ cao là họ sẽ tiếp tục phải nhận thêm những bàn thua.
Tất nhiên, cũng phải nói luôn là trước Liverpool, Man United sẽ không tiếp cận trận đấu theo cách họ đã làm ở giai đoạn đầu mùa vừa rồi. Man United nhiều khả năng sẽ lại chọn lùi sâu đội hình để phòng ngự và chờ cơ hội phản công. Khi đó, những vấn đề trong lối chơi của họ – khả năng pressing của các tiền đạo, chất lượng triển khai của các tiền vệ trung tâm, và sự tập trung của các hậu vệ – có thể được che giấu. Ngược lại, họ có thể phát huy tối đa điểm mạnh về tốc độ trong những tình huống chuyển trạng thái.
Chiếc tàu lượn của Ole sẽ vẫn lao nhanh, chỉ không biết là lên hay xuống…
Giải oan cho Bruno
Những trận gần đây, Bruno Fernandes chịu nhiều áp lực. Anh bị chê là tốn bóng, do có quá nhiều lần chuyền hỏng. Vấn đề là, Bruno chuyền hỏng bởi những đường chuyền của anh đều có độ rủi ro cao. Chỉ cần một đường chuyền thành công thôi là có thể thành bàn. Thực tế, trong 2 trận vừa qua, một mình Bruno đã tạo ra 17 cơ hội (8 trước Leicester, 9 trước Atalanta).
300. Pha lập công của Rashford là bàn thắng thứ 300 của Man United dưới thời Solskjaer trên mọi đấu trường. Rashford cũng là người ghi bàn đầu tiên.