Những người lãnh đạo Man United đã rất tinh tế trong việc bổ nhiệm Ralf Rangnick. Thậm chí là rất nuông chiều và lo lắng cho ông. Cụ thể, họ đã để 3 trận đấu “khó nhằn” của MU cho Michael Carrick cầm quân. Đấy là các trận gặp Villareal tại vòng bảng Champions League, gặp Chelsea và gặp Arsenal, trước khi chia tay Carrick và để chiếc ghế lại cho Rangnick. Khi đó lịch thi đấu mà Rangnick đối diện thật quá dễ thở, ở Champions League thì nhẹ nhàng gặp Young Boys, ở Premier League thì gặp toàn đối thủ ngoài nhóm Big Six. Nhưng bây giờ chúng ta nhìn lại thì ông đã làm được gì? Hòa Young Boys, Newcastle, Aston Villa, Southamton, Watford, thua Wolves, và bị Middlesbrough loại ở Cúp FA sau loạt “đấu súng”.
Nếu tính ra số điểm thì MU đã bị loại một đấu trường và mất đi 7/15 điểm tối đa với các đối thủ dưới cơ. Giả sử như MU toàn thắng các trận đấu đó, thì giờ họ đã đứng trên Chelsea và chắc suất trong Top 4. Cái giả sử này không phải “đếm cua trong lỗ”, mà có căn cứ vì chất lượng đội hình của MU cao hơn hẳn tất cả các đối thủ khác trong 3 tháng qua. MU đã cho Rangnick 3 tháng dễ thở, trước khi Man City cho họ hiểu thế nào là sự “tàn khốc cuộc đời”. Bây giờ đến lượt Tottenham “thử lửa” độ gân của ông thầy người Đức, trước khi Atletico Madrid gõ cửa ở vòng 1/8 Champions League. Liệu MU có tiếc những vòng đấu dễ thở vừa qua? Nơi họ chỉ toàn hòa, thua cùng những trận thắng 1-0 liên tiếp.
Đương nhiên ở phía tâm lý CĐV ưa chiến thắng, cái đáng tiếc của Rangnick chính là không tận dụng được tuần trăng mật với các đối thủ nhỏ của mình. Chúng ta luôn biết về tâm lý “thay tướng đổi vận”, và MU lại càng là đội có thói quen đó. Tuy nhiên, hãy nhớ cho “hiệu ứng” thì chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, hết cảm giác thăng hoa thì đội bóng sẽ quay lại thói quen cũ. Hãy nhớ cách Ole Gunnar Solskjaer đã thể hiện khi mới cầm quân. Liệu những người MU muốn đội bóng lại giống như vậy?
Bây giờ nhìn lại, chính cái cách hòa và thắng các trận 1-0 lại thể hiện rằng MU không ăn xổi, mà đang muốn xây dựng đội bóng với một lối chơi cần được định hình theo năm tháng. Nói chung là muốn nhanh thì cứ phải từ từ. Juergen Klopp xây dựng lối chơi ở Liverpool, Pep Guardiola xây dựng lối chơi ở Man City đều phải bỏ 1-2 năm đầu để kiện toàn nhân sự và lối chơi. Ngay cả Rangnick cũng thừa nhận: “Việc chơi pressing không phải là chuyện thích nghi mà là trong đội hình của bạn đang có những ai và họ chơi kiểu gì. Để làm chủ một lối chơi mới và một chiến thuật mới, điều đó không thể diễn ra chỉ sau vài tuần”.
Tóm lại, cứ nói cho đơn giản: “Thành Rome không thể xây xong trong một ngày!”