Hãy quay lại màn trình diễn của tiền đạo Uruguay từ khi vào sân. Ở pha chạm bóng đầu tiên trong vòng cấm, Nunez được hậu vệ Fulham dành tặng cho một món quà sau một pha phá bóng. Thế nhưng động tác xử lý chậm chạp và sau đó là đường chuyền dễ bị bắt bài của Nunez đã làm phí hoài một cơ hội trời cho của Liverpool. Bàn thắng của anh cũng lắm chuyện buồn cười để nói, ở tốc độ cao người hâm mộ dễ thốt lên về một bàn thắng đẹp tựa một cú ta-lông của Nunez.
Tuy nhiên, trong pha quay chậm thì hóa ra bàn thắng ấy được cộng hưởng khá nhiều của thần may mắn, cụ thể là hai hậu vệ của Fulham, đặc biệt là cú chạm bóng của trung vệ Tosin chính là tác nhân trực tiếp đưa bóng vào lưới. Quay lại một chút trước đó, Nunez cũng thực hiện pha đánh gót tương tự và … hụt. Ở bàn thắng thứ hai của Salah mà Nunez “kiến tạo” thì lại giống như “trời độ”. Đấy không phải là kiến tạo, mà là vô tình kiến tạo do lỗi xử lý bóng một của Nunez. Đối với dân phủi thì đấy gọi là “đỡ bóng văng xa 1 mét”. Thế nhưng tổng hòa hai yếu tố rất buồn cười đó lại, thì ta có một kết quả đáng để xoa tay mãn nguyện: màn ra mắt điểm 10 với 1 bàn, 1 kiến tạo. Còn gì trông mong hơn thế của một bom tấn trong ngày đầu xuất trận?
Với tiền đạo, thế là đủ rồi!
Vâng, đấy là điều chúng ta muốn nói đến. Thời thế thay đổi, chiến thuật thay đổi đã khiến chúng ta bị ám ảnh quá nhiều trong việc đòi hỏi tiền đạo thì phải kiến tạo, phải pressing, phải chạy chỗ, nhưng quên mất rằng trách nhiệm nguyên thủy của tiền đạo chính là ghi bàn. Đòi hỏi Darwin Nunez phải thế này thế nọ cũng giống như yêu cầu Ronaldo béo phải pressing vậy.
Nhắc đến điều này, HLV Ancelotti có hẳn một kỷ niệm đáng nhớ: “Khi Ronaldo gia nhập Milan tháng 1/2007, cậu ấy nặng 100 kg. Trước trận đầu tiên, tôi nói: ‘Tôi không thể cho cậu thi đấu. Cậu phải giảm cân trước’. Ronaldo đáp: ‘Ông muốn gì ở tôi trên sân? Ghi bàn hay chạy? Nếu muốn tôi chạy, cho tôi dự bị. Còn nếu muốn bàn thắng, cho tôi thi đấu’. Tôi cho Ronaldo vào sân. Cậu ta không chạy, nhưng ghi hai bàn”.
Đẳng cấp của “Người ngoài hành tinh” là một điều gì đó vĩnh cửu, là số 9 hay nhất mọi thời đại và là chuẩn mực của mọi số 9. Dẹp bỏ hết tất cả những đòi hỏi cần thiết của một cầu thủ. Khi Klopp mua Nunez về thì đương nhiên là để anh ghi bàn, chứ không phải để anh nhảy nhót với các thống kê. Và sau đó được an ủi bằng một câu “thảo mai” quen thuộc: “Tuy không ghi bàn, nhưng anh ấy đã đóng góp nhiều vào lối chơi chung.” Nếu cần điều đó, Liverpool đã có Roberto Firmino rồi.
Tóm lại, chúng ta thấy khó hiểu với Nunez là do thói quen xem bóng đá thời đại thống kê. Còn với cốt lõi của bóng đá, hãy vỗ tay cho ngày ra mắt ấn tượng của Nunez.