Đây là lần đầu tiên hai CLB xuất sắc nhất xứ sở sương mù là hai CLB xuất sắc nhất thế giới, được dẫn dắt bởi hai HLV vĩ đại nhất trong thế hệ của họ. Nhiều cổ động viên của Man United, Arsenal và Chelsea có thể sẽ không đồng tình với quan điểm này. Họ sẽ chỉ ra trong quá khứ, Man United của Sir Alex Ferguson và Arsenal của Arsene Wenger cũng tạo ra một tranh đấu “long trời lở đất”.
Luận điểm này không sai, song sẽ khách quan hơn nếu chúng ta lấy sự cạnh tranh ở Champions League làm thước đo. Arsenal là đối thủ khó chịu nhất của MU khi đoàn quân của Sir Alex hoàn tất “cú ăn 3” mùa 1998/99, vượt mặt Pháo thủ ở Premier League lẫn FA Cup. Dù vậy, sự ganh đua của họ chưa bao giờ kéo dài tại Champions League – sân chơi danh giá nhất châu lục cấp CLB, ngoại trừ trận bán kết ở mùa 2008/09. Thời điểm ấy, Arsenal đã không còn hùng mạnh như trước.
Tương tự, dù MU chạm trán Chelsea ở chung kết Champions League 2007/08, đó là Chelsea của Avram Grant chứ không phải Jose Mourinho. Đúng vậy, đây đều là hai đội bóng tuyệt vời. Chelsea đã hụt chức vô địch Ngoại hạng Anh với 2 điểm ít hơn Man United, trước khi gục ngã trước chính đối thủ trong trận chung kết Champions League dưới cơn mưa tầm tã tại Moscow. Thế nhưng, đáng tiếc đôi chút khi bên ngoài đường biên, Ferguson không còn so tài với Mourinho.
Chúng ta phải lật lại quá khứ xa hơn nữa để tìm kiếm một cặp kỳ phùng địch thủ như Man City và Liverpool hiện tại. Đó là cuộc so tài giữa Liverpool và Nottingham Forest vào cuối những năm 1970. Thời điểm ấy, hai CLB này có thể xem là hai CLB mạnh nhất nước Anh và châu Âu. Liverpool và Nottingham đã thay nhau vô địch giải hạng Nhất (tiền thân của Premier League) hoặc cúp C1 châu Âu (hoặc đăng quang cả hai giải) vào các năm 1977, 1978, 1979, 1980 và 1981. Bob Paisley và Brian Clough có lẽ cũng là hai chiến lược gia vĩ đại nhất trong quãng thời gian đó, song không có quá nhiều cách biệt giữa nhóm dẫn đầu và các ứng viên bám đuổi như ngày nay.
Người hâm mộ Man United sẽ nói rằng cho đến khi Man City vô địch được Champions League, việc họ thường xuyên góp mặt tại giải đấu này không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, Man City và Liverpool ngày nay còn đem đến giá trị nhiều hơn thế. Họ là một trong những CLB xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Anh, được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại, những người luôn đi trước tất cả. Pep Guardiola và Jurgen Klopp thậm chí có thể được phân biệt với những đồng nghiệp vĩ đại khác trong quá khứ, bởi họ đã nâng cao tiêu chuẩn về những gì cần thiết để vươn tới vinh quang chói lọi.
Hồi đầu mùa này, Chelsea trông như thể đã tạo ra cuộc đua tam mã tại Ngoại hạng Anh, nhưng đoàn quân của Thomas Tuchel đã hụt hơi vì không thể chịu đựng nổi áp lực không ngừng, đó là phải thắng nhiều trận nhất có thể để duy trì cuộc đua. Theo những cách riêng của mình, Guardiola và Klopp đã thay đổi, biến hóa lối chơi. Ảnh hưởng của Guardiola mở rộng ra toàn thế giới khi rất nhiều đội bóng cố gắng bắt chước phong cách của ông.
Trong khi đó, mọi giải đấu lớn ở châu Âu hiện nay đều có ít nhất một CLB học theo Klopp, đó là cố gắng giành lại quyền kiểm soát bóng ngay bên phần sân đối phương càng nhanh càng tốt. Mọi chiến lược gia mới nổi đều chọn cách của Guardiola hoặc Klopp. Đối với tất cả những người có tầm ảnh hưởng đến họ, dù là Johan Cruyff hay Arrigo Sacchi, Pep và Klopp đều sở hữu phong cách đặc biệt khó thể lẫn lộn.
Điều khiến cuộc tranh đấu giữa Man City và Liverpool trở nên khốc liệt hơn là sự thấu hiểu nhau của hai HLV, hai CLB. Ngoài ra, còn có sự khác biệt rõ ràng về triết lý trong cách hai đội bóng hoạt động và nhìn nhận. Liverpool luôn muốn thêm một chút những gì Man City có – số tiền rủng rỉnh để các cuộc đàm phán hợp đồng với những cầu thủ ngôi sao như Mohamed Salah không trở nên quá phức tạp. Trong khi đó, Man City muốn có thêm danh tiếng toàn cầu hay sở hữu ánh hào quang châu Âu như The Reds. Tất cả như những gia vị làm cuộc ganh đua giữa Man City và Liverpool trở nên gay cấn hơn.
Giờ đây, cả thế giới đang hướng về Etihad để dõi theo “trận chung kết” giữa Man City vs Liverpool tại Ngoại hạng Anh vào cuối tuần này.