Man City chi ra cả tỷ bảng nhằm nâng cấp, thay máu đội hình nhưng hoá ra, cũng là nhờ một thập niên đầu tư bài bản, quyết liệt và có trọng điểm ấy, Man City đang trở thành đơn vị kinh doanh bóng đá “độc lập”.
Tổng doanh thu của năm tài chính 2021 là 613 triệu bảng theo số liệu mới nhất (cao hơn doanh số 583 triệu bảng của Man United), tăng 43,21 triệu bảng so với cùng kỳ 2020. Sau khi trừ đi mọi chi phí, Man City vẫn lãi ra 41,7 triệu bảng – gần đủ để họ sở hữu chữ ký của Erling Haaland. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục sau 10 năm làm bóng đá của nhà Mansour, dù chưa nhiều nhưng vẫn là “rất nhiều” nếu nhìn vào bức tranh đầu tư bóng đá khắp thế giới.
Lại bóc tách trong 613 triệu bảng tổng doanh thu kia, có tới 309,4 triệu kiếm được từ các hợp đồng tài trợ thương mại, tăng 14% so với năm 2020 nhờ sự tham gia của 12 nhãn hàng và thương hiệu “hoàn toàn mới”, lần đầu hợp tác cùng Man City. Trọng yếu của câu chuyện nằm ở điểm này: Man City hoá ra đã là một thương hiệu bóng đá lớn dù họ chỉ mới chen chân vào nhóm elite trong trên dưới 10 năm, khi doanh thu thương mại chiếm tới 50% tổng doanh thu.
Không phải vô cớ mà tập đoàn tư vấn & định giá Brand Finance xếp hạng Man City là thương hiệu bóng đá lớn thứ hai toàn cầu, đứng sau duy nhất Real Madrid. Kỷ lục khai thác thương mại tại Anh trước đó thuộc về M.U chỉ là 279 triệu bảng năm 2019. Nói đơn giản và dễ hiểu, Man City là một thương hiệu được trao gửi niềm tin trong mắt các nhãn hàng khắp thế giới dù tuổi đời thể thao của họ còn rất bé nhỏ.
Người Anh từng có câu một câu kinh điển, rằng nếu ai đó muốn trở thành triệu phú, dễ nhất là trở thành tỷ phú, đi mua một CLB bóng đá Anh và túi tiền sẽ tự khắc giảm xuống khiến bạn thành triệu phú. Kinh doanh bóng đá là mảng đầu tư minh bạch nhưng nhiều rủi ro tài chính. Bởi lẽ ấy, nếu bỏ qua các yếu tố địa-chính trị trong đầu tư bóng đá, trường hợp nhà Mansour đầu tư cho Man City thường bị định kiến là “đốt tiền”.
Chỉ là, báo cáo tài chính không bao giờ nói dối. Việc Man City bắt đầu ăn nên làm ra nhờ bóng đá là có thật. “6 danh hiệu Premier League trong 10 năm, đi kèm là triết lý bóng đá cống hiến biến Man City thành lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn khi ngân sách quảng bá được phê duyệt hàng năm”, chủ tịch Khaldoon Al Mubarak tự tin chia sẻ. Man City mang tới niềm vui cho người hâm mộ, mang tới sự hứng khởi trong các fan trung lập và mang tới hình ảnh quảng bá đẳng cấp, sang trọng, quyến rũ với khách hàng.
Hơn một tỷ bảng được đổ vào TTCN để biến Man City thành một “đế chế”, một đế chế mà ở đó bóng đá là đầu vào, thành tích là kết quả và lợi nhuận là đầu ra. 10 năm tiêu tiền của giới chủ Ả-rập, rốt cuộc, đã tới ngày… kiếm tiền.