Tương lai của Gabriel Jesus ở Man City từng là một dấu hỏi lớn. Anh chỉ là một tiền đạo dự phòng, điều đó đã đủ tệ. Nhưng còn tệ hơn là anh đang chơi cho một đội bóng không có… tiền đạo. Đâu là lối thoát cho chàng trai người Brazil này?
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Trận cầu vàng: Tâm điểm Arsenal vs Chelsea
Có một điều rõ ràng là HLV Pep Guardiola không muốn sử dụng Jesus ở vị trí số 9, dù đó là số áo của anh. Ở trận đấu với Tottenham, khi Jesus vào sân trong hiệp 2, anh được bố trí chơi ở vị trí tiền đạo lệch trái. Tới trận gặp Norwich, vị trí số 9 (ảo) một lần nữa được trao cho Ferran Torres, và dù được ra sân ngay từ đầu, Jesus buộc phải chơi tiền đạo lệch phải. Trong thâm tâm, Jesus có lẽ vẫn muốn đá tiền đạo nhất. Nhưng nếu muốn tồn tại ở Man City, anh sẽ phải thích nghi.
Khách quan mà nói, Jesus trông rất thoải mái trong vai trò một cầu thủ đá cánh. Ở trận gặp Tottenham, ngay sau khi vào sân anh đã có một đường chuyền đẹp cho Grealish thoát xuống đối mặt với thủ môn của Spurs. Tới trận gặp Norwich, Jesus cũng chỉ mất có 7 phút để thông báo về sự hiện diện của mình. Sau pha thoát xuống phá bẫy việt vị thông minh, cú căng ngang như sút của anh khiến trung vệ của Norwich lúng túng phá bóng vào người thủ môn Tim Krul, người tự dưng bị tính là “phản lưới nhà”.
Những cú tạt tương tự của Jesus trở thành nỗi ám ảnh với hàng phòng ngự của Norwich. Và là vũ khí tấn công nguy hiểm nhất mà City có được ở trận này. Một bài bản tấn công mới đang được Man City phát triển. Jesus sẽ kéo căng hàng phòng ngự của Norwich, rồi di chuyển vào khoảng trống sau lưng hậu vệ trái của họ để nhận đường chọc khe từ Walker, người chiếm lĩnh hành lang trong. Theo cách này, Jesus đã kiến tạo 2 trong 3 bàn thắng tiếp theo của City, với những người được hưởng lợi lần lượt là Grealish và Sterling.
Jesus đã có thể có được một hat-trick kiến tạo ở trận này, nếu trọng tài không từ chối bàn thắng của Ferran Torres sau khi xem lại băng hình. Nhưng ngay cả khi không có pha kiến tạo ấy, Jesus cũng đã làm quá đủ để trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Trong 90 phút có mặt trên sân, Jesus chạm bóng tới 87 lần, có tỉ lệ chuyền bóng chính xác tới 93%, tạo ra ba cơ hội, hai trong đó là những cơ hội ngon ăn. Những thống kê, đặc biệt là thống kê về số lần chạm bóng và tỉ lệ chuyền bóng, thực sự khó tin với một cầu thủ chơi ở vị trí của Jesus.
Về lý thuyết, nếu Jesus quyết định phải khẳng định mình trong tư cách một cầu thủ chạy cánh, anh đang bước từ “chỗ sáng” sang “chỗ tối”. Ở Man City, vị trí trung phong hiện hầu như không có tính cạnh tranh, trong khi vị trí chạy cánh thì đang trong tình trạng khủng hoảng thừa. Nhưng đó có thể là quyết định khôn ngoan, mang tính bước ngoặt cho sự nghiệp của Jesus ở Etihad. Suy cho cùng, anh đã ở Manchester hơn 4 năm, nhưng đâu có khẳng định được mình ở vị trí trung phong. Việc Man City chuyển sang chơi số 9 ảo, rồi ráo riết săn Harry Kane, cho thấy HLV Guardiola cũng không nhìn thấy tương lai của đội bóng với Jesus trong vai trò số 9.
Thực tế, không phải tới mùa này Jesus mới đá cánh. Trận đấu nổi bật nhất của Jesus trong màu áo Man City cho tới thời điểm này là trận đấu mà anh cũng chơi ở cánh. Đó là khi Man City đánh bại Real với tỷ số 2-1 ở Etihad để giành quyền vào tứ kết Champions League 2019/20. Jesus, như anh nói, cũng từng đá cánh rất nhiều khi còn là một cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ anh xác định mình là một cầu thủ đá cánh. Bây giờ thì khác. Jesus sẽ thay đổi, và sự thay đổi ấy có thể mở ra cho anh một chân trời mới.
HLV Guardiola hài lòng
Phát biểu sau trận gặp Norwich, HLV Guardiola không tiếc lời khen ngợi Jesus. “Được làm việc với những người như Gabriel là một trong những lý do tôi trở thành HLV”, ông nói, “Anh ấy không bao giờ phàn nàn. Nếu anh ấy chỉ ra sân 5 phút, thì đó sẽ là 5 phút hay nhất mà anh ấy có thể chơi. Gabriel chưa bao giờ phàn nàn”.
132 – Trận đấu với Norwich là lần ra sân thứ 132 của Gabriel Jesus ở Premier League trong màu áo Man City. Trong số này, có 78 trận Jesus được đá chính, tức là tỷ lệ chưa được 60%.
Nội dung