Martinelli không phải là trường hợp duy nhất. Vào cuối tháng 8, Bukayo Saka chia sẻ rằng anh và HLV Arteta tin tưởng rằng anh sẽ sớm có một hợp đồng mới tại Emirates Stadium. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì xảy ra và CĐV của Arsenal vẫn phải tiếp tục lo lắng.
Vẫn còn khá nhiều cái tên khác đang ở tình thế tương tự. Wiliam Saliba đang đàm phán với CLB để gia hạn hợp đồng; Aaron Ramsdale đã bắt đầu thảo luận về các điều khoản sửa đổi để phù hợp với vị thế thủ môn số 1 của The Gunners.
Tình trạng dùng dằng này không chỉ diễn ra ở đội một. Arsenal dự kiến sẽ kích hoạt tùy chọn 2 năm đối với tiền vệ đầy triển vọng Charlie Patino trong tuần này bởi cầu thủ 19 tuổi sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối mùa giải năm nay. Về phía học viện, Arsenal phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ khác để giành chữ ký của những cầu thủ trẻ đầy triển vọng như Ethan Nwaneri và Myles Anthony Lewis-Skelly.
Những điều này khiến cho các CĐV phải tự hỏi: Vì sao Arsenal lại mất nhiều thời gian đến vậy? Nhiều người tin rằng Arsenal muốn giữ các cầu thủ tốt của họ và các cầu thủ đó cũng rất vui nếu được ở lại. Vậy lý do đến từ đâu?
Điều đầu tiên cần nói đến là CLB không đàm phán trực tiếp với cầu thủ. Martinelli có thể nói những gì anh thích với giới truyền thông, nhưng khi xét tới các chi tiết trong bản hợp đồng của chân sút 21 tuổi, người đại diện của Martinelli mới là người đối thoại với giám đốc thể thao Edu hoặc người đứng đầu các hoạt động bóng đá Richard Garlick.
Khi một hợp đồng quan trọng của một cầu thủ đội một được đàm phán lại, khả năng cao là sẽ cố một số cuộc trò chuyện trực tiếp giữa cầu thủ và người đại diện của CLB. Thông thường, cầu thủ đó sẽ gặp Arteta và/hoặc Edu để thảo luận về những gì vọng của họ và đánh giá thiện chí của CLB.
Đây là một phần quan trọng của quy trình. Tiền lương và thời hạn hợp đồng hiếm khi là điều tiên quyết trong những cuộc trò chuyện này. Khi cả CLB và cầu thủ đều mong muốn tiếp tục làm việc cùng nhau, cả hai bên sẵn sàng bỏ qua các vấn đề phát sinh để đi tới thỏa hiệp.
Nhiệm vụ của Arsenal làm cho mọi cầu thủ, ở mọi cấp độ, cảm thấy mình được ưu tiên. Đó là điều rất khó khăn, khi họ chỉ có hai lợi thế là thời gian và nguồn nhân lực. Một cử chỉ như để Nwaneri và Lewis-Skelly tập luyện cùng đội một giữa mùa giải có thể giúp ích rất nhiều, đặc biệt nếu như Arteta trực tiếp đưa ra chỉ thị.
Những cầu thủ ở đội một như Saka và Martinelli sẽ nhận thức rõ vị trí của họ trong kế hoạch của HLV, còn những cầu thủ khác cũng sẽ biết rằng họ cần phải có những màn trình diễn thuyết phục hơn để đảm bảo tương lai của họ tại CLB.
Khi những cuộc trò chuyện thân mật đó đã diễn ra, vẫn còn một chặng đường dài phía trước, ngay cả khi cầu thủ thể hiện rõ mong muốn ở lại. Các con số, điều khoản và chi tiết của hợp đồng vẫn còn chưa hoàn thành. Quá trình này sẽ được xử lý bởi đại diện của cầu thủ.
Công việc của người đại diện là mang lại cho cầu thủ thỏa thuận tốt nhất có thể. Nhiệm vụ của các nhân viên của Arsenal là giúp CLB được lợi tối đa. Mục tiêu khác nhau dẫn tới chiến thuật đàm phán khác nhau. Với những người làm việc trong giới bóng đá, đôi khi sự chậm trễ là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán.
Không bên nào muốn tỏ ra quá nhiệt tình, hay để lộ ra bản thân đã quá tuyệt vọng, hoặc quá hào hứng. Một vài lần không nghe điện thoại hoặc im lặng trước giới truyền thông có thể là cách phô diễn sức mạnh hiệu quả cho cả hai bên.
CLB càng cố gắng giữ chân cầu thủ bao nhiêu thì người đại diện cũng nỗ lực kiếm lợi cho cầu thủ của họ bấy nhiêu. Mỗi cầu thủ chỉ có một số lần đàm phán hợp đồng hữu hạn trong sự nghiệp của họ. Những điều này mang đến cơ hội lớn để người đại diện thể hiện giá trị của mình và thuyết phục cầu thủ rằng họ nên tiếp tục cộng tác với nhau. Người đại diện có quyền trì hoãn các cuộc đàm phán, kể cả khi điều đó khiến cầu thủ trở nên bất mãn.
Đối với một cầu thủ trẻ như Saliba, Arsenal muốn anh cam kết dài lâu với CLB, đồng nghĩa với việc họ phải trả thêm nhiều tiền. Đây là điều ngược lại với các cầu thủ lớn tuổi hơn, khi mục tiêu lớn nhất của họ là thời hạn hợp đồng chứ không phải mức lương cơ bản. Một trong những lý do khiến Saliba chưa gia hạn là Arsenal không đưa ra mức lương mà các đại diện của anh cho là tương xứng với số năm mà CLB muốn ràng buộc trung vệ người Pháp – và vì vậy các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.
Ngay cả khi các điều khoản cá nhân đã được thống nhất, vẫn có vấn đề nhức nhối về chi phí cho người đại diện. Không có gì lạ khi nhiều bản hợp đồng bị trì hoãn do CLB và người đại diện bàn bạc về tiền hoa hồng. Đây là một phần quan trọng không nên bỏ qua trong các cuộc đàm phán.
Có ý kiến cho rằng Arsenal nên nhanh chóng thực hiện những thương vụ này, nhưng có những yếu tố khiến họ phải cân nhắc. Trước hết, với một số trường hợp, chẳng hạn như hợp đồng của Martinelli có thời hạn đến năm 2024, nhưng Arsenal có tùy chọn kích hoạt thêm hai năm nữa.
Điều đó khiến cho việc ký mới với Martinelli vẫn chưa đến nỗi quá cấp bách, theo quan điểm của họ. Việc cấp thiết hơn là xét tới các hợp đồng của Saliba và Saka sẽ đáo hạn trước mốc thời gian đó. Dù vậy, Arsenal vẫn có thể dựa vào lịch chuyển nhượng để đưa ra quyết định. Các CLB không thể mất người ngoài tháng Giêng hoặc mùa hè, điều này có nghĩa là họ có thể kéo dài các cuộc đàm phán giữa hai mốc thời gian đó.
Bản chất của con người là làm việc theo thời hạn. Vào những ngày cuối cùng của hợp đồng, họ có thể tìm đến một bến đỗ mới chỉ sau vài giờ suy nghĩ, thay vì phải cân nhắc thật lâu như khi còn gắn bó dài hạn với câu lạc bộ chủ quản. Trên thực tế, cứ mỗi tuần mà một CLB trì hoãn việc tăng lương cho cầu thủ, thì đó là một tuần mà họ tiết kiệm được một khoản tiền. Nếu họ tự tin sẽ đạt được thỏa thuận với cầu thủ của mình, thì cứ trì hoãn nó thêm một chút, thay vì gấp rút hoàn thành và phải chịu tốn kém hơn.
Một nguyên nhân khác có thể làm chậm các cuộc đàm phán, đó là Martinelli, Saliba và Saka đều được chọn tham dự World Cup ở Qatar. Mặc dù điều này không nhất thiết tạo ra trở ngại cho các cuộc đàm phán – nhưng tất nhiên là không nên làm gián đoạn sự tập trung của các cầu thủ trong suốt giải đấu.
Những người đại diện cũng nhận thức được rằng các màn thể hiện tốt của các cầu thủ ở Qatar có thể đem về cho họ nhiều lợi thế hơn – giá của Saka được cho là đã tăng đáng kể sau World Cup 2022. Giờ thì các cầu thủ đã trở lại Arsenal và dự kiến các cuộc đàm phán sẽ được tăng tốc.
Có ba lĩnh vực cần chú tâm khi xây dựng đội ngũ chuyển nhượng: tuyển dụng cầu thủ, đàm phán hợp đồng và bán cầu thủ. Một số chuyên gia trong giới bóng đá đánh giá Arsenal đã chứng minh họ là nhà tuyển dụng hiệu quả, nhưng hai yếu tố còn lại thì vẫn còn phải cải thiện.
Việc đàm phán hợp đồng của Arsenal thường kéo dài hơn và gây ra nhiều bực bội hơn so với một số CLB khác ở Premier League. Lý do chính cho điều này là quy trình của đội bóng London: bất kỳ dự định đề nghị hợp đồng nào của Arsenal đều phải được sự chấp thuận của hội đồng quản trị trước khi đưa nó cho một cầu thủ hoặc người đại diện của họ.
Điều này mang lại những ý nghĩa tích cực bởi các lãnh đạo của Arsenal sẽ sát sao hơn với hoạt động kinh doanh của CLB. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho mọi thứ chậm lại, trong khi ở những CLB khác, các giám đốc điều hành được trao quyền nhiều hơn để ứng biến linh hoạt trên bàn đàm phán.
Không ai ở Arsenal có vẻ hoảng sợ, dù họ vẫn chưa thể ký mới với các cầu thủ trụ cột. Họ tự tin rằng các ngôi sao của đội một như Saka, Saliba, Martinelli và Ramsdale có đủ thiện chí để tiếp tục gắn bó với CLB, và bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra cũng sẽ là sự thỏa hiệp giữa nhu cầu của cầu thủ và tiêu chí của câu lạc bộ.
Nhưng World Cup đã kết thúc, thị trường chuyển nhượng gần như đã mở và đồng hồ đang kêu tích tắc. Người đại diện của cầu thủ vẫn sẽ lắng nghe những lời đề nghị của các đội bóng khác. Chừng nào những bản hợp đồng mới chưa được ký kết, những người hâm mộ Arsenal vẫn sẽ phải sống trong cảm giác lo lắng.