Sự ra đi của CR7 là kết quả sau hành trình dài mâu thuẫn với tân HLV Erik ten Hag. Điều khiến Ronaldo thất bại chính là anh đã để tính cách háo thắng trẻ con vượt quá sự tỉnh táo cần thiết. Ví dụ điển hình nhất là cách Ten Hag tung Ronaldo vào sân trong 2 phút cuối ở chiến thắng trước Tottenham. Trước khi nói về 2 chữ chuyên nghiệp, bạn hãy đặt mình vào trường hợp của Ronaldo để thấy được nỗi sỉ nhục này. Cái sai của Ronaldo là đã thể hiện ra ngoài, phản ứng gay gắt, và dễ dàng rơi vào cái bẫy mà Ten Hag giăng ra. Ronaldo đã thua, nhưng với những gì xảy ra hiện tại thì Ten Hag cũng không thắng.
Loại bỏ được Ronaldo, Ten Hag mạnh dạn đi tiếp bước thứ hai là đẩy David de Gea ra khỏi Old Trafford. Thủ thành Tây Ban Nha cũng như Ronaldo, là một tượng đài tại nơi đây. Nhưng Ten Hag thích học trò cưng thời Ajax Amsterdam là Andrea Onana hơn. Kết quả có gì đây? Tại Premier League, MU xếp thứ 6 nhưng thủng lưới 21 bàn, tạo ra hệ số -3 trở thành trò cười lớn trên mạng. Tại Champions League, Onana biến thành “Ohaha”, khi thủng lưới 14 bàn.
Theo thông số bàn thua dự kiến, Onana thực tế đáng lẽ chỉ thủng lưới 11,59 bàn. Nhưng sao? Anh đã vào lưới nhặt bóng 14 lần. Cần lưu ý là hàng công MU ghi 12 bàn. Bạn hiểu điều đó không? MU phải ở vị trí nhì bảng, ít ra phải có 10 điểm trong tay chứ không phải 4 điểm và hệ số -3 bàn như lúc này. Nếu MU bị loại ngay từ vòng bảng Champions League 2023/24 thì đấy là do Onana cả. Mà truy xuất nguồn gốc vấn đề, chính là việc Ten Hag không ký tiếp hợp đồng với De Gea.
Để thể hiện uy quyền, Ten Hag tước băng đội trưởng của Harry Maguire. Một mặt là xây dựng Bruno Fernandes thành cánh tay nối dài của ông trên sân, còn mặt kia là biến Maguire thành “dê tế thần”. Nhưng ma xui quỷ khiến làm sao, Bruno đeo lên tấm băng đội trưởng thì đá bóng như quỷ ám, hiệu suất giảm đột ngột, còn Maguire lại chơi hay đến bất ngờ, vững như tường đồng vách sắt, nhân cách đáng khen, ra dáng một đội trưởng chân chính.
Thật sự mọi thứ cứ như trêu người Ten Hag. Nhưng có thật là do Ten Hag xui xẻo? Không hề. Việc loại bỏ Ronaldo đã khiến Ten Hag ảo tưởng về bản thân, mất đi sự sáng suốt.
Đầu tiên, MU là một khối hỗn độn từ thượng tầng đến phòng thay đồ. Đa phần chiến thắng của MU đều mang tính nhất thời và cảm giác nhiều hơn tính hệ thống, mà Ten Hag thì chưa xây dựng được hệ thống. Thứ hai, Ten Hag độc đoán khi loại bỏ công thần mà quên rằng “thượng nghĩ sĩ” có vai trò trong việc kết nối. Cuối cùng, bản lý lịch của ông cũng chỉ hơn Ole Gunnar Solskjær và chưa chắc bằng David Moyes, nhưng sự mù quáng trong việc trưng dụng các trò cưng, độc tài trong việc loại bỏ công thần khiến nhầm tưởng mình đủ sức một tay che trời đã đẩy ông đến bước đường này.
Ten Hag giờ có lẽ đã hiểu thế nào là “gậy ông đập lưng ông”.