“Lép vế”, chuyện hoàn toàn có thật
Phải những ai trực tiếp theo dõi trận đấu giữa Inter và Liverpool mới hiểu hết được sự trưởng thành đáng kinh ngạc của đại diện Serie A. Họ chơi thứ bóng đá tự tin, chủ động và sáng tạo tới nỗi hết hiệp 1, tỷ lệ kiểm soát bóng của Inter là 56% – không quá vượt trội nhưng vẫn là cao hơn Liverpool! Cần biết rằng trong 3 năm, chỉ 3 lần Liverpool cầm bóng ít hơn đối thủ trước giờ nghỉ giải lao và Inter là đội thứ 4 làm được điều đó.
Hàng tiền vệ 3 người của Inter là “một cốc sinh tố đắt xắt ra miếng” như ví von của tờ Gazzetta dello Sport: Có cơ bắp (Vidal), có kỷ luật (Brozovic) và có đột biến (Calhanoglu). Chính nhờ yếu tố nhân sự hoàn toàn vượt trội (so với tương quan hàng tiền vệ của Liverpool) nên không khó hiểu khi các chỉ số chuyên môn của Inter hoàn toàn vượt trội.
Xét trong bối cảnh diễn biến trận đấu, Liverpool thua thiệt Inter ở những chỉ số đối đầu cá nhân. Họ chỉ thắng 11/32 pha tranh chấp tay đôi trên không, bị lấy bóng trong chân 27 lần và cũng chỉ có 9 pha đi bóng qua người thành công. Thật khó để tin rằng Liverpool bị áp đảo trước một đội bóng tới từ Serie A, nhưng Inter đã chứng minh, chuyện khó tin như thế vẫn có thể xảy ra.
Sự khôn ngoan của The Kop
Bây giờ, hãy nói về phương pháp tiếp cận và kết liễu đối thủ của Liverpool. Sự thật là Liverpool đã chơi một trận “có vẻ dưới cơ”, nhưng có một sự thật khác là họ giành chiến thắng chung cuộc. Chưa bàn tới khoảng thời gian 6 phút ngắn ngủi Liverpool ghi liên tiếp 2 bàn, thống kê về số pha dứt điểm của The Kop sẽ khiến nhiều người phải giật mình.
Họ dứt điểm 13 lần nhưng 8 trong số đó ra ngoài cầu môn, 3 bị chặn lại và chỉ 2 lần bóng hướng trúng khung thành của Handanovic. Điều đó có nghĩa, 2 pha dứt điểm trúng cầu môn của Liverpool đều được chuyển hoá thành bàn thắng.
Không còn hình ảnh Liverpool ào lên tấn công, áp đặt thế trận và dùng lối chơi “cậy sức”. HLV Juergen Klopp đã thể hiện một phương pháp trái ngược so với triết lý tổng lực vốn đã thành thương hiệu của ông. Liverpool đã chơi chậm hơn, điềm tĩnh hơn, không sử dụng quá nhiều các yếu tố thể lực và điền kinh trong trò chơi.
Thay vào đó, họ thi triển thứ bóng đá vốn thường thấy ở các HLV xuất thân từ môi trường… Calcio của Italia, thứ bóng đá khôn ngoan và thậm chí là mưu mẹo.
Cả hai bàn thắng của Liverpool đều tới từ hai món đặc sản mới được Klopp giới thiệu: Bóng chết và bóng hai. Cuối tuần qua, Liverpool đánh bại Burnley từ một tình huống bóng chết và tại Premier League, không đội bóng nào ghi bàn từ các pha bóng cố định nhiều hơn đội bóng vùng Merseyside.
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Liverpool theo OPTA thời điểm này là 2,4 bàn/trận và 1,86 bàn theo tỷ lệ này, được dự báo tới từ các pha bóng chết. Kỳ lạ và thú vị ở chỗ, các tiền đạo của Liverpool đều thuộc diện “chú lùn” với duy nhất Firmino có chiều cao hơn 1m80 (1m81) và trước Inter, khi bị theo kèm bởi hai người khổng lồ Bastoni và Skriniar, Firmino vẫn tìm thấy khoảng trống để lắc đầu.
Bóng hai cũng là một đặc sản khác. Tại Premier League, Liverpool đã ghi 9 bàn từ các tình huống bóng hai còn tại Champions League, thống kê là 4, bao gồm cả bàn thắng của Salah vào lưới Inter. OPTA chỉ ra cứ mỗi 6,8 tình huống đánh đầu ngược trở lại cho tuyến hai, Liverpool lại ghi được 1 bàn. Bóng bổng chưa từng là lợi thế của Liverpool nhưng mùa này, đó lại là con đường giúp họ đi tới chiến thắng.
Klopp từng thất bại trong 2 mùa giải cuối cùng ở Dortmund vì lối chơi hao tổn thể lực và nhiều khả năng, ông nhận ra đã tới lúc tìm hướng đi mới cho Liverpool sau 5 mùa cày ải liên tục với cường độ cao. Xem ra, thắng nhàn bây giờ mới là cao kế của Liverpool, như cái cách họ đánh bại Inter.