Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Milan đã trải qua cảm giác ngược dòng vĩ đại như cách Liverpool tạo ra tại Istanbul 14 năm về trước. Nhưng cuối cùng, đã không có phép màu nào xảy ra ở Anfield dù thực tế, Milan xứng đáng có 1 điểm sau những gì xảy ra.
Lịch thi đấu vòng bảng Champions League 2021/22
Kết quả bóng đá, BXH Champions League 2021/22
Cho tới trước thời điểm Ante Rebic ghi bàn gỡ hoà 1-1, Milan chịu sức ép vô cùng khủng khiếp. Họ chỉ có 2 pha dứt điểm và phải chịu tới 14 lần bắn pha khung thành từ các chân sút bên phía Liverpool. Milan cũng chẳng hề có bất kỳ pha phạt góc nào trong khi thống kê tương tự của Liverpool là… 10. Thế trận một trận chiều đã diễn ra tại Anfield trong suốt 41 phút, giữa một đội là ứng viên hàng đầu của Champions League trong 3 năm qua và một kẻ mới chập chững quay trở lại sân chơi danh giá nhất châu Âu sau 7 năm.
Rốt cuộc, Milan cũng thấu hiểu cảm giác “chịu đựng” của Liverpool 16 năm trước. Thú vị và đầy trớ trêu ở chỗ: Milan cũng học thuộc lòng công thức “trở về từ cõi chết” của Liverpool tại chung kết Champions League 2005. Ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất định, Milan đã vùng lên và suýt chút nữa tạo ra cuộc lật đổ vĩ đại tại nước Anh.
Phút 42, Rebic gỡ hoà và phút 44, Brahim Diaz nâng tỷ số lên 2-1. Ở Istanbul, hai bàn thắng của Gerrard và Smicer cách nhau đúng… 2 phút (phút 54 và phút 56), báo hiệu cho sự sụp đổ sau đó Milan phải hứng chịu và thậm chí, Milan còn sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Họ không cần đợi thêm 4 phút cho khoảng cách từ bàn thứ hai tới thứ ba như Liverpool ngày trước để làm rung mảnh lưới The Kop thêm lần nữa. Khi bóng mới lăn chưa được 60 giây sau giờ nghỉ giải lao, Simon Kjaer thấy tên mình trồi lên bảng điện tử trong giây lát, chuẩn bị ăn mừng rồi nhận ra bản thân đã rơi vào thế việt vị.
Nếu trọng tài công nhận bàn thắng đó, kết cục có lẽ đã xoay vần. Nếu tỷ số là 3-1 ngay đầu hiệp 2, Milan sẽ đẩy Liverpool vào trạng thái hoang mang và hỗn loạn như cái cách Rafael Benitez từng làm Carlo Ancelotti sốc nhiệt. Ancelotti năm đó từng nói nếu thua 1 bàn, 2 bàn liên tiếp, bạn vẫn đủ tỉnh tảo làm lại. Nhưng không một tập thể nào đủ sức gượng dậy khi thua 3 bàn liên tiếp trong vài phút ít ỏi, và lại càng không thể đứng lên khi nhận 3 bàn thua ấy với tư cách đội cửa trên. Trong khoảnh khắc, Milan và Liverpool hoán đổi thân xác nhưng kết quả chung cuộc lại vô cùng khác biệt. Không có màn ngược dòng thần thánh hay một bảng tỷ số gây náo loạn cõi mạng nào và chân lý vẫn thuộc về cửa mạnh.
Tựa đề “Cái gì không giết chết bạn sẽ càng khiến bạn mạnh mẽ hơn” rất đúng với trường hợp của Liverpool. Sau khi “chết hụt”, họ nhanh chóng tìm thấy DNA chiến thắng quen thuộc. Phút 48, Salah đưa trận đấu về vạch xuất phát và tới phút 69, Henderson đập tan mọi giấc mơ hão huyền của Milan bằng pha volley quyết đoán. Từ đó trở đi, Milan chiến đấu trong vô vọng. Phần còn lại của trận đấu không ghi nhận bất kỳ dấu ấn mang tính sát thương nào của Milan ngoài 3 pha dứt điểm “trời ơi đất hỡi”, hai trong số đó tìm tới thẳng… khán đài. Milan chỉ cầm bóng 33% trong 20 phút cuối trong bối cảnh họ mới là đội phải vùng lên tìm bàn gỡ. Không phải Milan không muốn, không phải Pioli không dám chơi đôi công. Chỉ là, Liverpool quá mạnh và đủ tỉnh táo, bản lĩnh và cả may mắn để tránh đi vào vết xe đổ của Milan ngày này năm xưa.
Milan tay trắng ra về, nhưng không có gì phải nuối tiếc. Kết quả phản ánh thế trận, trình độ và tương quan lực lượng hai bên. Nhưng đây là Champions League, nơi Milan và tất cả các CLB châu Âu đều muốn tận hưởng bầu không khí bóng đá đậm đặc mỗi dịp cuối tuần: Đủ tình tiết, đủ nắt thắt, đủ khúc cua của một bom tấn điện ảnh kiểu mẫu. Ngay sau khi Diaz ghi bàn, đạo diễn hình đã lia máy lên khán đài, bắt trọn cảnh một CĐV Milan trung tuổi ôm mặt khóc rưng rức như đứa trẻ. Đó là cảm giác chỉ Champions League mới có thể đem lại, và là báo hiệu của sức sống mới Milan đem tới, sau 7 năm dài mòn mỏi chờ đợi.