Học theo tiền bối
Từ nhiều năm nay, Real đã chơi trên sân Bernabeu chính là tên vị chủ tịch từng đặt nền móng giúp đại diện thủ đô Tây Ban Nha trở thành “siêu CLB”. Santiago Bernabeu có được vinh dự ấy đơn giản là vì công lao gây dựng Real của ông lớn tới mức không thể đong đếm.
Mọi chuyện bắt nguồn từ năm 1943, thời điểm chính phủ Tây Ban Nha buộc chủ tịch Barca và Real phải từ chức sau vụ ẩu đả kinh hoàng giữa CĐV 2 đội. Trở thành chủ tịch kế tiếp của Real, ông Bernabeu đã chèo lái đội bóng áo trắng suốt từ đó tới tận năm 1978.
Thời điểm ấy, Real đang gặp vô vàn khó khăn và thua xa những đội như Atletico, Barca và Athletic Bilbao về sức mạnh. Để cải thiện tình hình, vị chủ tịch mới của Real đã áp dụng hàng loạt những chính sách táo bạo. Đơn cử như việc ông cho xây mới SVĐ hay chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu đến từ khắp nơi trên thế giới (chẳng hạn như Di Stefano hay Puskas).
Bên cạnh đó, Bernabeu còn là người tiên phong trong việc khai sinh ra European Cup (Cúp C1) – giải đấu mà ban đầu LĐBĐ châu Âu (UEFA) cũng chối bỏ. Nên biết, để cúp C1 có thể ra đời vào năm 1955, Bernabeu đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Ông trở thành cái gai trong mắt UEFA trong suốt nhiều năm sau, nhưng điều đó cũng chẳng thể ngăn Real vĩ đại vô địch châu Âu hết lần này tới lần khác.
Không chịu thua kém Bernabeu, Perez hiện giờ cũng có những nước đi rất tương đồng. Để đảm bảo thành công bền vững cho Real, chính Perez đã tuyên bố ông chọn đúng con đường mà Bernabeu từng đi.
Thực tế đã chứng minh ông chủ “Nhà trắng” chẳng hề nói suông. Bằng chứng là ông đã mang về cho đội nhà những bản hợp đồng “bom tấn” như Zinedine Zidane hay Cristiano Ronaldo. Những cầu thủ đắt giá như Zizou và CR7 tuy tiêu tốn của Real bộn tiền, nhưng bù lại họ cũng giúp đội nhà thường xuyên thu về những kết quả tích cực, cả ở phương diện thể thao lẫn hình ảnh và kinh tế.
Không những vậy, Perez còn mạnh dạn nâng cấp cơ sở hạ tầng để Bernabeu trở thành SVĐ khang trang, hiện đại bậc nhất thế giới. Chưa hết, lúc này ông cũng đang nỗ lực nhằm hiện thực hóa tham vọng cho ra đời siêu giải đấu mang tên Super League. Nếu thành công, Perez cũng sáng lập được sân chơi mới giống hệt những gì mà Bernabeu từng làm.
Chiến công đầy quả cảm
Lúc này thực ra vẫn còn quá sớm để khẳng định Super League sẽ đi vào hoạt động, nhưng điều quan trọng là những cố gắng của Perez đã có được thành công bước đầu. Chí ít thì Tòa án công lý châu Âu (ECJ) mới đây đã ra phán quyết về việc FIFA và UEFA ngăn cản không cho Super League ra đời là bất hợp pháp.
Điều đáng nói ở đây là thành công bước đầu của Perez không tự nhiên mà có. Ngay từ khi hàng loạt “đồng minh” của Real lần lượt rút lui khỏi dự án Super League trước sức ép từ UEFA cũng như dư luận, Perez đã xác định sẽ chiến đấu đến cùng chứ không chịu bỏ cuộc.
Trong cuộc họp thường niên của Real được tổ chức vào ngày 20/11/2021, ông từng mạnh miệng đưa ra tuyên bố ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa: “Chúng ta cần phải hành động để nhắc cho UEFA biết Real là ai”. Đáp lại thông điệp của Perez, cả hội trường đã hưởng ứng nhiệt liệt và cùng nhau hô vang: “Chúng ta là ông vua ở châu Âu chứ không ai khác”.
Nói là làm, Perez chẳng những không rút lui mà còn đệ đơn lên ECJ để đòi công lý. Trong lúc vẫn đang chờ phán quyết từ tòa án châu Âu về vụ tổ chức Super League, Perez đã sớm tìm kiếm thêm các đôi tác sẵn sàng đứng chung chiến tuyến với đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Theo một số nguồn tin, ông chủ “Nhà trắng” đã đàm phán với khoảng 50 đến 60 CLB với mục tiêu đảm bảo Super League không thiếu khách mời nếu xin được giấy phép tổ chức.
Giống như Bernabeu trước đây, Perez chẳng ngại đối đầu với UEFA. Thế nên ông vẫn theo đuổi kế hoạch cho ra đời giải đấu mới đang là mối đe đọa với chính Champions League.
Đây chẳng phải là chuyện đơn giản bởi để Super League không “chết ngay từ trong trứng nước”, Perez sẵn sàng gạt bỏ sự thù địch với Barca sang một bên. Dù sao đi nữa thì Barca vẫn là đội bóng hiếm hoi gan lỳ đấu tranh với UEFA như Real. Ở La Liga, Barca cùng Real vẫn là đối thủ truyền kiếp, là đại kình địch mới gia tăng mối hiềm khích bởi vụ bê bối trọng tài “Caso Negreira”. Tuy nhiên, không vì thế mà cả 2 để chuyện đó ảnh hưởng xấu tới Super League.
Cũng cần phải nói thêm rằng, Perez phải rất dũng cảm và bản lĩnh thì mới không để cho UEFA dập tắt cơ hội chiến thắng. Ít nhất thì Real của ông cũng khác với Juventus, đội bóng mới rút lui khỏi dự án Super League hồi đầu năm nay do sợ bị UEFA cấm dự cúp châu Âu.
Có được vị chủ tịch nhiệt tình, dũng cảm và nhạy bén như Perez có thể nói là diễm phúc với Real. Với những gì đang diễn ra, khả năng cao là nhiệm kỳ làm chủ tịch Real của Perez sẽ được gia hạn chứ không kết thúc vào năm 2025. Giữ chân Perez càng lâu càng tốt chưa đủ, Real có lẽ còn nên tri ân vị chủ tịch đáng kính của mình bằng cách dựng hẳn tượng đài của ông ở Bernabeu mới xứng đáng.
“Lên đỉnh La Liga” ít hơn Bernabeu
Dưới thời Perez, Real cũng có 6 lần vô địch C1/Champions League giống như hồi đội bóng còn được điều hành bởi Bernabeu. Tuy nhiên, nếu xét về số lần “lên đỉnh” ở La Liga cùng Real thì chủ tịch đương thời của “Kền kền trắng” còn lâu mới theo kịp người đồng nhiệm đã lãnh đạo đội bóng trong suốt 35 năm. Thật vậy, trong khi Real của Bernabeu vô địch La Liga tới 16 lần thì con số này dưới thời Perez mới là 6.