Một đội bóng vô địch không thể thiếu bóng dáng của những tiền đạo sừng sỏ. Nhìn vào chiến tích “cú ăn ba” của Man City mùa vừa qua, cái bóng của quái nhân Erling Haaland lừng lững như một chiến thần. 52 bàn thắng sau 53 trận ở một mùa giải trên mọi đấu trường là một kỳ tích thật sự, bảo chứng cho tính tất nhiên của mọi danh hiệu.
Dù muốn biện minh “bóng đá là một môn thể thao tập thể” như thế nào, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận vai trò quá quan trọng của một tiền đạo xuất sắc ở một đội bóng. Karim Benzema tuy đã qua tuổi băm nhưng vẫn cứ là linh hồn của một tập thể Real Madrid thành công sau thời kỳ Cristiano Ronaldo biến mất. Những cú hat-trick siêu tưởng của Benzema ở liên tiếp các trận vòng loại knock-out Champions League chính là bệ phóng cho Real tới chức vô địch châu Âu 2021/22.
Ngay ở MU, chu kỳ vàng son của họ luôn gắn chặt với những chân sút thượng thừa. Cặp tiền đạo Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solkjaer đã tạo ra cú lội ngược dòng chung kết Champions League kinh điển trên sân Camp Nou.
Hàng loạt các chân sút khác Andy Cole, Đwight Yorke, Ruud van Nistelrooy, Ronaldo, Dimitar Berbatov, Carlos Tevez, Wayne Rooney đã giúp MU ngạo nghễ vượt qua mốc 18 chức vô địch Anh của Liverpool. Trái ngược với đó, kể từ khi MU không còn chân sút đẳng cấp nào, vinh quang cũng đã lánh xa họ.
Nói thế để thấy rằng, bao nhiêu năm qua, dù đã bỏ cả tỉ bảng mua quân, nhưng MU không tậu được chân sút nào cho ra hồn. Trong 10 năm qua, trên hàng công của MU chỉ là những trung phong hoặc hết đát như Rooney hoặc lạc lõng tại Premier League như Falcao, hoặc thuộc dạng cây vườn lá nhà như Marcus Rashford.
Suốt một thập kỷ, cứ khi kỳ chuyển nhượng đến, MU và các CĐV của họ lại đau đáu ngóng chờ màn giá lâm của một ngôi sao tấn công tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, chẳng có ai hết, ngoài những tiền đạo tiền năng mãi mãi không lớn hoặc đang thi đấu ở giải Trung Hoa Ngoại hạng.
Vì một lý do nào đó, các chân sút hàng đầu né MU như bò né. Sadio Mane lắc đầu, Harry Kane lắc đầu, Erling Haaland lắc đầu, Kylian Mbappe lắc đầu, Victor Osimhen lắc đầu. Hè này, MU cũng đã hỏi mua nhiều tiền đạo, nhưng có lẽ, họ cũng chẳng mua được ai cả.
Thế nên, mùa hè này, MU đành ngậm ngùi gia hạn hợp đồng với Marcus Rashford, biến đây thành cầu thủ nhận lương cao nhất nhì Premier League, cho dù số bàn thắng của anh chỉ bằng một nửa của Haaland.
Cũng dễ hiểu tại sao khi HLV Erik ten Hag sẽ phải chấp nhận một đội hình không tiền đạo ở mùa tới. Ông sẽ cố gắng tận dụng hết khả năng ghi bàn của Rashford, biến Jadon Sancho thành số 9 ảo, trông chờ vào khả năng ghi bàn của Bruno Fernandes và toàn bộ cầu thủ còn lại.
Nói một cách đơn giản, ông sẽ quyết định sử dụng “đàn bò khoẻ” để kéo cày thay “ trâu yếu”. Nhưng như chúng ta vẫn biết, chân lý các cụ nông dân nhà ta đã đúc kết là “yếu trâu còn hơn khoẻ bò”.
Chân sút thượng thừa có thể không ghi nhiều bàn thắng bằng tất cả các cầu thủ phi tiền đạo trong đội cộng lại, nhưng anh ta ghi bàn một cách đều đặn, ghi những bàn thắng đem về 3 điểm hoặc chức vô địch. Thế nhưng MU tìm đâu ra được tiền đạo như thế bây giò, đành không có trâu bắt bò cầy ruộng vậy.