Khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Tottenham và Man City vang lên, các cầu thủ đội chủ nhà đã nán lại trên sân để chúc mừng Kane. Ngay cả hậu vệ cánh phải vốn thường xuyên phải đối mặt với Kane cũng tới bắt tay anh nhằm thể hiện sự tôn trọng với đối thủ.
Thực tế, Kane rất xứng đáng nhận được sự tôn trọng bởi anh chính là nhân vật chính trong cuộc thư hùng đỉnh cao giữa Spurs và nhà ĐKVĐ Premier League. Ngay phút 15, Kane đã làm nổ tung cả cầu trường bằng cú đá quyết đoán đánh bại thủ thành Ederson mà trước đó không cần phải khống chế bóng.
Đó chỉ là 1 trong số 5 lần Kane uy hiếp khung thành Man City trong 90 phút. Trong số những cầu thủ góp mặt trên sân, trừ anh ra không còn ai tích cực oanh tạc cầu môn đến vậy.
Để thấy rõ hơn sự xuất sắc của Kane, chúng ta nên biết để có thể tung ra một cú dứt điểm trong những cuộc gặp “thượng đỉnh” không bao giờ là chuyện dễ dàng. Nếu không tin chuyện này, bạn hãy cứ hỏi Erling Haaland là chân sút cực kỳ nguy hiểm bên phía Man City đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới Premier League.
Tuy Haaland đang có nhiều hơn Kane tới 8 pha lập công ở sân chơi số 1 xứ sở sương mù mùa này (25 so với 17), song trước Tottenham cầu thủ cao lớn người Na Uy này gần như mất tăm mất tích. Thống kê cho thấy, suốt cả trận Haaland chỉ chạm bóng 28 lần và không tung ra nổi dù chỉ một cú dứt điểm.
Khác với Haaland thuộc mẫu “số 9” cổ điển chỉ cố gắng làm tốt nhiệm vụ duy nhất là ghi bàn, Kane có khả năng độc lập tác chiến và rất đa năng. Không chỉ giỏi chớp cơ hội, tiền đạo chủ lực của Tottenham còn là chuyên gia làm bóng và đóng góp nhiều vào lối chơi của toàn đội.
Với trường hợp của Haaland, nếu các vệ tinh xung quanh không tiếp đủ “đạn” thì anh cũng gần như vô hại. Trong khi đó, Kane trong trường hợp bị đối phương cô lập với đồng đội vẫn có thể tự tạo cơ hội cho mình.
Với cú dứt điểm làm tung lưới Man City, anh đã chính thức vượt qua Jimmy Greaves để trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử Tottenham (Kane có 277 bàn, hơn Greaves 1 đơn vị). Riêng tại Premier League, cầu thủ gắn bó với Tottenham suốt từ năm 2004 tới nay đã “nổ súng” 200 lần trong 300 trận.
Anh hiện chỉ kém người xếp thứ 2 trong danh sách các cây săn bàn hàng đầu tại giải Ngoại hạng Anh là Wayne Roonay có 8 pha lập công. Nên biết, Rooney và Kane đang chia sẻ vị trí cao nhất trong danh sách các cây săn bàn hàng đầu ở ĐT Anh (cùng 53 bàn). Do Rooney đã treo giày, sẽ là bất ngờ nếu thời gian tới Kane không thể vượt qua thành tích ghi bàn của cựu tiền đạo Man United cả ở Premier League lẫn ĐTQG.
Không chỉ “phả hơi nóng” vào gáy Rooney, Kane thậm chí còn có thể đe dọa cả kỷ lục của Alan Shearer, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử Premier League tính đến lúc này với 260 lần làm tung lưới đối phương sau 441 trận. Thực tế thì hiệu suất ghi bàn của Kane hiện giờ (0,66 bàn/trận) đang cao hơn so với Shearer (0,59). Chỉ cần duy trì hiệu suất “nhả đạn” như hiện nay, Kane sẽ cán mốc 290 bàn nếu cũng chơi số trận tương đương như Shearer (đã giải nghệ) ở Premier League.