Không phải ai cũng có thể ghi bàn quyết định trong trận chung kết Champions League, và Kai Havertz là một sự đảm bảo để người yêu Arsenal tin rằng mình có trong tay một nhà vô địch. Vậy nhưng “kỳ vọng lắm thì thất vọng nhiều”, phong độ của Kai đã chết đi cùng với sự điêu tàn của Chelsea trong mùa giải thảm họa dưới thời Graham Potter, và mặc dù được đứng trong tập thể có đầy nhiệt huyết như Arsenal, thì Kai Havertz vẫn cứ nhạt nhòa như ngày ở Chelsea. Anh không có bàn thắng hay kiến tạo nào sau 4 vòng đấu đã qua, thậm chí còn trở thành trò cười khi sút hụt bóng ở cự ly 3m trong trận đấu với MU.
Đương nhiên cũng như trường hợp MU mua Mason Mount, thì Arsenal mua Kai cũng là “mua lấy quá khứ” của hai tiền vệ này. Đáng tiếc thay, cả hai đội bóng áo đỏ đến thời điểm này đều chẳng thể nào “lấy lại quá khứ” cho cả Mount lẫn Havertz. Người hâm mộ rõ ràng nhận thấy sự ưu ái mà HLV Mikel Arteta dành cho Havertz.
Hơn một lần ông kêu gọi sự kiên nhẫn với học trò. Thậm chí ông còn đưa Kai xếp cạnh Declan Rice và Martin Odegaard để nói về “tính trôi chảy và sự hiểu nhau hơn” để giúp Arsenal đi đến những điều tích cực. Vậy nhưng trong khi Rice và Timber ít nhiều đã thể hiện được giá trị đồng tiền, thì Kai vẫn lạc lõng, anh không hòa nhập được với toàn bộ đồng đội, dù cho cơ hội được trao rất nhiều.
Nếu Kai Havertz sụp đổ, đây sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc. Cựu cầu thủ của Bayer Leverkusen được xem là một trong những tài năng lớn nhất mà nền bóng đá Đức sản sinh ra, từng là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Bundesliga ra mắt ở tuổi 17, và cũng là cầu thủ trẻ ưu tú nhất của LĐBĐ Đức. Anh được săn đón khắp nơi và buộc Chelsea bỏ ra cái giá kỷ lục 70 triệu bảng để mang chàng trai trẻ này về Stamford Bridge.
Mặc dù không quá nổi bật, nhưng Kai thể hiện được một phẩm chất đặc biệt là tỏa sáng, ghi bàn trong các trận cầu lớn. Đây là một phẩm chất chỉ có ở các Quả Bóng Vàng tương lai. Cùng với đó là dáng hình mảnh khảnh, khuôn mặt ưa nhìn và lối chơi có chút gì đó tài hoa lười biếng giúp Kai Havertz trở thành một thần tượng mới của nhiều người trẻ.
Tuy nhiên, dù anh có đẹp bao nhiêu mà nhạt nhòa theo từng năm thì sự yêu thương cũng biến thành nỗi tai ương ở nơi không có sự kiên nhẫn như bóng đá đỉnh cao. Kết cục trong vài năm trở lại đây, Kai Havertz dần dần mất đi chỗ đứng trong đội hình lẫn cả vị trí trong lòng fan hâm mộ.
Ngày Kai Havertz đến Ngoại Hạng Anh, có một câu chuyện nhỏ, chính xác hơn là một lời cảnh báo của truyền thông xứ sương mù khi phát hiện ra cầu thủ người Đức rất lười tập gym. Người ta tin rằng đây sẽ là điểm chết của thiên tài bóng đá này. Kết cục mọi thứ đúng như lời cảnh báo ngày ấy. Premier League quá tàn nhẫn và không có chỗ cho người lười biếng.
Kai Havertz, thay đổi đi vì thời gian không chờ đợi anh nữa đâu.