Rất có thể, các vấn đề lớn hơn, khiến HLV Thomas Tuchel cũng như Chelsea nói chung phải nghĩ nhiều hơn về Romelu Lukaku, là ở tương lai chứ không phải trong lúc này.
Ngay bây giờ thì quá rõ ràng: Lukaku chẳng những là con số 0 to tướng, mà còn là cầu thủ “nguy hại”, có thể kéo lùi toàn đội – không vứt đi được thì thôi, sao lại sử dụng!
Ví dụ về chỗ “nguy hại” của Lukaku: kể cả khi anh đứng ở vị trí thuận lợi, đồng đội cũng chẳng dám chuyền bóng. Họ thà chuyền cho cầu thủ khác, ở vị trí xa hơn, hoàn cảnh khó khăn hơn, nhưng pha tấn công có thể tiếp tục phát triển.
Đấy là thực tế, là cách chơi bóng có suy nghĩ, chứ không ai ghét bỏ Lukaku. Trong khi hàng công Chelsea sẽ phải chơi bóng một cách khó khăn hơn, thì hàng thủ đối phương lại dễ dàng hơn hẳn khi “được” đối đầu với Lukaku trên sân.
Giới quan sát hay người trong cuộc đều đã thấy rõ sự thật lành lùng như vậy. Khi Tuchel kêu gọi mọi người đừng nhắc đến con số “7 lần chạm bóng” của Lukaku, thì ông không chỉ dập tắt một sự cười cợt ngoài lề.
Ông còn cố né tránh một đề tài chuyên môn, vốn là bài toán hóc búa của chính mình. Và ở đây, chúng ta còn chưa bàn về vấn đề tinh thần, tâm lý, trách nhiệm…
Việc Tuchel xếp Kai Havertz vào vị trí “số 9” trong đội hình, vốn thuộc về Lukaku, không nhất thiết cứ phải là lẽ đương nhiên.
Bóng đá không bao giờ là như vậy. Và suy cho cùng, mọi chi tiết liên quan đến chiến thuật của cả đôi bên trước một trận chung kết luôn là điều quan trọng phải được HLV trưởng giữ kín trước giờ bóng lăn.
Không riêng gì Havertz, bất cứ cầu thủ nào thi đấu trong vai trò nào, thuộc sơ đồ chiến thuật nào… đều thuộc về toàn tính riêng của nhà cầm quân. Giới bình luận nói sao cũng được, miễn họ đừng quên cái giới hạn cuối cùng: đừng xem chính mình là HLV trong cuộc.
Trên nguyên tắc, nếu như Havertz đá chính, còn Lukaku ngồi ngoài, thì đấy là điều hợp lý. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Dùng Havertz ở vị trí nào, như thế nào, và hệ lụy là các cầu thủ xung quanh sẽ chơi như thế nào, đấy mới là những điều quan trọng, hóc búa hơn hẳn.
Cần lưu ý: đối thủ của Chelsea kỳ này là Liverpool chứ không phải Lille. Và đây là trận chung kết League Cup, không phải chỉ là trận lượt đi vòng 1/8 của Champions League.
Kai Havertz từng là bản hợp đồng đắt giá nhất của Chelsea. Và trước khi bị Lukaku qua mặt, thì bản thân Havertz cũng gây thất vọng chẳng kém gì Lukaku. Vậy, vấn đề ở đây có thể là tâm lý, tinh thần, áp lực…?
Bây giờ, Havertz đã là người hùng gắn liền với các bàn thắng lịch sử của Chelsea. Nhưng quanh năm, đội này cần một cây làm bàn ổn định ở đấu trường Premier League, chứ đâu phải bao giờ Chelsea cũng đá chung kết.
Nói về sự ổn định, về số bàn thắng cụ thể trong cả một giai đoạn dài, thì Havertz vẫn… chưa là gì. Tố chất ghi bàn là điều gì đấy, vẫn còn khá mơ hồ, nơi Havertz.
Điều này có liên quan đến vai trò, lối chơi, chiến thuật toàn đội hay không, thì đấy hẳn nhiên là việc của Tuchel. Người ta không chỉ chờ xem Havertz đá chính, mà còn đang chờ trận chung kết League Cup để xem: Kai đá chính, rồi sao nữa!
Bạn quan tâm đến… Havertz nào?
Kai Havertz chỉ mới ghi được 2 bàn trong 17 lần xuất hiện ở Premier League mùa này. Từ khi gia nhập Chelsea trong mùa hè năm ngoái, anh cũng chỉ ghi tổng cộng 6 bàn trong 44 trận ở Premier League. Nhưng Havertz ghi được bàn thắng duy nhất giúp Chelsea đánh bại Man City trong trận chung kết Champions League mùa trước. Gần đây, anh cũng ghi bàn quyết định (từ chấm phạt đền), giúp Chelsea thắng Palmeiras trong trận chung kết FIFA Club World Cup.