Inter đã chia tay kỷ nguyên Romelu Lukaku để bước sang kỷ nguyên Edin Dzeko một cách lặng lẽ và “trái luật”, nhưng lại đẹp đẽ hơn và cũng ẩn chứa nhiều hy vọng. Thậm chí trong ngắn hạn, giai đoạn với Dzeko còn có thể đẹp đẽ hơn 2 năm đã qua với Lukaku.
Lịch thi đấu Serie A 2021/2022
Bảng xếp hạng Serie A 2020/2021
Sở dĩ nói màn ra mắt của Dzeko trong trận giao hữu thắng Dinamo Kiev là “trái luật” vì trên lý thuyết, tiền đạo người Bosnia vẫn chưa thuộc biên chế của Inter. Khi ra sân, anh vẫn là cầu thủ của Roma, khi chưa giải quyết xong thủ tục chấm dứt hợp đồng với đội bóng cũ. Dzeko đã cầm áo Inter và có lễ ra mắt giản dị ở đại bản doanh đội bóng, cũng như lên Inter TV trả lời phỏng vấn kênh truyền thông đội nhà. Nhưng phải sau trận hôm qua anh mới chính thức chia tay Roma với việc nhận 300.000 euro tiền bồi thường hợp đồng, giảm một nửa so với mức mà cầu thủ 35 tuổi này yêu cầu.
Việc chấp nhận ra sân theo cách này cùng với cái gật đầu cho một mức lương thấp hơn hẳn ở Inter cho thấy, Dzeko thật sự muốn thử thách này cũng như nhận thức được rằng, anh đã đi đến bến cuối sự nghiệp. Nhưng màn ra mắt giản dị tự nó vẫn lóe lên ánh sáng đẹp đẽ của những bàn thắng, những pha phối hợp và niềm hy vọng ngắn hạn với anh. Bàn mở tỉ số của Inter được thực hiện có dấu giày của chân sút này, pha phối hợp mãn nhãn với 3 cú đánh gót của Nicolo Barella, Edin Dzeko, Stefano Sensi, khởi đầu từ chân Ivan Perisic và kết thúc bởi cú sút của Barella.
Nó là một tình huống khai sinh thời kỳ Simone Inzaghi, một pha tổ chức phối hợp ngắn ngay trước vòng cấm đối phương với sự tham gia của cả ba tuyến, loại pha bóng rất ít thấy dưới thời người tiền nhiệm Antonio Conte. Với Conte thường thì chỉ Lukaku đập nhả với Lautaro Martinez và chân sút người Bỉ dùng sức càn lướt để tạo khoảng trống cho các vệ tinh. Nhưng với Dzeko, cả ba tuyến đều tham gia, các đường chuyền là “chất dẫn” thay thế sức mạnh của tiền đạo người Bỉ.
Ngoài tình huống này, Inter còn thực hiện được một bài đập nhả rất hay nữa ở hiệp 2, khi Sensi bỏ bóng tinh tế cho Hakan Calhanoglu, tiếc là cú đá của tiền vệ người Thổ Nhĩ Kỳ không vượt qua được chân hậu vệ đối phương. Bàn thứ 3 của Sensi cũng là một pha tổ chức bóng ngắn. Lần này hơi khác khi Sensi độc diễn trong vòng cấm, nhưng ý tưởng thì đồng nhất, và đây lại là một pha bóng nữa cho các CĐV Inter nhận ra rằng đội bóng của họ đã bước vào một chu kỳ mới.
Bản thân Dzeko cũng chơi ấn tượng với một bàn thắng ở phút 33. Nó cũng là phản công với bóng dài kiểu Conte hay dùng với Lukaku, nhưng Dzeko không dùng sức mạnh mà lấy cái chân phải gạt quả bóng rất khéo để đi qua thủ môn đối phương. Tình huống xử lý cũng coi như khởi đầu kỷ nguyên Dzeko ở Inter thay thế Lukaku. Chân sút 35 tuổi ghi dấu ấn lên Inter ngay khi còn là cầu thủ… Roma. Thậm chí, anh còn có thể tỏa sáng sớm hơn, nếu cú đệm bóng phút 18 không đi vọt xà.
Giờ thì CĐV Inter còn “khóc thương” Lukaku làm gì nữa khi đội bóng của họ đã trở nên mới mẻ và cũng đáng chờ đợi ở mùa giải tới. Dzeko là một sự thất vọng ghê gớm về mặt dài hạn so với Lukaku, nhưng nếu chỉ 1 năm tới đây để cầm cự như ý đồ ban đầu thì sẽ không quá tệ. Chân sút người Bosnia có thể ghi bàn đều đặn khi là người duy nhất từng cán mốc 50 bàn ở 3/5 giải VĐQG hàng đầu là Anh, Đức, Italia. So với Lukaku, anh cũng ở đẳng cấp cao hơn trong những trận knock-out sống còn tại Champions League.
Dzeko sẽ tỏa sáng ở Champions League?
So với Lukaku, Dzeko hơn hẳn ở thành tích tại Champions League. Anh đã từng vào tới bán kết và ghi bàn khi Roma gặp Liverpool mùa 2017/18 cũng như thường xuyên ghi bàn trong các trận khó vòng knock-out giải này. Trong khi đó, Lukaku chỉ vào tối đa đến tứ kết và mới ghi 3 bàn trong các trận đấu loại Champions League, đều ở vòng 1/8, đều trong màu áo Man United (gặp Sevilla mùa 2017/18 và PSG mùa 2018/19).
2 – Hợp đồng với Edin Dzeko đã chính thức được chốt. Tiền đạo này sẽ mặc áo số 9 ở Inter, nhận lương 5 triệu euro/năm và ký hợp đồng có thời hạn 2 năm.