Chúng ta vẫn coi sự hiện diện của Ibrahimovic là điều hiển nhiên: anh chuyển tới một CLB, thống trị hàng công của đội bóng và ghi bàn như một thói quen – những gì anh đang trình diễn ở Milan là cực kỳ khó tin và là trường hợp độc nhất vô nhị trong bóng đá hiện đại.
Ibrahimovic lớn tuổi hơn Nemanja Vidic, Joe Cole và Michael Essien, những danh thủ giờ đây đều đã giải nghệ. Anh cũng lớn tuổi hơn Mikel Arteta, người đang là quản lý của Arsenal gần 2 năm nay. Cựu đồng đội Wayne Rooney kém anh 4 tuổi hiện đang dẫn dắt Derby County ở Championship.
Việc một cầu thủ nổi tiếng tiếp tục chơi bóng sau sinh nhật lần thứ 40 không phải là điều chưa từng xuất hiện, đặc biệt là ở Italia. 21 cầu thủ đã thi đấu tại Serie A ở tuổi 40, mặc dù trong số đó có 13 thủ môn, và 2 cầu thủ thi đấu trong thập niên 1940 và 1950, thời mà yêu cầu thể lực chưa khắc nghiệt như bóng đá hiện đại.
Nhưng ít ai sánh được với Ibrahimovic ở độ tuổi này, kể cả một vài danh thủ lừng lẫy nhất tại châu Âu từ trước đến nay. Francesco Totti chạm mốc 40 vào tháng 9 năm 2016 và cống hiến toàn bộ sự nghiệp cho AS Roma. Nhưng sau sinh nhật lần thứ 40, anh chỉ đá chính ở Europa League và Coppa Italia, còn ở Serie A, Totti đóng vai trò siêu dự bị với thời gian trung bình 16 phút xuất hiện trên sân mỗi trận trong số 17 lần vào thay người.
Ở Premier League, Ryan Giggs cũng làm được điều tương tự ở Man United. Huyền thoại người xứ Wales bước sang tuổi 40 vào tháng 11 năm 2013, nhưng chỉ có thêm 4 lần ra sân ở Premier League trước khi mùa giải kết thúc và trở thành trợ lý của HLV Louis Van Gaal.
“Cây trường sinh” Javier Zanetti thì bước sang tuổi 40 vào tháng 8 năm 2013 và chơi thêm 4 trận ở Serie A cho Inter trước khi giải nghệ. Paolo Maldini thậm chí còn bền bỉ hơn hai đồng nghiệp nói trên. Anh vẫn tiếp tục chơi bóng sau khi chạm mốc 40, đá chính 30 trận ở Serie A trong mùa giải cuối cùng tại AC Milan vào mùa 2008/09.
Nhưng giữa những cầu thủ này – Totti, Giggs, Maldini hoặc Alessandro Costacurta – có một điểm chung là họ đã thi đấu chỉ cho duy nhất một CLB trong suốt sự nghiệp – hoặc với trường hợp của Zanetti là trong 19 năm.
Họ trở thành một phần của lịch sử CLB, là những người cận vệ già đáng tin cậy, gần như không bao giờ gây ra rắc rối và truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi. Không HLV nào lại muốn nói với một huyền thoại của đội bóng rằng anh ta không còn hữu dụng nữa và hãy dừng lại đi thôi? Việc họ tiếp tục đồng hành với CLB gần như đã trở thành một giá trị truyền thống không thể thay thế.
Ibrahimovic thì khác. Dù chỉ mới trở về Milan một lần nữa vào tháng 12 năm 2019 sau 7 năm rưỡi rời xa nước Ý, thay vì chấp nhận làm kép phụ, một người cựu binh đáng tin cậy đóng vai trò là một kế hoạch B, Ibrahimovic đã tỏa sáng theo cách không ai ngờ đến.
Anh đã truyền lửa cho Milan ngoài sân cỏ và là đầu tàu của đội bóng áo sọc Đỏ Đen trong mọi trận đấu anh góp mặt. “Đó là một đặc ân”, HLV Stefano Pioli thốt lên. “Ibra đã tạo ra một cú sốc và nguồn năng lượng mà Milan không có.”
Thật vậy, dù chấn thương cản trở sự góp mặt của Zlatan trong một số giai đoạn, nhưng kể từ khi tái gia nhập Milan, cầu thủ người Thụy Điển đã chơi gần như trọn vẹn mùa giải, ra sân 38 trận và ghi tới 26 bàn thắng (chỉ có 5 trong số đó là các quả đá phạt đền). Đó là một thành tích ghi bàn rất đáng nể đối với một cầu thủ ở bất kỳ độ tuổi nào, chứ đừng nói tới một “ông lão” đã 38-39 tuổi như Ibra.
Milan đã không giành được danh hiệu nào trong suốt một thập kỷ – kể từ lần đầu tiên Ibrahimovic khoác áo CLB này và được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất của Serie A. Nhưng ở mùa trước, Ibra vẫn tỏa sáng với 12 pha lập công và cùng với Milan có một giải được coi là thành công khi nằm trong Top 4, giành vé dự Champions League 2021/22.
Suốt những năm tháng không có Ibra, Milan không chỉ đơn giản là trắng tay về mặt danh hiệu. Họ thậm chí còn không thể thu hẹp khoảng cách về trình độ với các đội bóng trong tốp đầu. Milan chỉ loanh quanh ở khu vực từ thứ ba cho đến thứ mười trên BXH, đem đến cho các CĐV những màn trình diễn nhạt nhòa và chẳng gợi lên chút nào hình bóng của nhà vô địch từng thống trị Italia và châu Âu.
Ở Serie A 2019/20, Milan ngụp lặn ở vị trí thứ 11 sau 17 trận đã đấu. Ibra trở lại và thay đổi tình trạng đó ngay lập tức. Trong phần còn lại của mùa giải, Milan-có-Ibrahimovic thu về số điểm nhiều thứ hai ở Serie A và lọt vào top 6 trước khi cán đích ở vị trí thứ hai ở mùa giải trước.
Tác động mà Ibra tạo ra có thể được so sánh với Bruno Fernandes ở Man United, người trẻ hơn anh 13 tuổi. Toàn bộ CLB đều cảm thấy sự khác biệt. Như người đồng đội Ante Rebic chia sẻ: “Chúng tôi có một thủ lĩnh trên băng ghế chỉ đạo là huấn luyện viên Pioli và một thủ lĩnh khác trên sân là Zlatan Ibrahimovic”.
Có cảm giác như thế giới bóng đá luôn phân biệt đối xử với Ibrahimovic, theo cách chưa từng xảy ra với Totti, Giggs hay Maldini. Phần lớn các bài đăng trên tài khoản xã hội công khai của Ibra trong những năm gần đây được biên tập bởi đội ngũ truyền thông của anh. Nhìn vào đó, Ibrahimovic chẳng khác nào một Chuck Norris lúc nào cũng rắn rỏi, mạnh mẽ của làng túc cầu.
Nhưng thật sai lầm nếu nhìn nhận Ibrahimovic theo cách này. Các đồng đội của anh đã nói về tầm ảnh hưởng của Ibra trong phòng thay đồ, về phẩm chất lãnh đạo đáng kinh ngạc của Ibra. Niềm tin vào bản thân của Ibrahimovic là một nguồn năng lượng mang tính lan tỏa. Việc Ibrahimovic luôn thống trị các tiêu đề trên báo chí cũng đã giảm áp lực đặt lên vai của các cầu thủ trẻ.
Sự dũng cảm trước mọi sóng gió của Ibra luôn thể hiện bằng hành động. Ai cũng sẽ chú ý tới những câu nói kiểu như “Sư tử không phục hồi theo cách của con người” của Ibra. Trong mọi cuộc phỏng vấn, lão tướng người Thụy Điển này luôn biết cách để trở thành nhân vật trung tâm và đưa ra những phát ngôn có một không hai. Anh thừa hiểu rằng chỉ cần vẫn chơi tốt, các cuộc phỏng vấn sau trận đấu phần lớn là những màn diễn xiếc và bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn.
Mặt khác, Iba chẳng bận tâm đến ánh đèn sân khấu dù anh là một trong những người nổi tiếng nhất Thụy Điển. Ibra sống một cuộc sống riêng tư đáng ngạc nhiên. Anh không đăng hình ảnh của vợ và các con lên các trang mạng xã hội cá nhân.
Đầu năm nay, khi được hỏi các con anh nghĩ gì về việc anh trở lại đội tuyển quốc gia, Ibrahimovic đã không cầm được nước mắt. Ibrahimovic đã nhiều lần tuyên bố mình “không phải là một người Thụy Điển điển hình”, nguyên nhân đến từ những chỉ trích về tính kiêu ngạo của anh.
Dù là huyền thoại sống của bóng đá Thụy Điển, cá tính mạnh mẽ của Ibrahimovic rõ ràng không giống với sự khiêm tốn và thu mình của phần lớn người dân tại quốc gia Bắc Âu này. Ibra không phải là một người Thụy Điển chính gốc. Mẹ anh là người Croatia, cha anh là người Bosnia, và anh lớn lên ở Rosengard, một khu vực ở Malmo, nơi gần 90% dân số có nguồn gốc nhập cư.
Rosengard được coi là vùng ngoại ô khắc nghiệt nhất ở Thụy Điển, thường xuyên xảy ra các màn đánh đấm băng đảng và các cuộc đối đầu với cảnh sát. Sau khi cha mẹ ly hôn, anh cùng mẹ vật lộn với cuộc sống trước khi quay lại sống cùng người cha nghiện rượu.
Thụy Điển được biết tới là một quốc gia gần như hoàn hảo, mức sống cao, vì vậy người ta thường đánh giá thấp xuất thân cũng như tuổi thơ không mấy êm đềm của Ibra. Thực tế là anh đã lớn lên với rất ít đặc quyền so với những đứa trẻ cùng trang lứa, chẳng hạn như Lionel Messi có thời thơ ấu êm đềm bên cạnh bố mẹ, trong một căn nhà trung lưu ở Argentina.
Johan Cruyff từng nói rằng điều duy nhất ngăn cản cầu thủ người Đan Mạch Michael Laudrup trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới là anh ấy đến từ một quốc gia giàu có. Ý của “thánh Johan” là Laudrup đâu phải chiến đấu để thoát khỏi nghèo đói, vậy nên tinh thần cũng chẳng thể mạnh mẽ như những kẻ từng trải qua gian khó. Nhưng đâu phải ai đến từ một quốc gia giàu mạnh cũng đều có cuộc sống sung túc, Ibra là một minh chứng điển hình như vậy.
Ibra từng chơi cho đội bóng địa phương là FBK Balkan. Như tên gọi, CLB này được thành lập bởi những người Đông Âu và nòng cốt là những cầu thủ trẻ đến từ các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ. Sau đó, Ibra chuyển đến Malmo, CLB lớn nhất ở Thụy Điển và chịu cảnh phân biệt đối xử.
“Lần đầu tiên đến Malmo, tôi không được chấp nhận vì tôi là Ibrahimovic. Tôi không phải là Andersson, hay Svensson. Trong mắt họ, tôi là một gã ngoại quốc. Họ không chấp nhận thái độ của tôi, họ không khiến tôi cảm thấy được chào đón. Tôi khác biệt. Tôi không phải là một chàng trai tóc vàng, mặt trắng… Tôi cảm thấy mình cần phải nỗ lực gấp 10 lần để được mọi người công nhận”.
Về cơ bản, Ibrahimovic chỉ chơi cho Malmo 18 tháng và đã trải qua 20 năm thi đấu ở nước ngoài. Dấu chân của Ibrahimovic đã xuất hiện ở Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, lần thứ hai tại Italia, rồi lại sang Pháp, Anh, Mỹ và quay lại Serie A một lần nữa.
Việc các cầu thủ lão làng trở lại CLB đầu tiên của sự nghiệp trong những năm tháng cuối của đời cầu thủ là điều thường thấy nhưng Ibrahimovic không có cơ hội làm điều đó. Hai năm trước, anh đã bất ngờ mua 23,5% cổ phần của CLB Hammarby – Stockholm. Ibra không có một mối liên hệ nào với đội bóng này, dù sở hữu một ngôi nhà ở thủ đô Thụy Điển.
Nhiều người nghi ngờ rằng vì vẫn cay việc bị Malmo đối xử tệ bạc 20 năm trước nên Ibra mới đầu tư vào đối thủ của đội bóng này tại giải VĐQG Thụy Điển. Cũng vì động thái này mà bức tượng Ibrahimovic trước sân vận động của Malmo bị những kẻ quá khích liên tục phá hoại và phải dỡ bỏ.
Việc Ibrahimovic trở lại ĐTQG Thụy Điển vào đầu năm nay cũng khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó anh đã chỉ trích mạnh mẽ HLV Janne Andersson, đặc biệt là khi ông không triệu tập tài năng trẻ Dejan Kulusevki, người cũng có huyết thống Đông Âu như anh. Ibra đã viết rằng quyết định của Andersson là “một trò đùa chết tiệt, là bằng chứng cho thấy một kẻ kém tài đang ở sai vị trí của mình và hủy hoại bóng đá Thụy Điển”.
Đó là một tweet hiếm hoi không được gửi bởi nhóm trợ lý truyền thông xã hội của anh mà do chính tay Ibra đăng tải. Chấn thương khiến Ibrahimovic không thể tham dự EURO 2020 nhưng anh vẫn quyết tâm thi đấu tại World Cup năm sau, ở tuổi 41, dù chưa từng ghi bàn tại giải đấu này.
Có một số mâu thuẫn kỳ lạ về sự nghiệp của Ibrahimovic. Đầu tiên, Ibra từng chơi bóng ở 7 quốc gia khác nhau nhưng gần như chỉ tỏa sáng ở những giải đấu quốc nội chứ hiếm khi bùng nổ ở sân chơi châu lục.
Về đóng góp cho ĐTQG, Ibra là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Thụy Điển nhưng chưa từng cùng đồng đội vượt qua được vòng tứ kết của một giải đấu lớn.
Ở mặt trận Champions League, Ibra thường gây thất vọng ở các trận đấu quan trọng, và chưa ai quên được phi vụ lịch sử: Ibrahimovic đến Barcelona năm 2009, Eto’o đến Inter Milan ở chiều ngược lại, và cầu thủ người Cameroon sau đó giành 2 chức vô địch Champions League liên tiếp còn Ibra thì vẫn trắng tay.
Thứ hai, Ibrahimovic luôn tạo ra những bàn thắng kinh điển, chẳng hạn như cú xe đạp chổng ngược vào lưới ĐT Anh, pha đánh gót vào lưới ĐT Italia tại EURO 2004, pha ghi bàn từ cự ly 50 mét trong trận ra mắt MLS. Phải xem Ibrahimovic thi đấu chúng ta mới thấy được khả năng của anh phi thường đến thế nào.
Ibrahimovic bị coi là thất bại ở Barcelona, nhưng trong thực tế, anh đã thi đấu rất tốt, ghi 16 bàn sau 25 trận, và đơn giản chỉ là không phù hợp với triết lí của Pep Guardiola khi HLV này quyết định xây dựng lối chơi xoay quanh Messi. Anh luôn dội bom đều đặn ở Ligue 1 và MLS, và cũng duy trì phong độ tuyệt vời tại Man United ở mùa giải 2016/17.
“Nhiều người đã nói rằng tôi không thể làm được”, Ibra nói sau khi lập cú đúp để giành quyền vào chung kết League Cup 2017, một trận đấu mà phần lớn thời gian Man United bị áp đảo. “Càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị đánh giá thấp. Nhưng tuổi tác càng tăng lên, tôi càng có thêm sự trưởng thành và tâm lý chiến thắng để đoạt được thêm những danh hiệu. Bất cứ nơi nào tôi đã đến, tôi đều đã chiến thắng”.
Những lý giải của Ibrahimovic về sự thay đổi tâm lý của anh thật hấp dẫn. Theo một nghĩa nào đó, Ibra giờ đây lạnh lùng và sắc bén hơn trong việc ghi bàn. Thống kê số bàn thắng của anh tại Ajax không hề ấn tượng. Trong 2 mùa giải chơi ở Eredivisie, Ibrahimovic ghi được tổng cộng 26 bàn thắng. Không tệ, nhưng Mateja Kezman của PSV Eindhoven đã ghi được tới 66 bàn.
Năm ngoái, Ibra đã nói rằng “Tôi không còn là Ibra của 5 năm trước. Tất cả chúng là đều làm quen với sự thay đổi về thể chất của bản thân. Thành thật mà nói, tôi không chạy nhiều như trước đây nữa. Giờ đây tôi đang chạy theo cách hợp lý hơn.”
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Ibra nói rằng để bù đắp cho việc không di chuyển nhiều, anh chọn giải pháp đơn giản hơn là sút từ cự ly 40 mét. Nghe bất kỳ ai khác nói điều này chúng ta cũng sẽ cho rằng đó là điên rồ nhưng với Ibra thì không gì là không thể.
Nghiên cứu của Barcelona cho thấy rằng khi thể chất của cầu thủ suy giảm theo tuổi tác, các phẩm chất khác sẽ được cải thiện. Quãng đường di chuyển ở các cường độ khác nhau, tốc độ tối đa và khả năng tăng – giảm tốc giảm đáng kể sau tuổi 30.
Tuy vậy, dường như các chỉ số khác như khả năng chuyền chính xác, sút bóng lại tăng lên đối với các lão tướng. Tất nhiên là không vì lẽ đó mà Milan nên ký hợp đồng với Ibrahimovic thêm 5 hoặc 10 mùa giải nữa.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là tinh thần. Ibra đã trở lại đầy mạnh mẽ sau chấn thương đầu gối đe dọa sự nghiệp, trở lại thi đấu đỉnh cao ở châu Âu sau trải nghiệm MLS mà anh cho là quá dễ dàng, và trở lại ĐT Thụy Điển sau 5 năm xa cách.
Điều đó đòi hỏi sự tự tin vô cùng lớn lao mà ít người có thể sánh được. Ibrahimovic luôn tập trung tối đa để hoàn thành mục tiêu, đó chính là lý do khiến anh không chỉ tồn tại, mà còn đang tỏa sáng rực rỡ tại châu Âu ở độ tuổi 40.