L’Equipe: Làm thế nào ông trở thành Vua phá lưới tại World Cup 1958?
Just Fontaine: Có nhiều yếu tố. Đầu tiên là chấn thương đầu gối của tôi 6 tháng trước đó. Tôi đã phải phẫu thuật vào ngày 7/12/1957 và trở lại thi đấu khá nhanh vào ngày 15/2/1958. Điều quan trọng, chấn thương đó đã cho tôi nghỉ ngơi hoàn toàn trong mùa Đông. Nhờ đó tôi rất sung sức khi trở lại và kết thúc mùa giải với cú đúp danh hiệu cùng Reims. Tới Thụy Điển, tôi đạt điểm rơi phong độ. Điều đó cũng lý giải tại sao người Đức thường chơi rất hay tại các kỳ World Cup, vì kỳ nghỉ Đông rất dài cho phép họ hồi phục thể lực.
Ông cũng đã tận dụng sự vắng mặt của các chân sút khác?
Đúng vậy, may mắn của tôi lại đến từ sự thiếu may mắn của người khác. Thade Cisowski (Vua phá lưới giải vô địch Pháp năm 1956 và 1957) gãy chân ngay trước thềm World Cup. Tôi đã ngồi dự bị xem cậu ấy ghi tới 5 bàn vào lưới Bỉ (tháng 11/1956). Rene Bliard, người đồng đội của tôi tại Reims, cũng chấn thương trong chuyến tập huấn ở Thụy Điển. Có giai thoại rằng sau World Cup, tôi trở về Pháp và nói với Bliard rằng nếu cậu ấy không chấn thương, cậu ấy mới là người ghi được 13 bàn thắng tại Thụy Điển. Thật ngốc nghếch!
Tại sao, Bliard không thể ghi 13 bàn thắng ư?
Không phải như thế. Để tôi kể mà nghe. Một ngày sau khi đoạt cú đúp với Reims, chúng tôi lên tập trung ĐT Pháp. Tới sân bay Orly chúng tôi gặp Paul Nicolas (Giám đốc ĐT Pháp) và Albert Batteux (HLV trưởng). Họ chỉ vào tôi và nói: “Cậu sẽ đá trung phong ở Thụy Điển”. Đó là vấn đề niềm tin. Nếu không có sự tin tưởng từ HLV, tôi sẽ không đoạt Vua phá lưới.
Còn nhờ cả tài kiến tạo của Raymond Kopa nữa phải vậy không?
Về mặt bóng đá, chúng tôi yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Chúng tôi cũng luôn ở chung phòng. Trên sân, chúng tôi dễ dàng tìm thấy nhau. Kopa đã kiến tạo cho tôi ghi bàn vào lưới Paraguay, Brazil và Đức. Ngược lại, tôi cũng chuyền cho cậu ấy ghi bàn trước Paraguay và một pha tiền kiến tạo cho Kopa ở trận gặp Scotland.
Ông có tiếc nuối khi Kopa không để cho ông đá phạt đền ở trận tranh hạng Ba với Đức (6-3)?
Cậu ấy là người được chỉ định đá penalty. Khi đó tỷ số đang là 1-1. Bây giờ nhìn nhận sự việc có thể sẽ khác. Nhưng lúc đó, tôi tuyệt đối không nghĩ đến việc đòi cậu ấy nhường đá phạt đền. Tôi cũng chẳng thể biết sau đó mình ghi thêm 3 bàn nữa sau khi đã là người mở tỷ số.
Khi đó ông có nung nấu ý định phá kỷ lục của Sandor Kocsis (11 bàn tại World Cup 1954)?
Không. Tôi biết về kỷ lục đó. Nhưng tôi ra sân để hướng tới chiến thắng, để làm những điều tốt nhất cho đội bóng. Và rồi tôi kết thúc World Cup 1958 với 13 bàn thắng trong đó có 4 bàn vào lưới Đức. Tôi yêu kỷ lục này. Những người đứng sau tôi năm đó, Helmut Rahn và Pele, chỉ có 6 bàn thắng.
Sau hồi còi mãn cuộc trận tranh hạng Ba, ông có ý thức được mình đã đi vào lịch sử?
Jean Vincent, Andre Lerond và Yvon Douis đã tới ôm tôi chúc mừng. Tôi đã đánh bại kỷ lục của Kocsis. Nhưng Pháp đã thua Brazil ở bán kết (2-5). Bóng đá là thế, niềm vui chẳng thể trọn vẹn.
Nếu không có chấn thương của đội trưởng Robert Jonquet ngay hiệp một trận bán kết, có lẽ Pháp đã tiến một mạch đến chức vô địch?
Không. Rất khó. Brazil có Garrincha, Pele, Didi, Vava, Zagallo, Zito. Họ là những kỹ thuật gia giỏi nhất thế giới. Đá 11 với 11 trước Brazil còn mệt chứ đừng nói 10 chọi 11 (tại World Cup 1958 chưa có luật thay người, cầu thủ chấn thương ra sân đồng nghĩa mất người).
Khi đó Pele đã là cầu thủ giỏi nhất chưa?
Garrincha hay hơn, đặc biệt với tư cách một chân chuyền. Pele đã ghi 6 bàn cả giải nhưng 3 trong số đó là vào lưới Pháp với chỉ 10 người. Nhưng Pele là một chàng trai tốt bụng. Chúng tôi gặp lại nhau tại World Cup 1990, Pele bị đám đông cả trăm người vây quanh. Nhưng ông ấy ra hiệu cho tôi tới gần và giới thiệu với tất cả: “Hãy nhường lối cho ông ấy, đó là người đã ghi 13 bàn tại một kỳ World Cup”.
Kỷ lục này có giúp danh tiếng của ông lớn mạnh theo thời gian?
Có. Cho đến hiện tại tôi vẫn nhận được cả trăm lá thư mỗi tháng. Có cả thư từ Trung Quốc.
Ông có lo ngại một ngày nào đó kỷ lục 13 bàn của ông sẽ bị lật đổ?
Tôi còn nhớ Mario Zatelli (cựu HLV Marseille) rất thích kể câu chuyện hài hước này: Một ngày mùa xuân năm 3050, một nhà khảo cổ học khai quật được một chiếc quách. Khi ông ta mở chiếc quách ra thì phát hiện một xác ướp bên trong. Điều kinh hãi là xác ước bật dậy và hỏi: “Kỷ lục của Fontaine vẫn còn tồn tại chứ?”
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
VÀI NÉT VỀ FONTAINE
Tên đầy đủ: Just Fontaine
Ngày sinh: 18/08/1933
Nơi sinh: Marrakech, Morocco
Ngày mất: 01/03/2023 (89 tuổi)
Nơi mất: Toulouse, Pháp
Chiều cao: 1m74
Vị trí thi đấu: tiền đạo
ĐT Pháp: 21 trận, 30 bàn thắng
Các CLB từng khoác áo: USM Casablanca (1950-1953), Nice (1953-1956), Reims (1956-1962)
Các đội bóng từng dẫn dắt: ĐT Pháp (1967), Luchon (1968-1969), PSG (1973-1976), Toulouse (1978-1979), ĐT Morocco (1979-1981)
Thành tích thi đấu: 4 lần VĐQG Pháp, hạng 3 World Cup 1958
Giải thưởng cá nhân/kỷ lục: Quả bóng vàng World Cup 1958; Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong một kỳ World Cup (13 bàn tại World Cup 1958); 2 lần Vua phá lưới Ligue 1; Vua phá lưới Cúp C1 1958/59