Mùa 2022/23, MU cán đích ở vị trí thứ 3 nhưng chỉ ghi được tổng cộng 58 bàn sau 38 vòng đấu, nghĩa là trung bình được 1,5 bàn/trận. Đây là con số thấp nhất trong Top 6 Premier League mùa trước và thậm chí chỉ nhiều hơn đội xuống hạng Leicester vỏn vẹn 7 bàn.
Vấn đề này tiếp tục thể hiện rất rõ ở giai đoạn giao hữu tiền mùa giải mới, đặc biệt trong thất bại 0-2 trước Real tại Mỹ cách đây ít ngày. Marcus Rashford, Scott McTominay, bản hợp đồng mới Mason Mount và Alejandro Garnacho đều phung phí những cơ hội ăn bàn trông thấy, khiến Quỷ đỏ thành Manchester thua trắng.
Trước tình hình ấy, HLV Erik ten Hag phải thốt lên: “Tôi nghĩ chúng ta cần nhiều cầu thủ có khả năng đấu một chọi một. MU cần một chân sút thính nhạy bàn thắng hơn, và nên ghi bàn từ những tình huống đó”.
Rõ ràng, Hojlund dường như là một câu trả lời hữu ích cho những vấn đề mà nhà cầm quân người Hà Lan đặt ra. Mùa trước, chỉ số xG (bàn thắng kỳ vọng không tính phạt đền/trận) của tiền đạo người Đan Mạch là 0,47 – cao thứ 5 trong số các cầu thủ thi đấu tối thiểu 900 phút tại Serie A. Trong khi con số này của MU là 0,44.
Hojlund thường xuyên thực hiện những pha chạy chỗ thông minh, mang tính dồn ép hậu vệ đối phương mắc ai lầm để tạo cho các vệ tinh xung quanh anh thâm nhập vào khu cấm địa, tận dụng cơ hội để ghi bàn. Và anh thường thi đấu bên cạnh một tiền đạo trong đội hình 3-5-2 hoặc đôi khi là 3-4-3 của Atalanta.
Ten Hag đang tìm kiếm một trung phong xuất hiện nhiều hơn trong khu cấm địa và cầu thủ người Đan Mạch hoàn toàn có thể điều chỉnh cách di chuyển không bóng như vậy để hướng tới những pha chạy vào trung lộ nhiều hơn, bên cạnh những pha di chuyển dọc biên.
Tuy nhiên, việc MU kiểm soát bóng vượt trội so với các đội yếu hơn có thể đồng nghĩa với việc có ít khoảng trống hơn để Hojlund phát huy sở trường (khi đối thủ phải lùi sâu hơn). Đó là lý do tại sao một tiền đạo biết cách thi đấu quay lưng về phía khung thành là một đặc điểm rất được mong đợi ở bất kỳ tân binh nào gia nhập đội chủ sân Old Trafford.
Và việc Hojlund biết cách che bóng, chọn vị trí chính xác, sử dụng cơ thể và kỹ năng của mình trong không gian nhỏ là chìa khóa giúp anh duy trì và liên kết lối chơi. Điều quan trọng, những tố chất ấy làm nổi bật vai trò của anh trên hàng công đội nhà.
Nhưng, đó là khi Hojlund đã thích nghi được với môi trường tại MU, tại Premier League thì việc anh phát huy được các phẩm chất nổi bật của mình mới được tính đến. Nhìn lại sự nghiệp non trẻ của Hojlund thì hiệu suất ghi bàn rất tầm thường. Anh chưa từng ghi quá 10 bàn/mùa trên mọi mặt trận.
Hojlund rất tiềm năng nhưng đây không phải bản hợp đồng “ăn xổi” nếu so với việc MU mua Harry Kane. Kỳ vọng và áp lực cũng là thách thức cho chân sút mới 20 tuổi này, đặc biệt khi anh được so sánh với Erling Haaland và lại phải đua tranh với “Cỗ máy ghi bàn” người Na Uy.
Còn nhớ, Darwin Nunez của Liverpool cũng từng được mang ra so sánh với Haaland lúc mới đến, nhưng rồi tịt ngóm mùa đầu tiên. Ra sân 29 lần tại Premier League 2022/23 nhưng tiền đạo này chỉ ghi được vỏn vẹn 9 bàn. Trong khi mùa giải trước đó anh nã vào lưới đối phương tới 26 bàn/28 trận tại giải VĐQG Bồ Đào Nha.
Tóm lại, Hojlund đến MU với rất nhiều tiềm năng, nhưng tiềm năng đó chưa được chứng minh. MU đừng ảo tưởng Hojlund sẽ mang lại hiệu quả tức khắc trong khâu ghi bàn. Anh cần tích lũy thêm kinh nghiệm, cải thiện và nâng cao dần bộ kỹ năng để hòa nhập tốt với môi trường khắc nghiệt tại giải Ngoại hạng.
Ten Hag hãy xem Hojlund là một giải pháp lâu dài cho hàng công MU, dần biến anh thành một sát thủ cho Quỷ đỏ thành Manchester hơn là ép anh đóng ngay vai trò của một chân sút chủ đạo tại Nhà hát của những giấc mơ.