Cho đến trước vòng 11, Công an Hà Nội đang đứng thứ nhì với 21 điểm, ít hơn 1 điểm so với đội đầu bảng là Thanh Hóa. Với phong độ cực kỳ ấn tượng trước đó, đoàn quân của ông Flavio đã giải mã được “hiện tượng” Thanh Hóa thành công bằng trận đại thắng 4-1 ở vòng 11. Ba 3 điểm ấy giúp cho CAHN leo lên vị trí số 1 và đem đến cho người xem cảm giác không có đối thủ trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Một chiến thắng tiếp theo trước Hà Tĩnh ở vòng 12 tiếp tục củng cố ngôi đầu cho Văn Hậu và đồng đội, tiếp tục giữ cách biệt với đối thủ nặng ký Hà Nội 2 điểm và bỏ xa Viettel lên đến 6 điểm.
Tuy nhiên, cuộc chiến đã không như tính toán của những người làm công tác chuyên môn của CAHN. Ở thời điểm hy vọng nhất, thầy trò ông Flavio lại gây thất vọng lớn. Đáng nói là các đối thủ trong thời gian qua của tân binh V.League này đều bị đánh giá dưới cơ hơn rất nhiều. Đó là một SHB Đà Nẵng đang đứng ở vị trí đội sổ trước cuộc tiếp đón CAHN và đó cũng là một Hà Tĩnh chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng chuyên môn của V.League. Nhưng cái chính là 2 đội bóng này đã “biết thân biết thế” nên đã chọn lối chơi phòng ngự phản công cực kỳ hợp lý để trước tiên, đảm bảo khóa hiệu quả đến mức có thể các ngòi nổ trên hàng công của CAHN, sau đó, chọn thời điểm để tung đòn hạ đoàn quân của ông Flavio. Chỉ có 1 điểm trước SHB.ĐN và Hà Tĩnh là con số đáng thất vọng, khiến cho mọi lợi thế trước đó của CAHN trong cuộc đua đến ngôi vô địch đều bị biến mất.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho CAHN không thắng trong 2 trận đấu vừa qua ở V.League. Theo đó, các đối thủ thừa hiểu, chơi đôi công với đội quân hùng mạnh của đội bóng này là “tự sát” nên chọn lối đá phòng ngự số đông. Trước lối đá thực dụng ấy của đối thủ, một HLV chỉ mới dẫn dắt một đội bóng hạng Nhì trước khi đến với CAHN như ông Flavio chưa có sự nhạy bén chiến thuật nên thiếu phương án hiệu quả có thể bẻ gãy hệ thống phòng ngự của đối thủ khi vấp phải lối đá ấy. Trước đây, CAHN cũng đã bất lực trong việc tìm kiếm đường vào khung thành của Khánh Hòa khi đối thủ chơi phòng ngự nhiều tầng.
Sự góp mặt của Quang Hải xem ra là lý do khác khiến cho tân binh V.League này “rối loạn” trong lối đá. Theo đó, Quang Hải chưa bắt nhịp chung được với lối chơi của đồng đội, trong khi phong độ cá nhân chưa thực sự cao để có thể tự bản thân tạo nên đột biến mạnh mẽ như thời ở Hà Nội FC. Ngoài ra, việc bỏ trung vệ ngoại Monreiro để tăng cường chân sút ngoại cho hàng công khiến cho hàng thủ trở nên yếu thế bởi 2 trung vệ nội Tấn Sinh và Tiến Dũng không phải là những hậu vệ đủ sức để có thể phong tỏa các chân sút ngoại của đối thủ lại để lộ ra khá nhiều khoảng trống trước cầu môn của Filip Nguyễn. Đó là lý do giúp cho Lucas (SHB.ĐN) và Diallo (Hà Tĩnh) thoải mái ghi bàn, khiến cho CAHN chỉ có được 1 điểm trong 2 trận này.
Từ chỗ nắm lợi thế lớn, CAHN đã bị Hà Nội san bằng về điểm số trong lúc Viettel chỉ còn kém 1 điểm. Viettel đang có phong độ rất cao trong lúc Hà Nội sẽ có sự trở lại của Văn Quyết trong giai đoạn quyết định của mùa giải nên thách thức cho CAHN trong thời điểm nước rút của cuộc đua vô địch là vô cùng lớn.
Thế yếu của Thanh Hóa
Đã từng tạo ấn tượng mạnh bằng chuỗi 11 trận bất bại, Thanh Hóa được nhận diện là “ngựa ô” cho cuộc đua đến ngôi vô địch. Tuy nhiên, chuỗi thành tích không tốt trong thời gian qua khiến cho đoàn quân của ông Popov đánh mất ngôi đầu vào tay CAHN. Đến thời điểm này, Thanh Hóa vẫn còn nguyên hy vọng để tranh đua chức vô địch khi khoảng cách với đội dẫn đầu chỉ chênh nhau 2 điểm.
Dù vậy, niềm tin cho đội bóng xứ Thanh là không nhiều. Chuỗi 5 trận không thắng vừa qua khiến cho đội bóng này rơi vào cuộc khủng hoảng. Niềm tin về thứ hạng cao ở đoàn quân ông Popov đang cạn dần. Thậm chí, việc nằm trong nhóm có huy chương cuối mùa cũng là khó khăn đối với Thanh Hóa. Bởi không chỉ chính đội bóng này đang mất dần phong độ ở thời điểm khốc liệt nhất mà còn các đối thủ có lực lượng mạnh như Hà Nội hay Viettel đang vươn lên mạnh mẽ.
Rõ ràng, từng gây ấn tượng mạnh ở đầu mùa bởi lối đá tự tin nhưng việc rơi dần trên BXH và nếu không có thứ hạng cao cuối mùa là điều đáng tiếc với Thanh Hóa.