So với nhiều HLV khác đang làm việc tại Việt Nam, anh dấn thân vào công việc này từ khi còn rất trẻ. Vì sao vậy?
Xin chào độc giả của Bóng Đá. Tôi bắt đầu đến với bóng đá với tư cách một cầu thủ, giống như bao cái tên nổi tiếng cùng thời như Nani, Quaresma hay Joao Moutinho. Nhưng đến năm 21 tuổi, tôi gặp chấn thương đầu gối và phải phẫu thuật dây chằng chéo trước. Khi bình phục, tôi lại chịu thêm một chấn thương tương tự. .
Tôi hiểu với chấn thương như vậy, mình rất khó khăn để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi buộc phải đưa ra quyết định đầy đau đớn. Đó là treo giày và chuyển sang làm HLV. Sự nghiệp huấn luyện của tôi bắt đầu ở Benfica, trước khi sang làm việc ở đội U19 Vitoria Setubal sau đó 4 năm.
Nhiều tờ báo ở Bồ Đào Nha nói rằng bước ngoặt sự nghiệp của anh đến từ quãng thời gian làm việc với huyền thoại Luis Figo?
Năm 2015, Figo có mối quan hệ rất tốt với LĐBĐ Trung Quốc. Mục tiêu của anh ấy là phát triển bóng đá trẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó đã thuyết phục tôi chia tay Bồ Đào Nha để đến đất nước này, và làm việc tại Học viện Luis Figo. Tôi gặp Figo khi cả 2 đang ở Huangzhou, trong bối cảnh các đội trẻ của Học viện thi đấu tại đó. Anh ấy đã chỉ cho tôi nhiều điều, từ cách làm việc đến giao tiếp với các cầu thủ trẻ.
Sau đó, anh đến Việt Nam và dành hơn nửa thập kỷ để làm công tác huấn luyện tại đây. Giữa bóng đá Việt Nam và quê hương Bồ Đào Nha, anh thấy có điểm gì giống nhau và khác nhau?
Tất nhiên Bồ Đào Nha là một trong những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Hệ thống chuyên nghiệp của bóng đá đất nước tôi đã kéo dài gần 100 năm, lâu hơn nhiều so với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Nhưng giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam vẫn có điểm chung. Thể hình các cầu thủ Bồ Đào Nha cũng không thuộc diện cao to, mà có thể kể đến Bernardo Silva hay Joao Moutinho.
Ngoài ra, tôi nhìn thấy cầu thủ trẻ Việt Nam có tốc độ và kỹ thuật. Các bạn ấy chỉ cần cố gắng kết hợp với những yếu tố liên quan đến chiến thuật và trải nghiệm thi đấu thì ắt sẽ tiến bộ. Một phần khác là số trận của các cầu thủ trẻ. Đội U14 Bồ Đào Nha thi đấu 35-40 trận chính thức mỗi năm. Trong khi tại Việt Nam, giải trẻ của các nhóm tuổi chỉ dao động khoảng 10 trận cả năm. Những giải đấu này lại thường diễn ra ngắn hạn.
Tôi mong rằng các cầu thủ trẻ của Việt Nam sẽ được chơi nhiều hơn. Việc thi đấu thường xuyên cũng là bài kiểm tra đánh giá khả năng cầu thủ.
Vậy nếu Việt Nam có một cầu thủ siêu đẳng như Ronaldo, mọi thứ có khác?
Đó là cầu thủ xuất chúng và niềm tự hào của Bồ Đào Nha. Nhưng theo tôi, một nền bóng đá không thể chỉ phụ thuộc vào 1-2 cầu thủ dù cho họ có giỏi đến mấy. Chúng ta cần có sự phát triển mang tính tổng thể. Bóng đá Việt Nam cần hướng tới mục tiêu có nhiều cầu thủ hay và CLB mạnh.
Tôi hy vọng nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu ở nước ngoài. Chúng ta phải tính toán đúng độ tuổi để đưa cầu thủ xuất ngoại từ sớm, chứ không thể chờ đến khi họ lớn tuổi mới làm điều này. Hy vọng hệ thống thi đấu chuyên nghiệp ở Việt Nam sẽ dần hoàn thiện hơn, để làm sao ở tầm tuổi 18-20, các bạn ấy có đủ trải nghiệm chơi bóng và tự tin thử sức ở những giải đấu có trình độ chuyên môn cao hơn.
Tôi tiếp tục tò mò vì sao anh lại ở Việt Nam làm việc lâu đến thế?
Đã là một HLV chuyên nghiệp thì tôi cần phải làm ở nơi có sự đam mê, cháy bỏng với tình yêu bóng đá. Tôi có thể lấy sự so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người hâm mộ Trung Quốc không thể đam mê bóng đá bằng các bạn. Việt Nam có tiềm năng bóng đá rất lớn. Chúng ta ra đường mỗi ngày và rất dễ bắt gặp hình ảnh các cậu bé chơi trên đường phố, dùng hòn gạch, hòn đá xếp gôn. Điều đó rất giống với Brazil hay quê nhà Bồ Đào Nha của tôi.
Với tiềm năng sẵn có như vậy, nếu công tác tổ chức và điều kiện phát triển bóng đá tốt hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành quốc gia tốp đầu ở châu Á. Đương nhiên, để hoàn thành điều đó, cá nhân tôi và các bạn phải nỗ lực. Tôi chỉ biết cố gắng đóng góp một phần nhỏ vào công việc đang làm tại PVF, giúp cho sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
Với cá nhân tôi, Việt Nam cũng là đất nước đáng sống trên thế giới. Đất nước này rất an toàn, văn minh, phù hợp cho cuộc sống gia đình. Những điều này thu hút những người nước ngoài như tôi. Tựu trung, ngoài công việc thì môi trường sống ở đây giúp tôi gắn bó lâu dài với đất nước các bạn đến vậy.
Trở lại với câu chuyện của PVF-CAND, mọi người đang thấy HLV Mauro xây dựng một tập thể trẻ trung, giàu khát vọng chiến đấu. Nhưng đó là tại Hạng Nhất. Vậy nếu lên V.League, liệu anh có thay đổi quan điểm dùng người của mình?
Mục tiêu của tôi là đưa PVF-CAND lên V.League mà không phải thay đổi quá nhiều về lực lượng đội bóng đang có. Đương nhiên nếu góp mặt ở V.League, chúng tôi sẽ phải mang về một số ngoại binh hoặc một số cầu thủ nội có kinh nghiệm để dìu dắt các cầu thủ trẻ.
Dù vậy tôi và ban lãnh đạo đã thống nhất việc dù chơi ở đấu trường nào, PVF-CAND vẫn luôn ưu tiên việc tận dụng nguồn lực “cây nhà lá vườn” sẵn có. Vì dù sao, các bạn ấy đã đồng hành và thi đấu với nhau từ rất lâu rồi. Đương nhiên, nếu tôi vẫn ở lại đây, PVF-CAND vẫn giữ nguyên bản sắc lối chơi vốn có, dù V.League có khắc nghiệt thế nào. Tôi tâm niệm rằng thành công phải trải qua quá trình xây dựng, và đội bóng đủ khả năng hướng đến thành công lâu dài với triết lý đang có.
Quan điểm của tôi là sớm được thấy ngày PVF-CAND thăng hạng V.League. PVF hiện đang là lò đào tạo tốp đầu của bóng đá Việt Nam. Tôi tin rằng nếu lên V.League, PVF-CAND sẽ góp phần nâng tầm mặt bằng chung của bóng đá chuyên nghiệp, tạo nên sự cạnh tranh lớn hơn cho các đội bóng.
Các bạn có thể thấy chúng tôi có nhiều thủ trẻ thường xuyên xuất hiện ở các ĐTQG Việt Nam. Việc PVF-CAND xuất hiện ở V.League sẽ giúp mặt bằng giải đấu phát triển hơn.
Lối chơi của PVF-CAND tương đồng với cách mà HLV Troussier đang hướng tới ở ĐT Việt Nam. Từng làm việc cùng nhau tại PVF, anh nghĩ sao về khát vọng vươn tầm tới đấu trường World Cup, bằng một lối chơi mà HLV Troussier định hình cho ĐT Việt Nam?
Những gì mà ông Troussier đang làm với ĐTQG Việt Nam hiện tại là điều vô cùng dũng cảm, vì để thay đổi cách thi đấu của một đội bóng cần thời gian và quá trình tuần tự. Điều đó không thể đến trong một sớm một chiều.
Đôi khi trong bóng đá, kết quả mới là yếu tố mà người ta quan tâm nhất. Nhưng với đội tuyển Việt Nam, tôi mong người hâm mộ hãy cho HLV Troussier thời gian và đặt niềm tin nhiều hơn với ông ấy. Về cách chơi của ĐT Việt Nam hiện tại, nó tương đồng với cách mà tôi đang xây dựng ở PVF-CAND, với mục tiêu cuối cùng là có nhiều cơ hội tấn công để ghi bàn.
Nếu chúng ta kiểm soát bóng tốt, đối phương cũng không thể có được thế trận mà mình mong muốn. Tấn công và cố gắng giành được trái bóng lâu nhất có thể nhiều khi mới là cách phòng ngự hữu hiệu nhất. Đó là cách chơi mà nhiều đội bóng lớn trên thế giới áp dụng, và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thành tích nổi bật của HLV Mauro Jeronimo: – 2 chức vô địch U19 Quốc gia vào các 2020, 2021 cùng U19 PVF – HCĐ U21 Quốc gia 2021 VỚI U21 PVF – cùng PVF – CAND giành vị trí Á quân HNQG 2023, HCĐ Cup Quốc gia 2023 |