Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Hai mươi năm trước, Serie A là một thế lực khổng lồ tại châu Âu. Champion League là lãnh địa quen thuộc của ba đại gia Italia gồm Juventus – kẻ sinh ra để vô địch Serie A, AC Milan – kẻ sinh ra để chinh phục châu Âu và Inter Milan – đội sinh ra để trở thành kẻ thất bại vĩ đại.
Khi đó, những trang tuấn kiệt thức thời nô nức xách giày đến La Mã để đầu quân. Đó là mảnh đất của bạc, của vàng và của danh vọng. Hấp lực của đồng tiền đã hút toàn bộ những anh tài Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi đến đất nước của Cesar Đại Đế, biến những quân đoàn La Mã trở thành những kẻ chinh phục bất khả chiến bại.
Những trận đấu kinh thiên động địa bậc nhất châu Âu phải là Derby della Madonnina giữa Inter và Milan, Derby d’Italia giữa Inter và Juventus hay Derby Campionissimo giữa Milan và Juventus. Những trận chiến danh tiếng này không chỉ diễn ra trong cảnh nội nước Ý mà còn thường xuyên lấy Champions League làm chiến địa.
Champions League 2002/03 là một ví dụ tiêu biểu cho thời đại huy hoàng đó. Cả ba đại gia hàng đầu Italia cùng vào đến bán kết. Juventus gặp Real Madrid và hạ gục đối thủ với tổng tỉ số 4-3, còn Inter giáp trận Milan trong một trận Derby della Madonnina khét tiếng.
Bên AC Milan là một bầu trời sao với những Alessandro Nesta, Paolo Maldini, Gennaro Gattuso, Clarence Seedort, Rui Costa, Filippo Inzaghi, Rivaldo, Andrea Pirlo và siêu chiến binh Andriy Shevchenko. Trong khi đó, quân sĩ giáp của Inter cũng không hề kém cạnh với Fabio Cannavaro, Javier Zanetti, Marco Materazzi, Alvaro Recoba, Ivan Cordoba…
Một quân đoàn giỏi tấn công và một quân đoàn giỏi phòng ngự đã tạo một cặp bán kết khét lẹt mùi pháo sáng. 180 phút trôi qua trên sân San Siro hay Giuseppe Meazza đầy căng thẳng với với pha đấu trí làm đông cứng cả không gian.
Chỉ có 2 bàn thắng được ghi, chia đều cho 2 đội và Milan đã may mắn vào chung kết nhờ luật bàn thắng sân khách, để rồi đánh bại nốt Juventus trong loạt luân lưu 11m để đoạt Cúp Bạc. Đó là mùa giải cuối cùng mà các đội bóng Italia hiệp lực để biến thiên hạ thành chuyện nhà mình.
Hai mươi năm sau, không ai còn nhận ra siêu quyền lực Serie A ở châu Âu nữa. Rất nhanh sau trận Derby della Madonnina năm 2003, tiền bạc và sức hấp dẫn biến mất rất nhanh khỏi nền bóng đá này như nước trên cát khô sa mạc. Từ đó đến nay, Serie A chỉ có thêm 2 lần vô địch Champions League vào năm 2007 (Milan) và 2010 (Inter).
Trong hai mươi năm đó, Juventus chìm ngập trong chuỗi ngày vinh nhục đan xen, có thể vô địch Serie A dễ dàng, nhưng cũng dễ chìm trong scandal dàn xếp nhơ bẩn và dần trở thành khách lạ ở Champions League.
AC Milan cũng chẳng hơn gì, sau vinh quang cuối năm 2007, họ lần lượt bán hết những ngôi sao, thậm chí phải bán mình để tìm đường tồn tại. Những lần đổi chủ tủi nhục và thê thảm, khiến Milan trở thành đội bóng “thắt lưng buộc bụng”, đứng ngoài cuộc chơi danh vọng. Vinh quang không đứng về đội nhà nghèo.
Còn Inter cũng loạng choạng bởi sự nghèo khó. Trong 20 năm kể từ sau thất bại trước Milan, có lẽ giai đoạn vinh quan nhất là thời kỳ Jose Mourinho với cú ăn ba thần thánh năm 2010. Nhưng bão tố ập tới, Mourinho tháo chạy, các ngôi sao lần lượt tháo chạy, đến cả ông chủ hào hiệp Massimo Moratti cũng tháo chạy, để lại con thuyền Inter chao đảo giữa sóng gió.
Không ai nắm tay được cả ngày. Sau đỉnh cao sẽ đến vực sâu. Giải Serie A vinh quang xưa kia giờ hoang tàn như chốn phế đô. Đó chỉ là điểm dừng chân của những ngôi sao hạng ba của châu Âu và thế giới, trong khi nguồn tài năng quốc nội vốn rất dồi dào cả trăm năm bỗng dưng cũng ngừng xuất lộ “ngọc quý”.
Vậy chớ nên thấy Inter và Milan tái hiện trận Derby della Madonnina ở bán kết Champions League, hay việc có tới 3 đại diện của Italia vào tứ kết mà vội mừng. Đó chỉ là một đốm lửa chợt lóe lên ở mùa giải này, chứ không phải ảnh sáng cuối đường hầm hoặc cành olive trên mỏ bồ câu báo hiệu thời phục sinh đã tới. Khi không có tiền, thì bảo ai nghe!