Khi người ta yêu, mọi lời giải thích đều có lý. Điều này đúng với HAGL. Ánh sáng linh diệu mà lứa Công Phượng mang đến từ những ngày đầu khiến bóng đá Việt Nam định hình một giá trị khác, lăng kính nhìn nhận khác. Khái niệm “đá đẹp” không quan tâm thành tích được mặc định cho đội bóng này. Có lúc, bầu Đức từng tuyên bố: Đá đẹp xuống hạng cũng hài lòng. Và không chỉ bầu Đức, rất nhiều người yêu mến HAGL tin rằng, họ đang hướng đến một giá trị khác với V.League. Họ chấp nhận đứng ngoài cuộc đua và theo đuổi những giá trị lãng mạn nhất trong bóng đá.
Người ta đã đặt niềm tin tuyệt đối vào lứa cầu thủ trẻ HAGL. Người ta luôn mặc định rằng, các cầu thủ này vẫn ở độ tuổi 20 trẻ trung và sẽ trưởng thành trong tương lai. Tình yêu mãnh liệt dành cho HAGL khiến nhiều CĐV quên mất rằng, thời gian đã trôi và các cầu thủ đã không còn ở độ tuổi mười chín đôi mươi nữa. Bản hợp đồng đào tạo trẻ dài miên man vẫn đến ngày kết thúc và những đứa trẻ của bầu Đức chọn lối đi ra bên ngoài thay vì ở lại. Một cuộc tình đã kết thúc và HAGL lạc lối giữa quá khứ sôi động và thực tại khắc nghiệt. Họ có một đội ngũ không chiều sâu, chẳng thiện chiến dù Tuấn Anh, Minh Vương vẫn ở lại. Họ vẫn mang danh “đội bóng quốc dân” nhận muôn vàn kỳ vọng nhưng thực lực chẳng còn được như xưa.
Giờ thì HAGL cũng chẳng thể duy trì lối chơi đan lát, dập dìu lãng mạn nữa. Họ cuống cuồng trong vòng xoáy trụ hạng. Thất bại trước đội bóng gồm phần lớn các cầu thủ 19, 20 tuổi của PVF-CAND là một cú sốc quá lớn với những người yêu mến đội bóng. HAGL đã khác và hoài niệm về một đội bóng đá đẹp, đá lãng mạn không thể giúp cho thực tại khắc nghiệt. Họ phải làm lại. Họ phải quên đi quá khứ đã từng khiến cả V.League phải ngước nhìn. Họ phải tư duy khác, phải tìm đươc nguồn lực đầu tư cho chặng đường tới đây chứ không thể đi đến vinh quang bằng một Kiatisak tài năng nhưng đơn độc. HAGL phải thay đổi, hay nói đúng hơn, bầu Đức phải trở lại, phải dành nhiều sự quan tâm hơn cho đội bóng dù ông quá bận với nhiệm vụ tái cơ cấu đế chế kinh doanh của mình.