So với nhiều đội bóng ở V.League, Hà Nội có lịch sử không lâu đời bằng. Đơn cử như HAGL đã góp mặt trong những ngày đầu tiên V.League được tổ chức. Một đội bóng từng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” là Bình Dương cũng ăn đứt Hà Nội nếu nhìn vào thời gian hiện hữu ở đấu trường này. Trong lúc đó, đội bóng Thủ đô mới góp mặt ở V.League kể từ năm 2009. Nhưng chỉ 1 năm sau, Hà Nội đã chứng tỏ họ là một thế lực đáng gờm cho bất cứ đối thủ nào trong cuộc đua đến ngôi vô địch.
Thực tế là kể từ chức vô địch V.League lần đầu tiên vào năm 2010, Hà Nội luôn được nhận diện là ứng cử viên vô địch trước lúc mùa giải khởi tranh. Theo đó, họ đã 6 lần vô địch V.League và trở thành đội bóng giàu thành tích nhất. Cụ thể, Hà Nội lên ngôi vào các năm 2010, 2013, 2016, 2018, 2019 và 2022. Cũng cần nói thêm trong các mùa không thể vô địch, đội bóng này chỉ một lần đứng thứ ba vào mùa giải 2017, còn lại đều cán đích ở vị trí thứ nhì. Đó là một thành tích đáng nể.
Với chức vô địch thứ sáu này, Hà Nội tiếp tục lập kỷ lục mới về số lần lên ngôi, và nới rộng khoảng cách với đội đứng nhì ở số lần vô địch là Bình Dương (4 lần) lên cách biệt 2 chiếc cúp. Cũng cần biết thêm rằng, các đội bóng đã từng lên ngôi như HAGL, Long An, Viettel hay Quảng Nam đều chỉ có 1-2 lần đứng trên bục vinh quang trong lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển của V.League. Với tình hình đầu tư như hiện tại của các đội thì xem ra, còn khá lâu những đội bóng này mới có thể bắt kịp đội bóng Thủ đô ở số lần nâng cúp.
Có một thực tế là dù đã vô địch nhiều lần nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy, ông chủ của đội bóng này “ngán” cúp. Chi tiền thưởng vẫn rất bạo nhưng có một thực tế rằng, Hà Nội đã gần như không còn chi cho việc mua sắm cầu thủ như từng xảy ra trước đây. Nên nhớ, Bình Dương 4 lần vô địch V.League nhưng gần như tất cả đều do nguồn “ngoại lực”, tức cầu thủ nội được chiêu mộ bằng những bản hợp đồng tiền tỷ chứ không phải do CLB tự đào tạo nên dù thời gian (từ khi hình thành) là đủ để họ có thể cho ra lò những “sản phẩm” có chuyên môn tốt.
Ngược lại, Hà Nội hái quả ngọt liên tục trong những năm vừa qua là thành quả của sự nghiệp đào tạo trẻ do chính mình làm nên. Những Văn Hậu, Hùng Dũng, Tuấn Hải, Thành Chung… là sản phẩm của đội bóng Thủ đô “nhào nặn” từ những cầu thủ trẻ mới tập tễnh vào nghiệp bóng đá. Số lượng cầu thủ không phải do chính Hà Nội đào tạo đến thời điểm này còn rất ít, có thể kể đến vài cái tên như Tấn Trường (Đồng Tháp), Thái Quý (PVF), Văn Quyết (Viettel)…
Không chỉ phá kỷ lục của chính mình ở số lần vô địch V.League, Hà Nội còn hoàn toàn có thể làm dày phòng truyền thống của mình nhiều hơn nữa khi lực lượng hiện tại vẫn rất thiện chiến, trẻ trung và đặc biệt có chiều sâu. Đó cũng là mơ ước và là bài học để các CLB khác học hỏi.